TP Hồ Chí Minh: Gia tăng trẻ nhập viện vì các bệnh đường hô hấp

Thời gian gầy đây, các bệnh viện nhi trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận nhiều trẻ đến khám và nhập viện do mắc các bệnh về đường hô hấp. Theo các bác sĩ, nguyên nhân chính là do sự thay đổi thất thường của thời tiết tạo điều kiện cho virus phát triển.

Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng 2, từ đầu tháng 9 đến nay, số trẻ được gia đình đưa đến khám và nhập viện điều trị bệnh hô hấp tăng so với tháng 7 và tháng 8 khoảng 30%. Bác sĩ CKI Lê Thị Thanh Thảo, Phó khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, nếu như những tháng trước có khoảng 180 trường hợp điều trị thì hiện nay con số này dao động ở mức trên 250 ca. Trong đó, tỷ lệ trẻ bị mắc các bệnh đường hô hấp nặng chiếm khoảng 10%.

Chú thích ảnh
Bệnh nhi nằm điều trị do bệnh liên quan đến hô hấp tại Bệnh viện Nhi đồng 2.

“Hiện khoa Hô hấp chỉ có 217 giường bệnh, trong khi đó số trẻ mắc bệnh đường hô hấp đang điều trị tại khoa trên 250 trẻ nên sẽ có một số giường bệnh nhân nằm ghép đôi. Trường hợp bệnh nhi nhập viện tăng cao, chúng tôi sẽ nhờ một số khoa như Tim mạch, Thần kinh, Tiêu hóa cùng chia sẻ để tránh quá tải. Ngoài ra, để hạn chế quá tải và lây nhiễm chéo, đối với những trường hợp bệnh nhẹ hơn, bác sĩ sẽ cho trẻ sớm xuất viện và điều trị tại nhà”, bác sĩ Lê Thị Thanh Thảo cho biết thêm.

Tương tự, Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng tiếp nhận trẻ mắc bệnh hô hấp tăng cao. Theo thống kê của phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 1, trong tháng 8 và tháng 9, bệnh viện ghi nhận 61.100 trường hợp trẻ đến khám ngoại trú, trong đó có đến 2.165 ca điều trị nội trú liên quan bệnh hô hấp. Theo bác sĩ Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1, số trẻ nhập viện do mắc các bệnh đường hô hấp có xu hướng tăng so với những tháng trước đó. Đa phần trẻ mắc các bệnh như viêm phế quản, viêm phổi và hen… Nguyên nhân chính là do sự thay đổi thất thường của thời tiết, vừa nắng, vừa mưa tạo điều kiện cho virus phát triển.

Các bác sĩ nhận định, trong thời gian tới, bệnh lý siêu vi đường hô hấp vẫn tiếp tục gia tăng. Thông thường, đỉnh dịch của bệnh hô hấp từ tháng 5 đến tháng 6 và từ tháng 9 đến tháng 11. Đặc biệt, khi trẻ đến trường học với môi trường tiếp xúc đông, kết hợp với thời tiết giao mùa, khả năng lây bệnh cũng cao hơn với các biểu hiện ho, sốt, chảy nước mũi…

Để phòng bệnh hô hấp ở trẻ, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh nên giữ ấm cho trẻ, tránh để trẻ bị nhiễm lạnh, nhất là khi thời tiết có những lúc thay đổi thất thường như hiện nay. Thời tiết hơi nóng bức, có thể sử dụng quạt và điều hòa hợp lý cho trẻ; không nên để luồng gió từ máy lạnh, quạt máy thổi thẳng trực tiếp vào người trẻ, nên để nhiệt độ máy lạnh ở 27 độ C.

Bên cạnh đó, phụ huynh cần nâng cao sức đề kháng cho cơ thể bằng cách cho trẻ ăn đầy đủ chất, trẻ cần được chích ngừa đầy đủ theo lịch, đặc biệt là bệnh cúm. Nên tiêm nhắc lại mỗi năm cho trẻ thì hiệu quả dự phòng sẽ cao hơn. Nếu trẻ điều trị bệnh hô hấp tại nhà đã 2 ngày nhưng vẫn không giảm sốt, khó thở, lừ đừ, bỏ ăn... phụ huynh nên nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế hoặc bệnh viện để được điều trị kịp thời.

Tin, ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đề xuất bổ sung thêm chức danh trợ lý điều dưỡng​
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đề xuất bổ sung thêm chức danh trợ lý điều dưỡng​

Ngày 7/10, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị đang có kiến nghị bổ sung thêm chức danh trợ lý điều dưỡng để hỗ trợ cho các bác sĩ, điều dưỡng trong việc chăm sóc người bệnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN