Tiếp xúc với khói bụi ô nhiễm trong thời gian ngắn cũng tăng nguy cơ mắc COVID-19

Tiếp xúc với các vật chất gây ô nhiễm không khí dù chỉ trong thời gian ngắn cũng có thể làm gia tăng nguy cơ mắc COVID-19 ở người trưởng thành trẻ tuổi. Đây là kết quả nghiên cứu vừa công bố của các nhà khoa học thuộc Viện Karolinska (Thụy Điển), qua đó bổ sung nghiên cứu về vấn đề vai trò của chất lượng không khí trong đại dịch và phản ánh cái giá sức khỏe mà con người phải trả do ô nhiễm.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang tránh khói bụi ô nhiễm tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh tư liệu: Kyodo/TTXVN

Theo kết quả nghiên cứu, người trẻ hít phải một số khói bụi ô nhiễm do các phương tiện giao thông xả ra sẽ có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn. Nghiên cứu thực hiện với 425 người được xác nhận mắc COVID-19 trong giai đoạn từ tháng 5/2020-3/2021, phần lớn ở độ tuổi 26.

Nhóm nghiên cứu đã đánh giá mối liên hệ giữa nguy cơ mắc COVID-19 và tình trạng tiếp xúc với khói bụi ô nhiễm trong vài ngày trước khi xét nghiệm PCR. Nghiên cứu ước tính mức độ tiếp xúc với 4 chất gây ô nhiễm gồm NO2, carbon đen, bụi min PM10 và bụi mịn PM2.5 dựa theo địa chỉ nhà ở và đối chiếu với một nhóm tương đồng các điều kiện từ một cơ sở dữ liệu theo dõi 4.000 người sinh sống ở Stockholm, sinh từ năm 1994-1996, trong suốt thời gian sau đó. 

Kết quả chỉ ra việc tiếp xúc với các loại bụi PM10 và PM2,5 trong 2 ngày trước khi thực hiện xét nghiệm PCR có thể làm tăng nguy cơ xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Nguy cơ dương tính cũng tăng nếu người đó tiếp xúc với carbon đen một ngày trước khi làm xét nghiệm. Tuy nhiên, nghiên cứu không tìm ra mối liên hệ giữa việc hít phải khí NO2 và nguy cơ mắc COVID-19. Những mối liên hệ này cũng không chịu tác động bởi các yếu tố khác như giới tính, thói quen hút thuốc, tình trạng thừa cân hay bệnh hen. 

Theo Giáo sư Erik Melen, từ Viện Karolinska ở Stockholm, đồng thời là một tác giả của nghiên cứu, các yếu tố khiến nguy cơ nhiễm bệnh tăng ở mức độ vừa phải có thể không quá gây chú ý nhưng trong bối cảnh mọi người trên thế giới đều tiếp xúc với khói bụi gây ô nhiễm, dù ít hay nhiều, thì kết quả nghiên cứu trên sẽ có ý nghĩa quan trọng về mặt sức khỏe cộng đồng. Giáo sư Olena Gruzieva, từ Viện Y học môi trường thuộc Viện Karolinska, cũng cho rằng kết quả trên tiếp tục khẳng định các nỗ lực cải thiện chất lượng không khí sẽ mang lại những lợi ích tiềm năng. 

Ô nhiễm không khí cũng được biết đến là yếu tố gây nguy cơ mắc hoặc tử vong một số căn bệnh phổ biến, ví dụ như bệnh tim, đột quỵ, ung thư và suy nhược thần kinh. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính ô nhiễm không khí có thể dẫn tới 7 triệu ca tử vong mỗi năm và giảm chất lượng cuộc sống của hàng triệu người, kéo theo gánh nặng y tế tương đương với các nguyên nhân khác như hút thuốc lá hoặc ăn uống không lành mạnh.

Từ lâu, ô nhiễm không khí đã bị coi là tác nhân dẫn tới các bệnh hô hấp như cúm, việc tiếp xúc lâu dài với không khí ô nhiễm cũng được chứng minh là làm tăng nguy cơ mắc COVID-19. Các nghiên cứu trước đây từng chỉ ra những khu vực có chất lượng không khí thấp thường ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 hơn. Đây là nghiên cứu đầu tiên khẳng định việc tiếp xúc trong thời gian ngắn cũng làm tăng nguy cơ mắc COVID-19. Hiện các nhà nghiên cứu đang tiếp tục phân tích mối liên hệ giữa khói bụi ô nhiễm và các triệu chứng hậu COVID-19 ở người trẻ.

Lê Ánh (TTXVN)
Mắc COVID-19 có thể tạo miễn dịch tương tự như tiêm vaccine công nghệ mRNA
Mắc COVID-19 có thể tạo miễn dịch tương tự như tiêm vaccine công nghệ mRNA

Trong thời gian trước khi xuất hiện biến thể Omicron, việc mắc COVID-19 có triệu chứng ở những người chưa tiêm vaccine sẽ tạo miễn dịch ngăn ngừa nguy cơ tái nhiễm tương tự như tiêm vaccine công nghệ mRNA và khả năng bảo vệ thậm chí dài hơn. Đây là kết quả nghiên cứu ở Mỹ thực hiện đối với hơn 121.000 người tham gia và được công bố trên tạp chí JAMA Network Open mới đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN