Để chủ động phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm, từ cuối năm 2024, Sở Y tế Thái Nguyên và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tăng cường phòng, chống dịch bệnh mùa Đông Xuân; đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đối với cộng đồng.
Các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đảm bảo công tác thu dung, điều trị kịp thời bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm, nhất là các trường hợp mắc cúm mùa; hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong. Đồng thời, thực hiện nghiêm các quy trình về sàng lọc, phân luồng, cách ly, đảm bảo phòng, chống nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo và không để xảy ra ổ dịch trong các cơ sở y tế. Các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng phương án trong tình huống gia tăng các trường hợp nhập viện do mắc bệnh truyền nhiễm, bố trí đầy đủ cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu.
Các đơn vị y tế dự phòng căn cứ Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm ở người năm 2025 của tỉnh triển khai xây dựng và thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm ở người tại địa phương, đơn vị. Đồng thời, tăng cường triển khai phòng, chống dịch bệnh cúm mùa, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn, nhất là sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh lây qua đường hô hấp, bệnh cúm, viêm phổi nặng do virus và các bệnh truyền nhiễm phổ biến khác như sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, bệnh dại...
Các đơn vị y tế dự phòng đảm bảo công tác hậu cần, kinh phí, thuốc, vaccine, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực theo phương châm 4 tại chỗ, chuẩn bị các phương án đáp ứng với các tình huống có thể xảy ra; sẵn sàng triển khai các đội đáp ứng nhanh phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở về các hướng dẫn của Bộ Y tế để bảo vệ sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Đồng thời, khuyến cáo, hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân, thay đổi hành vi để nâng cao sức khỏe bằng các hình thức phù hợp; nhất là đối với các nhóm có nguy cơ cao dễ mắc bệnh như trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh lý nền với sức đề kháng yếu...
Bác sĩ Hoàng Anh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên cho biết, qua giám sát thực tế của Trung tâm cho thấy, số người mắc cúm thực tế trong cộng đồng thời gian qua cao hơn rất nhiều so với con số được báo cáo trên hệ thống. Bởi nhiều người dân tự mua thuốc điều trị mà không đến hoặc không thông báo với cơ sở y tế. Do cúm mùa là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp hoặc trong quá trình tiếp xúc nên cần tăng cường giám sát thường xuyên, theo dõi sát sao tình hình bệnh tại cộng đồng.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thái Nguyên khuyến cáo, người dân chủ động phòng, chống bệnh truyền nhiễm bằng việc đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay, nhất là sau khi ho, hắt hơi, không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
Người dân nên tiêm vaccine cúm mùa phòng bệnh, thực hiện lối sống lành mạnh, bổ sung đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm; tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, người dân không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử lý kịp thời...