Hướng đi mới từ thực tiễn lâm sàng
Sinh thiết xương là một kỹ thuật xâm lấn quan trọng trong chẩn đoán bệnh lý ác tính hoặc tổn thương chưa rõ nguyên nhân ở xương. Tuy nhiên, đây là kỹ thuật khó, đòi hỏi độ chính xác cao, nhất là khi tổn thương nằm ở những vị trí phức tạp như nền sọ, cột sống cổ, ngực nơi tập trung nhiều mạch máu, thần kinh, tủy sống... Do đó, chỉ một sai sót nhỏ có thể để lại hậu quả nghiêm trọng như liệt, xuất huyết, thậm chí dẫn tới tử vong.
Phương pháp này dù hiệu quả nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro và hạn chế về độ chính xác, phụ thuộc lớn vào cảm quan và kinh nghiệm của người thực hiện.
Trước khi có sự hỗ trợ của công nghệ tiên tiến, kỹ thuật sinh thiết xương truyền thống đòi hỏi sự tỉ mỉ và kinh nghiệm cao của đội ngũ y, bác sĩ. Kỹ thuật viên phải trực tiếp sử dụng thước đo và đánh dấu thủ công trên cơ thể bệnh nhân để xác định chính xác vị trí tổn thương.
Từ năm 2019, Bệnh viện Quân y 175 triển khai kỹ thuật sinh thiết xương dưới hướng dẫn của máy CLVT bước đầu đạt kết quả khả quan. Tuy nhiên, kỹ thuật này vẫn phụ thuộc nhiều vào tay nghề của bác sĩ, đặc biệt ở các tổn thương nhỏ, sâu hoặc gần cấu trúc quan trọng, thao tác đưa kim trở nên khó kiểm soát.
Năm 2022, Bệnh viện Quân y 175 được trang bị hệ thống Robot Maxio và được sử dụng cho sinh thiết mô mềm như gan, phổi, tuyến thượng thận, hạch sâu và hỗ trợ điều trị bằng sóng cao tần theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất. Thế nhưng, trong quá trình sử dụng, các y bác sĩ nhận thấy ưu điểm vượt trội của Robot Maxio trong việc định vị chính xác, lập kế hoạch đường kim dựa trên hình ảnh CT và giữ ổn định hướng sinh thiết.
Từ đó, các bác sĩ tại khoa Xạ trị - Viện Ung bướu và Y học hạt nhân đã đặt ra câu hỏi: Liệu có thể ứng dụng robot này vào sinh thiết xương? Một ứng dụng hoàn toàn nằm ngoài thiết kế ban đầu của máy. Ngay lập tức, các bác sĩ đã bắt tay vào nghiên cứu và đưa vào ứng dụng.
Bác sĩ kiểm tra vị trí tổn thương trên xương.
Bệnh nhân được chụp CT để xác định các tổn thương trong xương.
Sau đó bác sĩ tiếp tục xác định vị trí, góc chọc kim bằng phương pháp thủ công.
Bác sĩ đưa kim theo góc và hướng ước lượng, vừa đâm vừa quan sát phim CT từng lát cắt để kiểm tra vị trí kim.
Nếu chưa đúng vị trí, bác sĩ sẽ rút kim và chọc lại, gây đau và kéo dài thời gian.
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Viết Hoạt, người trực tiếp nghiên cứu và triển khai ứng dụng Robot Maxio trong sinh thiết xương cho biết: “Sinh thiết xương không giống sinh thiết mô mềm, vì phải trải qua hai giai đoạn: đầu tiên xác định đường vào màng xương, sau đó dùng khoan xuyên qua lớp xương cứng. Robot không thể thực hiện giai đoạn khoan do rung lắc lớn, nhưng lại rất giỏi ở bước định hướng và giữ cố định đường kim”.
Từ thực tiễn đó, nhóm bác sĩ quyết định cải tiến quy trình: sử dụng Robot Maxio để định vị chính xác vị trí tổn thương và đường vào đến màng xương. Sau khi Robot hoàn tất nhiệm vụ định vị, các bác sĩ rút Robot ra và thực hiện phần khoan, cắt xương theo phương pháp kinh điển. Sự kết hợp giữa công nghệ và kỹ thuật truyền thống đã giúp tối ưu cả tính chính xác lẫn tính an toàn.
Mỗi lần chọc kim lại, bệnh nhân lại phải chụp CT, có những trường hợp phải chụp CT tới 10 lần điều này làm tăng nguy cơ nhiễm tia phóng xạ.
Bác sĩ kiểm tra lại vị trí tổn thương qua hình ảnh CT và xác định các góc đi kim.
Dựa vào hình ảnh trên CT kỹ thuật viên lại tiếp tục sử dụng bút, thước đánh dấu lại vị trí tổn thương.
Thời gian đầu ứng dụng, nhóm nghiên cứu cũng gặp không ít khó khăn. Theo bác sĩ Phạm Viết Hoạt, Robot Maxio được thiết kế với đầu kim nhỏ, tương thích với sinh thiết mô mềm, không phù hợp với mũi kim to hơn trong sinh thiết xương. Nhóm nghiên cứu phải liên tục thử nghiệm, tinh chỉnh thiết bị và quy trình để khắc phục sự không tương thích. Tuy nhiên, với sự kiên trì thử nghiệm, tìm kiếm và điều chỉnh, êkíp đã dần khắc phục được các lỗi kỹ thuật, đưa ứng dụng vào thực tiễn một cách hiệu quả.
Hiệu quả thiết thực từ sáng tạo y học
Ứng dụng Robot Maxio trong sinh thiết xương đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Qua đó, nhờ định vị chính xác, thao tác đưa kim trúng đích ngay từ lần đầu, giúp giảm số lần chọc kim, rút ngắn thời gian thực hiện và hạn chế tối đa phơi nhiễm phóng xạ do chụp CT lặp lại. Đặc biệt, hàng trăm ca sinh thiết xương phức tạp như tại nền sọ, cột sống cổ, cột sống ngực vốn trước đây hầu như không thể thực hiện hoặc có nguy cơ cao, nay đã được triển khai thành công, an toàn.
Từ năm 2022, Bệnh viện Quân y 175 được trang bị hệ thống Robot Maxio hỗ trợ sinh thiết các mô mềm như phổi, gan, thận...
Trong quá trình vận hành các bác sĩ nhận thấy ưu việt của hệ thống Robot Maxio nên đã nghiên cứu và đưa vào ứng dụng trên sinh thiết xương.
“Sinh thiết xương là kỹ thuật khó, đòi hỏi độ chính xác rất cao. Chỉ một sai sót nhỏ có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng như liệt, xuất huyết hoặc thậm chí tử vong. Do đó, việc ứng dụng Robot Maxio vào giai đoạn định vị đã giúp các bác sĩ loại bỏ được thao tác đâm kim “mù” đảm bảo kiểm soát chính xác từng milimet đường kim, từ đó giảm thiểu rủi ro, tránh biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt, tự tin hơn khi thực hiện sinh thiết ở những vùng khó, khối u nhỏ”, bác sĩ Phạm Viết Hoạt khẳng định.
Không chỉ nâng cao chất lượng chuyên môn, sáng kiến này còn mang lại lợi ích kinh tế đáng kể cho bệnh nhân. Theo đó, ca sinh thiết nay chỉ còn 2,5 triệu đồng và bệnh nhân có bảo hiểm y tế chỉ phải chi trả chưa tới một triệu đồng, có thể xuất viện sau 30 phút; các vết thương nhỏ, không đau đớn. Trong khi đó, với sinh thiết cổ điển, chi phí có thể lên đến hơn 20 triệu đồng, đòi hỏi ê-kíp phẫu thuật 5 người và bệnh nhân phải nằm viện chăm sóc hậu phẫu và kèm theo đó nhiều rủi ro.
Dưới sự hỗ trợ của Robot Maxio đã hỗ trợ sinh thiết thành công và an toàn nhiều tổn thương xương ở các vị trí khó tiếp cận đặc biệt là vùng xương sọ não.
Robot Maxio giúp xác định góc độ, đường đi và độ sâu kim chính xác đến từng mm, tránh chệch hướng hoặc tổn thương mô lành.
Cánh tay robot điều chỉnh và cố định theo đúng hướng đã lập kế hoạch, bác sĩ chỉ việc đưa kim theo đường có sẵn, không cần căn chỉnh thủ công.
Nhờ hướng đi chính xác ngay từ đầu, đa số ca chỉ cần đâm 1 lần là trúng nên giảm đau, giảm nguy cơ tai biến, giảm tia phóng xạ do phải chụp CT nhiều lần.
Sau khi Robot hoàn tất nhiệm vụ định vị, các bác sĩ rút Robot ra và thực hiện phần khoan, cắt xương theo phương pháp kinh điển.
Bằng việc linh hoạt cải tiến công nghệ sẵn có và đưa vào ứng dụng thực tiễn không chỉ khẳng định năng lực chuyên môn mà còn thể hiện tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ bác sĩ quân y tại Bệnh viện Quân y 175, góp phần quan trọng vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, hướng tới xây dựng nền y học hiện đại phục vụ tốt hơn nhu cầu điều trị và phục hồi cho người bệnh.
Ứng dụng Robot Maxio trong sinh thiết xương tại Bệnh viện Quân y 175 là một minh chứng sống động cho việc triển khai hiệu quả Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong y tế.