Tiểu ban Điều trị đề nghị BV Bạch Mai hỗ trợ điều trị bệnh nhân nặng

Ngày 17/3, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Phó trưởng Tiểu ban Điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh đã chủ trì buổi hội chẩn bệnh nhân COVID-19 nặng tại Trung tâm Quản lý điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán và điều trị COVID-19.

Điều hành hội chẩn chuyên môn có: Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Gia Bình, Tổ trưởng Tổ hội chẩn bệnh nhân COVID-19 nặng; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam; Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cùng các thành viên Tiểu ban Điều trị.

Ba bệnh nhân nặng được hội chẩn là bệnh nhân 1823, 2348, 1536. Bệnh nhân 1823 và 2348 điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Bệnh nhân 1536 điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Ba bệnh nhân đều có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 từ 3-5 lần. Tuy vậy, do có các bệnh lý đi kèm, các bệnh nhân vẫn được các cơ sở y tế chăm sóc đặc biệt.

Báo cáo về trường hợp bệnh nhân 1823 đang điều trị ngày thứ 44, bệnh nhân đã ngừng ECMO thành công và đang cai dần máy thở. Mặc dù vậy, hiện bệnh nhân xuất hiện tình trạng xuất huyết tiêu hóa và nguy cơ nhiễm trùng.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã xin ý kiến Hội đồng chuyên môn và đề nghị Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ nội soi tiêu hóa đối với bệnh nhân 1823. Các chuyên gia cho rằng cần tìm ra nguyên nhân gây ra tình trạng xuất huyết tiêu hóa để để tiếp tục có những đánh giá và điều trị phù hợp. Bệnh nhân cần tiếp tục duy trì chăm sóc hô hấp, dinh dưỡng, tập vận động phục hồi chức năng và cai dần máy thở.

Trường hợp bệnh nhân 2348 (nữ, 65 tuổi) đã có 5 lần xét nghiệm âm tính. Bệnh nhân đã được điều trị 35 ngày, trong đó nằm trong phòng hồi sức 33 ngày. Tuy nhiên, chức năng phổi không cải thiện. Các bác sỹ nghi ngờ bệnh nhân rối loạn miễn dịch, bệnh tự miễn liên quan đến COVID-19.

Với hai trường hợp tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Gia Bình đề nghị Bệnh viện Bạch Mai cử cán bộ hỗ trợ làm nội soi tiêu hóa đối với bệnh nhân 1823 và chuyên gia về miễn dịch để xem xét căn nguyên của bệnh nhân 2348.

Bệnh viện Phổi Đà Nẵng đang điều trị bệnh nhân 1536, bệnh nhân được đánh giá nặng hơn bệnh nhân 91 và đã có sự phục hồi nhất định. Mặc dù vậy, bệnh nhân vẫn có tình trạng yếu cơ do nằm lâu, còn huyết khối. Các chuyên gia đánh giá cao nỗ lực và công tác chăm sóc của Bệnh viện Phổi Đà Nẵng và Bệnh viện Đà Nẵng. Bệnh nhân có các bệnh lý nền đi kèm, do vậy, các chỉ số cần được điều chỉnh từng chút một, nhất là đối với dinh dưỡng và phục hồi chức năng. Hiện gia đình bệnh nhân mong muốn bệnh nhân được chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh để tiện cho gia đình chăm sóc.

Lê Hảo (TTXVN)
Thực hiện kỹ thuật ECMO giúp tăng tỷ lệ bệnh nhân nặng được cứu sống
Thực hiện kỹ thuật ECMO giúp tăng tỷ lệ bệnh nhân nặng được cứu sống

Nhờ áp dụng kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo), Bệnh viện Chợ Rẫy đã cứu sống nhiều trường hợp “thập tử nhất sinh” như sốc tim, suy hô hấp cấp, viêm cơ tim, thuyên tắc ối…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN