TP Hồ Chí Minh: Dịch tay chân miệng diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng hơn 133%

Ngày 9/6, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh dự báo, tình hình dịch bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp trong thời gian tới, với số ca bệnh nặng kèm sự xuất hiện của EV71.

Theo báo cáo của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong tuần 22, Thành phố ghi nhận 287 ca bệnh, tăng 133,3% so với trung bình 4 tuần trước (123 ca). Trong đó, số ca bệnh tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và các trường hợp khám ngoại trú so với trung bình 4 tuần trước. Số mắc tích lũy đến tuần 22 là 1.972 ca.

Chú thích ảnh
Một bệnh nhi 17 tháng tuổi với chẩn đoán bệnh tay chân miệng độ 4, được điều trị tích cực thở máy, lọc máu liên tục tại Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố. Ảnh: BV

Thông qua hệ thống giám sát dịch bệnh của Thành phố, có 6 mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng có triệu chứng nặng đang điều trị tại các bệnh viện nhi của thành phố, được phát hiện EV71 và đều có kiểu gene B5 khi tiến hành giải trình tự gene.

Năm nay, với sự xuất hiện của tác nhân EV71, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh dự đoán, bệnh tay chân miệng có thể bùng phát dịch cùng với nguy cơ bệnh nặng nhiều. Tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là các trẻ dưới 5 tuổi. Trẻ mắc bệnh thường tự khỏi, tuy nhiên một số trường hợp bệnh sẽ chuyển nặng. Nếu phát hiện trễ, bệnh tiến triển nhanh, gây ra các biến chứng nguy hiểm về thần kinh, tim mạch, hô hấp và có thể gây tử vong.

Theo đó, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc phòng ngừa và phát hiện sớm bệnh tay chân miệng ở trẻ là rất cần thiết, nhất là các dấu hiệu chuyển nặng khi trẻ đã mắc bệnh tay chân miệng.

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, để chủ động phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, kiểm soát sự gia tăng số ca mắc mới, bên cạnh sự phối hợp khẩn trương, kịp thời trong công tác phòng chống dịch của các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài ngành y tế, cần có sự chung tay của phụ huynh.

Theo đó, ngành y tế khuyến cáo để phòng bệnh, phụ huynh nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy; thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ trẻ tiếp xúc hàng ngày; không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Đan Phương/Báo Tin tức
Gia tăng ca mắc tay chân miệng nặng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long
Gia tăng ca mắc tay chân miệng nặng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Trong khoảng một tháng gần đây, các bệnh viện trên địa bàn các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long liên tục tiếp nhận các trường hợp trẻ mắc tay chân miệng nặng. Trong đó, một số em phải chuyển lên tuyến cuối Thành phố Hồ Chí Minh điều trị; một số khác được cứu chữa kịp thời nhờ hội chẩn trực tuyến từ xa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN