Ông Nguyễn Văn Khuôn cho biết, qua kiểm tra, người bán dạo này lấy giò lụa từ lò bánh mì V. Lò bánh mì này đã lấy giò lụa tại một cơ sở sản xuất giò lụa ở phường Trường Thọ (thành phố Thủ Đức). Tuy nhiên, qua kiểm tra, cơ sở sản xuất giò lụa này hoạt động gần 2 tháng và đây là cơ sở hoạt động “chui”, không giấy phép, không biểu hiệu…
“Hiện cơ quan chức năng đã lấy mẫu giò lụa tại cơ sở này để mang đi xét nghiệm và đang chờ kết quả; đồng thời yêu cầu cơ sở này đóng cửa và ngừng hoạt động ngay”, ông Nguyễn Văn Khuôn cho biết thêm.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Khuôn cho biết, hiện Phòng Y tế thành phố Thủ Đức đã chỉ đạo cho tất cả các phường trên địa bàn tăng cường công tác thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, đặc biệt những cơ sở sản xuất giò lụa, bún, phở…
Theo ông Nguyễn Văn Khuôn, hiện các cơ quan chức năng đang gặp rất nhiều khó khăn khi kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm hoạt động “chui”, bởi những cơ sở này thường không có biểu hiệu, không đăng ký và các cơ quan chức năng chỉ phát hiện khi có trường hợp đáng tiếc xảy ra.
“Đáng lo ngại nhất hiện nay, đó chính là thực phẩm được bán trên online ở các hội nhóm dưới danh nghĩa thực phẩm nhà làm. Để tăng cường công tác kiểm tra những cơ sở này, chúng tôi đã chỉ đạo các phường phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, trong đó đặc biệt lưu ý các cơ sở sản xuất giò lụa và bún, phở”, ông Khuôn thông tin thêm.
Tính đến nay, tại TP Hồ Chí Minh đã có 5 trường hợp nhập viện do ngộ độc botulinum từ món giò lụa kẹp bánh mì được mua từ người bán dạo. Trong đó, có 3 trẻ đang nằm điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 và 2 trường hợp là người lớn đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.