Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, tính đến ngày 11/7/2022, tổng số ca sốt xuất huyết đến khám là 26.138 ca, trong đó có 11.076 ca điều trị ngoại trú (42%) và 15.062 ca nhập viện điều trị (58%).
Tỷ lệ số ca phải nhập viện (sốt cao, nôn ói, đau bụng...) chiếm 60% số ca đến khám. Đối với các bệnh viện tuyến cuối, tỷ lệ số ca nguy kịch có thể lên đến 3-5%.
Nhằm sẵn sàng đáp ứng thu dung, điều trị sốt xuất huyết, Thành phố sẽ chuẩn bị nguồn lực giường điều trị, giường hồi sức tích cực, nhân sự, trang thiết bị, dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu... theo từng tình huống cụ thể. Hạn chế tối đa chuyển người bệnh nặng giữa các bệnh viện; trong trường hợp cần thiết phải đảm bảo an toàn khi vận chuyển người bệnh sốt xuất huyết nặng đến các bệnh viện.
Ngành y tế Thành phố đưa ra 3 tình huống để xây dựng kịch bản ứng phó, tương ứng với các số ca mắc sốt xuất huyết.
Tình huống 1, dự kiến có dưới 300 ca nhập viện mới mỗi ngày, dưới 2.000 ca đang điều trị nội trú và dưới 200 ca nặng tại các bệnh viện. Trong tình huống này, ngành y tế sẽ ưu tiên điều trị các trường hợp nặng tại các bệnh viện. Tổng số giường bệnh điều trị sốt xuất huyết ở tình huống 1 là 2.405 giường, số giường hồi sức tích cực là 260 giường, bao gồm 14 bệnh viện: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Quân y 175… Thành phố sẽ cần 300 bác sĩ và 600 điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết, 160 bác sĩ chuyên khoa hồi sức và 320 điều dưỡng chăm sóc người bệnh nặng.
Tình huống 2: Tương ứng từ 300 đến 600 ca nhập viện mới mỗi ngày, 2.000 - 4.000 ca đang điều trị nội trú và 200 - 400 ca nặng tại các bệnh viện. Tổng số giường điều trị sốt xuất huyết là 4.000 giường và 410 giường hồi sức tích cực tại 14 bệnh viện. Trong tình huống 2, mở rộng quy mô giường bệnh điều trị sốt xuất huyết và giường bệnh hồi sức tích cực tại các bệnh viện công lập. Như vậy, tổng số giường trong giai đoạn 2 là 4.000 giường điều trị sốt xuất huyết và 410 giường hồi sức tích cực (trong đó có 120 giường hồi sức tích cực tại các bệnh viện chuyên khoa nhi). Tình huống này cần 550 bác sĩ và 1.100 điều dưỡng chăm sóc, 320 bác sĩ chuyên khoa hồi sức và 640 điều dưỡng chăm sóc người bệnh nặng.
Tình huống 3, khi Thành phố có từ 4.000 - 6.000 ca đang điều trị nội trú. Tổng số giường trong giai đoạn này là 6.000 giường điều trị sốt xuất huyết và 605 giường hồi sức tích cực (trong đó có 210 giường hồi sức tích cực tại các bệnh viện chuyên khoa nhi). Tình huống này cần có 800 bác sĩ và 1.600 điều dưỡng chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết, 480 bác sĩ chuyên khoa hồi sức và 960 điều dưỡng chăm sóc người bệnh nặng.
Theo báo cáo của một số bệnh viện tuyến cuối, ước tính trung bình 1 ca sốt xuất huyết nặng sẽ sử dụng 6 lít dịch truyền (trong đó 20% là Lactate Ringer, 80% là dung dịch cao phân tử) và 2 đơn vị máu, chế phẩm của máu.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đề nghị các bệnh viện rà soát lại các nguồn lực như cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư tiêu hao, hóa chất, xét nghiệm, nhân sự xây dựng kế hoạch tiếp nhận điều trị ca mắc sốt xuất huyết theo từng giai đoạn, đảm bảo đủ nhân sự, trang thiết bị, vật tư tiêu hao, thuốc, dịch truyền, chế phẩm máu... để điều trị người bệnh theo từng tình huống cụ thể, sẵn sàng tiếp nhận người bệnh.
Các bệnh viện tuyến cuối, bệnh viện đa khoa Thành phố rà soát và xây dựng kế hoạch, thực hiện đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhân lực, sẵn sàng nhân sự để hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới khi tiếp nhận các ca mắc sốt xuất huyết nặng. Trường hợp ca bệnh nặng, đánh giá qua hội chẩn chuyển bệnh không an toàn thì bệnh viện tuyến cuối chủ động đến hỗ trợ chuyên môn.
Bệnh viện Truyền máu Huyết học có kế hoạch đảm bảo nguồn máu dự trữ theo từng tình huống cụ thể, đảm bảo cung cấp máu và các chế phẩm của máu cho các bệnh viện để điều trị kịp thời cho người bệnh.