Thuế thuốc lá ở Việt Nam đang quá thấp so với thế giới

Trong khi thuế thuốc lá là biện pháp chính để giảm cầu, thì tại Việt Nam, thuế thuốc lá vẫn ở mức rất thấp.

Chú thích ảnh
Bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế trao đổi tại Hội thảo. 

Đề xuất tăng mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt

Tại hội thảo “Sự cần thiết phải tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng có hại cho sức khỏe để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng rượu bi, thuốc lá, đồ uống có đường vì lợi ích sức khỏe cộng đồng”, Ths.BS Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết: “Thuốc lá là sản phẩm cực kỳ gây hại với sức khỏe, thế nhưng, điều đáng báo động là xu hướng tiêu dùng thuốc lá ở Việt Nam lại đang gia tăng. Có một thời gian, chúng ta đã giảm được tỷ lệ người hút; tuy nhiên hiện nay, tỷ lệ này bắt đầu tăng lên. Tỷ lệ hút thuốc dự báo có thể tăng lên 43% vào năm 2030. Xu hướng này sẽ tiếp tục tăng lên nếu không có biện pháp can thiệp”.

Các biện pháp kiểm soát việc hút thuốc hiện nay như: In cảnh báo bằng hình ảnh, truyền thông, tăng thuế, môi trường không thuốc lá… đã phát huy tác dụng ở một mức nhất định, nhưng chưa đủ. Thậm chí, các biện pháp này đã tương đối bão hòa, cảnh báo quen thuộc, không có gì đột phá ngoài thuế thuốc lá. Trong khi đó, thuế thuốc lá của nước ta hiện nay quá thấp, vì vậy giá thuốc lá cũng thấp. Có khoảng 40 nhãn hiệu có giá dưới 10.000 đồng/bao thuốc. Giá, thuế với thuốc lá của Việt Nam có tăng nhưng không đáng kể trong giai đoạn từ năm 2010-2020; thị trường sản phẩm quá đa dạng, nhiều loại thuốc rẻ tiền khiến người tiêu dùng có thể dễ dàng lựa chọn nhiều loại sản phẩm khác nhau.

Theo bà Hoàng Thị Thu Hương, Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, để đạt được hiệu quả giảm tiêu dùng thuốc lá, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo cần thay đổi chính sách thuế thuốc lá theo hướng: Bổ sung thuế tuyệt đối (để chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp) với mức đủ lớn và tăng thuế theo một lộ trình đều đặn để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập và dần hướng tới mức thuế tối ưu là chiếm 75% giá bán lẻ để góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá.

Cụ thể, Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị phương án thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá ở Việt Nam ở mức: Mức 5.000 đồng/gói năm 2026; mức 7.500 đồng/gói vào năm 2027; mức 10.000 đồng/gói năm 2028; mức 12.500 đồng/gói năm 2029; mức 15.000 đồng/gói năm 2030.

Theo phương án khuyến nghị này (đạt mức thuế tuyệt đối 15.000 đồng/bao thuốc và giữ nguyên mức thuế tỷ lệ 75% vào năm 2030) sẽ giúp tỷ lệ hút thuốc giảm tương đối 13%. Tỷ lệ hút thuốc lá ở nam và nữ sẽ giảm xuống dưới 36% và 1,0% tương ứng vào năm 2030, qua đó sẽ đạt được các mục tiêu Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá Việt Nam. Phương án này cũng sẽ làm giảm đáng kể tổng số người hút thuốc, ước tính giảm khoảng 696.000 người vào năm 2030 so với năm 2020. Các mức này cũng sẽ làm tăng doanh thu thuế hàng thực, đã điều chỉnh theo lạm phát, hàng năm lên 169%, tương ứng với việc thu thêm 29,3 nghìn tỷ đồng mỗi năm từ thuế từ thuốc lá so với năm 2020.

Tăng thuế không liên quan đến việc buôn lậu

Về việc nhiều người lo ngại nếu tăng thuế thuốc lá ở Việt Nam có thể làm tăng tình trạng buôn lậu thuốc lá, các chuyên gia y tế cho rằng, điều này là không đúng.

Cụ thể, tại Việt Nam có 2 nguyên nhân chủ yếu làm tăng buôn lậu thuốc lá là: Thuốc lá ngoại được buôn lậu vào Việt Nam mục đích là để tránh thuế nhập khẩu (cần phân biệt thuế nhập khẩu chỉ áp với thuốc nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt áp với tất cả các sản phẩm cả nhập khẩu và sản xuất trong nước). Dù cho thuế tiêu thụ đặc biệt có tăng hay giảm thì buôn lậu vẫn cứ xảy ra, nhằm trốn thuế nhập khẩu. Bên cạnh đó, còn do thị hiếu của người hút thuốc, thể hiện qua 3 yếu tố: Người tiêu dùng có xu hướng sử dụng một số nhãn lậu nhất định; “gu” hút thuốc thể hiện qua yếu tố vùng miền; “gu” hút thuốc thể hiện qua việc người hút thuốc sẵn sàng trả giá cao hơn cho sản phẩm thuốc lậu thay vì sử dụng thuốc lá hợp pháp giá thấp hơn.

Đặc biệt, kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy giá thuốc lá cao không có nghĩa là tình trạng buôn lậu cao. WHO có xem xét bằng chứng tại 94 quốc gia cho thấy, tại các quốc gia có mức giá thuốc lá thấp, tình trạng buôn lậu thậm chí lại xảy ra nhiều hơn so với những quốc gia có mức giá thuốc lá cao và ngược lại. Nhiều quốc gia đã kiểm soát buôn lậu thuốc lá thành công ngay cả khi thuế và giá thuốc lá tăng cao.

Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc lá còn có thể gây ra những thiệt hại lớn về kinh tế. Kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy chi phí kinh tế hàng năm cho việc sử dụng thuốc lá ở Việt Nam ước tính lên tới 108.000 tỷ đồng, tương đương 1,14% GDP (năm 2022). Con số này lớn hơn gấp 5 lần so với đóng góp của nguồn thu thuế thuốc lá cho ngân sách quốc gia. Chưa kể, hàng năm còn có khoảng 49.000 tỷ đồng cho cho mua thuốc lá hút. Đây là những chi phí lớn, gây thiệt hại cho sự thịnh vượng của nền kinh tế nước nhà trong hiện tại cũng như trong tương lai mà hoàn toàn có thể phòng tránh được.

Thuốc lá cũng tạo nên gánh nặng bệnh tật, làm suy giảm chất lượng nguồn lao động; có tới trên 45 triệu người Việt Nam có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến thuốc lá và tử vong sớm do hút thuốc trực tiếp hoặc tiếp xúc với khói thuốc thụ động. Phần lớn những người chết vì bệnh liên quan đến thuốc lá là những người trong độ tuổi lao động, bị tử vong sớm. Điều này làm suy giảm quy mô và chất lượng nguồn lao động; và sẽ trở nên rõ rệt hơn trong 10 - 20 năm tới khi nhóm người hút thuốc lớn hiện nay bắt đầu phải đối mặt với những tác động đến sức khỏe của việc sử dụng thuốc lá.

Bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho biết: “Chúng tôi khẳng định một số mặt hàng như thuốc lá là sản phẩm có hại. Trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đã đưa mặt hàng này vào, đây là tín hiệu đáng mừng. Dự kiến tháng 10 tới, Dự thảo sẽ được đưa ra lấy ý kiến Quốc Hội và thông qua vào tháng 5/2025. Bộ Y tế đã liên tục nhận được thư kiến nghị về việc giảm thuế, giãn lộ trình tăng thuế với thuốc lá; tuy nhiên Bộ cũng nhận được đề nghị của WHO và nhiều tổ chức về việc cần tăng mức thuế hơn nữa đảm bảo tiệm cận được với các nước trong khu vực và trên thế giới”.

Bộ Y tế cũng đề xuất bổ sung tuyệt đối cùng với thuế theo tỷ lệ để chuyển sang phương pháp tính thuế hỗn hợp và tổng mức thuế phải đủ lớn để tác động thay đổi mức tiêu dùng. Đồng thời, tăng thuế theo lộ trình đều đặng để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập và dần hướng tới mức thuế tối ưu là chiến 70-75% giá bán lẻ như khuyến cáo.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Phát hiện, tạm giữ hơn 9.000 bao thuốc lá nhập lậu vận chuyển trong xe tải từ Nam ra Bắc tiêu thụ
Phát hiện, tạm giữ hơn 9.000 bao thuốc lá nhập lậu vận chuyển trong xe tải từ Nam ra Bắc tiêu thụ

Ngày 17/8, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, lực lượng chức năng tỉnh Bình Thuận đã chặn bắt và đang thực hiện các bước điều tra, xử lý vụ vận chuyển hơn 9.000 bao thuốc lá lậu từ Nam ra các tỉnh phía Bắc để tiêu thụ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN