TP Hồ Chí Minh khuyến cáo học sinh có dấu hiệu bệnh truyền nhiễm không đến trường

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh tay chân miệng, bệnh sởi và các bệnh truyền nhiễm khác trong các trường học cũng như trên địa bàn thành phố, ngày 3/10, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các cơ sở giáo dục trên địa bàn tích cực triển khai hoạt động phòng chống dịch bệnh trong trường học.

Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố yêu cầu các cơ sở giáo dục giám sát phát hiện, cách ly sớm ca bệnh truyền nhiễm trong trường học. Học sinh, giáo viên, công nhân viên khi có các dấu hiệu sốt, ho, sổ mũi, phát ban, nổi mụn nước cần nghỉ học, nghỉ làm để đi khám bệnh tại các cơ sở y tế, không nên đến trường, lớp và hạn chế tiếp xúc với người khác; chỉ quay lại trường học khi đã hết các triệu chứng bất thường. Nếu được chẩn đoán là bệnh truyền nhiễm gây dịch phải ở nhà cách ly đến hết thời gian quy định.

Chú thích ảnh
Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh quá tải vì bệnh nhi mắc tay chân miệng nhập viện. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN

Đồng thời, nhân viên y tế trường học tổng hợp các trường hợp nghỉ vì bệnh truyền nhiễm vào sổ quản lý, sổ theo dõi học sinh nghỉ vì bệnh truyền nhiễm chung của trường hàng ngày và báo ngay cho Trạm y tế phường, xã, Trung tâm y tế quận, huyện nếu có trường hợp bị bệnh truyền nhiễm trong danh mục phải báo cáo.  

Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đề nghị các cơ sở giáo dục không nhận học sinh bị sốt hoặc bị bệnh truyền nhiễm vào lớp. Khi phát hiện có trường hợp sốt hoặc bệnh phải đưa đến phòng y tế trường và gọi phụ huynh đưa đi khám ngay. Riêng các trường mầm non và nhóm trẻ, giáo viên, bảo mẫu khi đón nhận trẻ vào buổi sáng phải sàng lọc trẻ và thăm hỏi phụ huynh về tình trạng của trẻ trước nhận vào lớp.

Các cơ sở giáo dục phải đảm bảo vệ sinh cá  nhân, vệ sinh môi trường trong trường học và đẩy mạnh công tác truyền thông phòng bệnh cho giáo viên, nhân viên nhà trường cũng như học sinh và phụ huynh.

Theo Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh, trong 3 tuần qua, số ca mắc bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết nhập viện đều gia tăng, trong đó bệnh tay chân miệng và sởi gia tăng nhanh chóng, tập trung ở lứa tuổi nhỏ. Trong tuần 39 (từ 21-29/9), thành phố ghi nhận 347 ca bệnh tay chân miệng nhập viện (trung bình 4 tuần trước là 233 ca); số ca sởi là 32 (trung bình 4 tuần trước 15 ca).

Thu Hoài (TTXVN)
Số ca bệnh tay chân miệng tại Ninh Thuận tăng 88%, đa số là trẻ dưới 3 tuổi
Số ca bệnh tay chân miệng tại Ninh Thuận tăng 88%, đa số là trẻ dưới 3 tuổi

Đến ngày 2/10, tỉnh Ninh Thuận ghi nhận 643 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (tăng 88% so với cùng kỳ năm 2017) với 60 ổ bệnh, trong đó trẻ mắc bệnh dưới 3 tuổi chiếm gần 85%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN