Với số lượng lớn ca dương tính với virus SARS-COV-2 mới được phát hiện, nhiệm vụ cấp bách hiện nay là giải tỏa áp lực cho Bệnh viện Đà Nẵng. Các bệnh nhân âm tính đang được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Đà Nẵng) đã được chuyển tới Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam và một số bệnh viện tư nhân trên địa bàn. Những người nhà bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính được đưa đến các khu cách ly tập trung của Đà Nẵng.
Thạc sỹ Nguyễn Trọng Khoa cho hay: Việc di chuyển các bệnh nhân nặng âm tính với virus SARS-CoV-2 đến các bệnh viện khác mất khá nhiều công sức, cần xe cứu thương và các điều dưỡng đi kèm. Bộ Y tế đã huy động xe cứu thương của các Sở Y tế từ Quảng Trị đến Bình Định để thực hiện công việc này.
Ngày 31/7, Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 đã tiếp nhận điều trị thêm 7 ca nặng từ Đà Nẵng, 2 ca nặng từ Quảng Nam, nâng tổng số ca bệnh nặng mắc COVID-19 được Bệnh viện tiếp nhận điều trị lên 19 người.
Thạc sỹ Nguyễn Trọng Khoa nêu rõ: Bộ Y tế và thành phố Đà Nẵng đang khẩn trương thiết lập hai trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng và Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang. Nhóm chuyên gia về chạy thận nhân tạo của Bệnh viện Bạch Mai trợ giúp thiết lập đơn nguyên chạy thận nhân tạo với 10 máy để tiếp nhận 50 - 60 bệnh nhân chạy thận/ngày trong vài ngày tới. Một số bệnh nhân chạy thận dương tính với virus SARS-COV-2 được chuyển tới Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 để điều trị cách ly.
Cũng trong ngày 31/7, Tổ điều trị phối hợp với Sở Y tế Đà Nẵng rà soát quy trình sàng lọc, thu dung bệnh nhân để phát hiện sớm các ca mắc COVID-19 tại tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn.
Bệnh viện Bạch Mai quyết định điều động tới Đà Nẵng các chuyên gia về hỗ trợ tâm lý để thực hiện cổ vũ động viên nhân viên y tế đang "căng mình" chống dịch ở Đà Nẵng. Bệnh viện Chợ Rẫy cử ra Đà Nẵng thêm 3 bác sĩ để tham gia vào việc trợ giúp thiết lập các Trung tâm Điều trị COVID-19, vận chuyển bệnh nhân nặng và điều trị các ca bệnh nặng.