Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, các cơ sở tiêm chủng y tế tư nhân sẽ tổ chức tiêm vaccine sởi miễn phí theo hướng dẫn của ngành y tế từ nay cho đến khi chiến dịch kết thúc với nguồn vaccine của Thành phố do Trung tâm y tế trên địa bàn cung cấp cho các cơ sở tiêm chủng.
Bà Ngô Thị Tuyết Sương, Giám đốc Quản lý chất lượng Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, đơn vị đã huy động gần 2.000 bác sĩ, điều dưỡng nhân viên của 39 trung tâm VNVC tại TP Hồ Chí Minh tham gia chiến dịch và đặc biệt chú trọng đảm bảo tiêm chủng an toàn, đạt hiệu quả cao phòng bệnh sởi bên cạnh đạt chỉ tiêu về độ phủ vaccine. Người dân có thể đưa trẻ đến bất kỳ trung tâm tiêm chủng nào của VNVC trên địa bàn để được tiêm miễn phí vaccine sởi.
Theo bà Ngô Thị Tuyết Sương, mặc dù vaccine sử dụng trong chiến dịch là loại phòng sởi - rubella (MRVAC) do Việt Nam sản xuất và đã triển khai tiêm nhiều năm nhưng VNVC vẫn rất chú trọng vấn đề an toàn tiêm chủng như tất cả các loại vaccine khác, trước hết là vấn đề bảo quản, vận chuyển vaccine.
“Vaccine nếu không được vận chuyển bảo quản an toàn theo tiêu chuẩn GSP khắt khe thì chất lượng vaccine sẽ không được bảo đảm, như vậy công sức triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi sẽ trở nên lãng phí khi vaccine không thể tạo được hiệu quả bảo vệ tốt, chưa kể ảnh hưởng đến sự an toàn và sức khỏe của trẻ em khi tiêm. Do đó, các xe lạnh chuyên dụng vận chuyển vaccine đạt chuẩn GSP của VNVC đã đến tận các trung tâm y tế quận, huyện để nhận vaccine sởi được Thành phố cấp phát. Đội ngũ quản lý chất lượng, logistics bảo quản vaccine kiểm soát chặt chẽ từ thời điểm vaccine được bàn giao, trong suốt hành trình vận chuyển và tới kho lạnh chuyên dụng của các trung tâm VNVC, lúc đó mới đảm bảo chặng an toàn đầu tiên của vaccine”, bà Sương chia sẻ.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết thêm, tất cả trẻ thuộc diện tiêm vaccine sởi miễn phí khi đến VNVC được phục vụ như các trung tâm khác của VNVC trên toàn hệ thống, đều trải qua quy trình tiêm chủng an toàn 8 bước. Thông tin tiêm chủng của trẻ sẽ được lưu trữ trên hệ thống Thông tin tiêm chủng quốc gia và ứng dụng mobile App tiêm chủng VNVC. Bên cạnh đó, VNVC cũng cam kết sẵn sàng hỗ trợ cơ sở vật chất, vật tư y tế, điều động đội ngũ tham gia cùng Thành phố phòng, chống dịch sởi.
Theo ngành y tế TP Hồ Chí Minh, đối với các dịch bệnh có vaccine dự phòng, chiến dịch tiêm chủng chống dịch khi dịch bùng phát giúp ngăn chặn quá trình lây truyền mầm bệnh trong cộng đồng, từ đó làm giảm sự lan rộng của dịch và rút ngắn thời gian xảy ra dịch.
Sởi là bệnh truyền nhiễm lây rất nhanh qua đường hô hấp. Hầu hết những trường hợp chưa có miễn dịch đều phát bệnh sau khi tiếp xúc với người bị bệnh sởi đang trong thời kỳ lây nhiễm, một ca bệnh sởi có thể lây trung bình cho 12 đến 18 người.
Theo tài liệu Hướng dẫn ứng phó dịch sởi (Measle Outbeak Guide - WHO) của Tổ chức Y tế thế giới, chiến dịch tiêm chủng chống dịch sởi lý tưởng phải được hoàn thành trong vòng 7 đến 10 ngày sau khi sự bùng phát của dịch sởi được xác định. Ngay cả khi triển khai muộn nhưng đạt tiến độ nhanh thì tiêm chủng vẫn góp phần rút ngắn thời gian vụ dịch, giảm số ca mắc và tử vong. Tài liệu này cũng dẫn ví dụ về hiệu quả tiêm chủng chống dịch tại một quốc gia chịu gánh nặng của bệnh sởi lưu hành; mặc dù chiến dịch được khởi động rất trễ sau 2 lần đề xuất (vào tuần thứ 28 sau khi xuất hiện những ca đầu tiên của vụ dịch) nhưng khi đã triển khai quyết liệt chiến dịch thì số ca mắc cũng bắt đầu giảm nhanh ngay từ tuần lễ kế tiếp và kết thúc hẳn 6 tuần sau đó.
Tại TP Hồ Chí Minh, chỉ 3 ngày sau khi UBND Thành phố ban hành quyết định công bố dịch, chiến dịch tiêm chủng cho tất cả các trẻ từ 1 - 10 tuổi chưa tiêm đủ mũi vacicne sởi đã được triển khai trên phạm vi toàn Thành phố từ ngày 31/8/2024. Trong chiến dịch tiêm vaccine sởi tại Thành phố ước tính có khoảng 125.000 trẻ từ 1 - 10 tuổi thuộc diện cần tiêm vaccine. Từ đầu chiến dịch đến nay Thành phố đã tiêm được 54.023 trẻ từ 1 - 10 tuổi và các trường hợp thuộc nhóm nguy cơ cao, nhân viên y tế…
Bác sĩ Bạch Thị Chính cho biết, kể từ khi TP Hồ Chí Minh công bố dịch sởi và các địa phương ghi nhận nhiều ca mắc, số người lớn và trẻ em đến các cơ sở tiêm sởi tăng. Từ 1 đến 14/9, riêng tại TP Hồ Chí Minh cho thấy lượt tiêm tăng 300% so với cùng kỳ tháng trước.
Bà Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho rằng, để giảm sự lây lan của bệnh sởi và sớm kết thúc dịch, Thành phố cần đẩy mạnh tiến độ thực hiện chiến dịch tiêm vacicne phòng, chống dịch sởi và cơ bản hoàn thành trong tháng 9 này.
Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, tính từ đầu năm 2024 đến nay, tổng số ca sốt phát ban nghi sởi tại TP Hồ Chí Minh là 748 ca, trong đó có 581 ca sởi. Các quận, huyện có số ca mắc cao, gồm: huyện Bình Chánh, quận Bình Tân và huyện Hóc Môn. Hiện nay, số ca mắc sởi tại TP Hồ Chí Minh vẫn đang tiếp tục tăng.