TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh đầu tư công và thu hút nguồn lực xã hội hóa trong y tế

Trong bối cảnh nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng, TP Hồ Chí Minh không ngừng tăng cường đầu tư công và thu hút nguồn lực xã hội hóa trong lĩnh vực y tế nhằm nâng cao năng lực phục vụ và đáp ứng kỳ vọng của người dân.

Thông tin này được ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh báo cáo tại buổi giám sát của Ban Văn hóa xã hội, HĐND TP Hồ Chí Minh về chất lượng nguồn nhân lực và hiệu quả đầu tư công trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vào ngày 15/4.

Nhiều công trình y tế được đầu tư từ ngân sách

Theo báo cáo của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, tính đến thời điểm hiện tại, Thành phố có tổng cộng 133 bệnh viện, gồm 12 bệnh viện thuộc bộ ngành, 51 bệnh viện do Thành phố quản lý và 70 bệnh viện ngoài công lập.

Mạng lưới y tế cơ sở cũng được củng cố với 273 trạm y tế, dù giảm so với con số 310 trạm y tế trước đây do quá trình quy hoạch lại; tuy nhiên theo lãnh đạo Sở Y tế, các chi nhánh của trạm y tế sẽ tiếp tục được mở rộng để phù hợp với quy mô dân số.

Chú thích ảnh
Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức có tổng mức đầu tư lớn nhất với 1.915 tỷ đồng từ ngân sách TP Hồ Chí Minh và dự kiến đưa vào hoạt động trong tháng 4/2025. Ảnh: BV

Ông Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh, sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng đã tạo động lực mạnh mẽ, giúp hệ thống y tế Thành phố không ngừng được củng cố và kiện toàn. Minh chứng rõ nét là sự tăng trưởng ấn tượng về số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh. Nếu như năm 2012, toàn Thành phố ghi nhận khoảng 21 triệu lượt khám chữa bệnh ngoại trú, con số này đã tăng lên gần 45 triệu lượt vào năm 2019, trước khi dịch COVID-19 bùng phát, tương ứng với mức tăng trung bình 10% mỗi năm. Số lượng bệnh nhân điều trị nội trú cũng tăng từ 1,1 triệu lượt lên 2,2 triệu lượt trong cùng giai đoạn.

Sau đại dịch, đến cuối năm 2024, số lượt khám ngoại trú vẫn duy trì ở mức cao, khoảng 45 - 46 triệu lượt và số lượt điều trị nội trú là khoảng 2,5 triệu lượt. Đáng chú ý, các bệnh viện của TP Hồ Chí Minh không chỉ phục vụ 10 triệu dân của thành phố mà còn tiếp nhận hơn 50% bệnh nhân đến từ các tỉnh, thành khác, cho thấy vai trò trung tâm y tế lớn của khu vực.

Chú thích ảnh
Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 được xây mới và đưa vào hoạt động, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Ảnh: Đan Phương

Song song với việc nâng cao chất lượng chuyên môn, TP Hồ Chí Minh đang đầu tư mạnh mẽ phát triển cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng tăng. Nhiều công trình xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa và trung tâm y tế đã được đưa vào sử dụng, trong đó các cơ sở công lập như Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Từ Dũ cùng các bệnh viện tuyến huyện, quận được đầu tư phát triển hiện đại.

Đặc biệt, giai đoạn 1 của Khu y tế kỹ thuật cao Tân Kiên - Bình Chánh đã đi vào hoạt động, mở đường triển khai thành công các kỹ thuật y tế chuyên sâu như ghép tạng, can thiệp tim mạch, ECMO, phẫu thuật robot và thụ tinh trong ống nghiệm, từng bước khẳng định vị thế là trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước. Bên cạnh đó, nhiều bệnh viện trên địa bàn Thành phố đang nỗ lực đạt các chứng nhận quốc tế về chuyên môn và chất lượng, khẳng định vị thế là trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước.

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong giai đoạn 2020 - 2025, Thành phố đã tập trung nguồn lực đầu tư cho y tế và nhiều bệnh viện mới đã được xây dựng, phát huy hiệu quả. Tính đến tháng 3/2025, ngành y tế Thành phố đã khánh thành và đưa vào sử dụng 23 dự án y tế quan trọng, gồm 12 bệnh viện chuyên khoa, 6 bệnh viện đa khoa, 2 trung tâm y tế không giường bệnh và 3 dự án bệnh viện tuyến huyện. Trong giai đoạn 2021 - 2025, HĐND Thành phố đã thông qua 35 dự án với tổng mức đầu tư lên đến 13.789 tỷ đồng.

Hiện tại, các Sở, ban ngành liên quan đang tích cực triển khai các dự án, với nhiều dự án khởi công trong năm 2025 như Trung tâm Cấp cứu 115, Ngân hàng Máu tại Cụm y tế Tân Kiên và Trung tâm Kiểm chuẩn. Các dự án khác như Phục hồi chức năng và mở rộng Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 cũng đang được đẩy nhanh tiến độ.

Đứng đầu cả nước về hệ thống y tế tư nhân

Về công tác xã hội hóa y tế, ông Nguyễn Hoài Nam khẳng định, Thành phố hiện đang dẫn đầu cả nước về số lượng cơ sở y tế tư nhân, từ các phòng khám đa khoa, chuyên khoa đến hệ thống dược phẩm và bệnh viện. Với 70 bệnh viện tư nhân, Thành phố đang chiếm 20% tổng số bệnh viện tư nhân trên cả nước.

Chú thích ảnh
Bênh viện tư nhân tại TP Hồ Chí Minh triển khai thành công nhiều kỹ thuật chẩn đoán và điều trị tiên tiến. Ảnh: BV

Khu vực y tế tư nhân tại TP Hồ Chí Minh cũng đã có những bước tiến đáng kể về chất lượng dịch vụ và ứng dụng các kỹ thuật chuyên môn cao. Nhiều bệnh viện tư nhân như Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (Củ Chi), Bệnh viện FV, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật chẩn đoán và điều trị tiên tiến, góp phần quan trọng trong việc giảm tải cho các bệnh viện công lập và mang đến nhiều lựa chọn chăm sóc sức khỏe chất lượng cao cho người dân.

Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, dù số lượng bệnh viện tư nhân lớn, nhưng tổng quy mô giường bệnh của khu vực này chỉ chiếm khoảng 10% tổng số giường bệnh của toàn thành phố. Điều này cho thấy, phần lớn các bệnh viện tư nhân hiện nay vẫn có quy mô nhỏ lẻ, ngoại trừ một số bệnh viện đa khoa lớn như Bệnh viện Triều An, Bệnh viện Gia An 115 và Bệnh viện Quốc tế City.

"Việc đầu tư vào xây dựng và phát triển bệnh viện là một quá trình dài hơi, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn và thời gian thu hồi vốn lâu. Đây có thể là một trong những yếu tố khiến nhiều nhà đầu tư hiện nay ưu tiên lựa chọn các dự án có quy mô nhỏ hơn", ông Nguyễn Hoài Nam nhận định.

Chia sẻ về những rào cản trong việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực y tế, ông Nguyễn Hoài Nam thẳng thắn cho biết, dù tiềm năng phát triển của ngành y tế tại TP Hồ Chí Minh là rất lớn và nhu cầu đầu tư vẫn còn rất cao, song các quy định và thủ tục thu hút nhà đầu tư, đặc biệt là các tiêu chí ưu đãi đầu tư vào ngành y tế vẫn chưa thực sự được đơn giản hóa.

Theo ông, một khi các thủ tục đầu tư được tinh gọn, thuận tiện, tối ưu hóa chi phí và hiệu quả, đồng thời phân bổ nguồn lực hợp lý, TP Hồ Chí Minh sẽ có lợi thế cạnh tranh lớn hơn để trở thành một điểm đến đầu tư y tế hấp dẫn trong khu vực.

Bên cạnh đó, dù Thành phố đã có chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa và liên kết hợp tác nhằm thu hút vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng khám chữa bệnh hiện đại, chuyển giao công nghệ và đào tạo đội ngũ y bác sĩ chất lượng cao, nhưng cơ chế ưu đãi và các chính sách đặc thù để thu hút đầu tư vào lĩnh vực y tế vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng. Nguyên nhân sâu xa vẫn nằm ở chính sách và khung pháp luật hiện hành, chưa tạo được sự an toàn và tin tưởng cho các nhà đầu tư, đặc biệt là đối với các dự án hợp tác công tư (PPP).

Thực tế cho thấy, hành lang pháp lý cho việc đầu tư vào ngành y tế vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng, đặc biệt là các quy định về thủ tục đầu tư còn khá phức tạp. Hơn nữa, ngoài khung pháp lý, thể chế thu hút đầu tư từ các nguồn lực bên ngoài vào y tế, kể cả dưới hình thức công - tư, cũng cần có tầm nhìn rộng mở hơn, cởi mở hơn nữa về giá và biểu phí dịch vụ tại các cơ sở y tế tư nhân.

Để tháo gỡ những nút thắt này và tạo động lực mạnh mẽ hơn cho công tác đầu tư công, cũng như thu hút nguồn lực xã hội hóa vào lĩnh vực y tế, ngành y tế TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị với Chính phủ sớm rà soát, hoàn thiện và ban hành các chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực y tế một cách đồng bộ, đảm bảo sự công bằng giữa các dự án bệnh viện công lập và ngoài công lập.

Cùng với đó, Sở Y tế cũng đề xuất tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo cơ chế và chính sách giao trách nhiệm cho UBND TP Hồ Chí Minh được chủ động hơn nữa trong việc triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng y tế, ưu tiên trách nhiệm thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ sở y tế trên địa bàn, đặc biệt là các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa nhằm tăng số lượng bệnh viện và giường bệnh trên địa bàn thành phố, tạo một môi trường cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt giữa bệnh viện công lập và tư nhân.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh sự cần thiết của việc hoàn thiện và ổn định các chính sách liên quan như chính sách về giá dịch vụ y tế, chính sách đầu tư, giao hoặc cho thuê đất, chế độ hợp tác công tư... để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào lĩnh vực y tế.

Tại buổi họp, ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HĐND TP Hồ Chí Minh ghi nhận kiến nghị, đề xuất của Sở Y tế. Ông Cao Thanh Bình cho biết, nhiều nhà đầu tư rất muốn tham gia vào các dự án của ngành. Theo đó, ngành cần nghiên cứu và đánh giá, từ đó phân loại các dự án để mạnh dạn kêu gọi đầu tư, hướng đến chăm sóc sức khoẻ tốt nhất cho người dân, cũng như khẳng định vị thế, vai trò ngành y tế của TP Hồ Chí Minh.

Đan Phương/Báo Tin tức và Dân tộc
Kinh doanh có trách nhiệm là yếu tố cốt lõi để doanh nghiệp phát triển lâu dài
Kinh doanh có trách nhiệm là yếu tố cốt lõi để doanh nghiệp phát triển lâu dài

Theo các chuyên gia, điều làm nên bản sắc và sức mạnh nội lực thực sự của một doanh nghiệp không chỉ nằm ở quy mô tài sản hay doanh thu, mà còn nằm ở chính văn hóa của doanh nghiệp đó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN