Trẻ em đến khám và điều trị các bệnh liên quan tới đường hô hấp tại Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình. Ảnh: Thùy Dung/TTXVN
Tại Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình, từ tháng 1/2025 đến nay, trung bình 1 ngày đã tiếp nhận từ 250 - 300 trường hợp trẻ em đến khám và điều trị các bệnh liên quan tới đường hô hấp, đặc biệt là cúm A; trong đó có 60 trẻ phải nhập viện điều trị, tăng hơn 30% so với những ngày thời tiết bình thường.
Theo các bác sĩ, nguyên nhân trẻ mắc bệnh gia tăng là do thời tiết thay đổi đột ngột, đây là điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn gây bệnh phát triển. Bệnh nhi từ 6 tháng tuổi đến dưới 36 tháng tuổi sức đề kháng còn yếu, chưa thích nghi khi trời chuyển rét nên dễ mắc bệnh, bệnh nặng.
Bác sỹ Vũ Thị Son, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Ninh Bình cho biết, đa phần các bệnh nhân khi vào viện đều trong tình trạng sốt cao, sốt kéo dài, ho khò khè kèm theo những biến chứng của cúm như viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy cấp. Các trường hợp cúm đơn thuần, điều trị khoảng 3 ngày là ra viện; trường hợp cúm có bội nhiễm phải điều trị từ 7 đến 10 ngày. Bác sỹ Vũ Thị Son khuyến cáo, vào thời điểm giao mùa, người dân nên cho trẻ ăn uống đầy đủ, nâng cao sức đề kháng, đặc biệt là đảm bảo vệ sinh trong gia đình, luôn để phòng thoáng mát, có lưu lượng không khí thay đổi hằng ngày. Khi thời tiết giao mùa lạnh thì không nên cho trẻ ra ngoài thay đổi nhiệt độ đột ngột. Đối với những gia đình có người có biểu hiện sốt, ho thì nên cách ly để hạn chế nguồn lây cho trẻ.
Tại Khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình, từ tháng 1/2025 đến nay, số bệnh nhân nhập viên và điều trị tại Khoa có xu hướng tăng từ 20-30% so với bình thường. Những bệnh nhân nhập viện đa phần là người cao tuổi, có bệnh nền, sức đề kháng kém.
Trẻ em nằm điều trị các bệnh liên quan tới đường hô hấp tại Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình. Ảnh: Thùy Dung/TTXVN
Theo đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình, từ tháng 1/2025, số lượng bệnh nhân mắc cúm tăng nhẹ so với 2 tháng trước. Kết quả giám sát thường xuyên tại các bệnh viện tuyến tỉnh cho thấy số ca nhập viện do cúm có xu hướng gia tăng nhưng theo chu kỳ mùa của bệnh; chưa ghi nhận diễn biến bất thường về triệu chứng lâm sàng. Người dân nên tiêm phòng vaccine ngừa cúm hằng năm, thời điểm tiêm phòng tốt nhất là vào tháng 9, 10. Các biến chứng của bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là đường hô hấp dưới rất nguy hiểm, do đó người bệnh không nên có tâm lý chủ quan, cần phải đến các cơ sở y tế càng sớm càng tốt để được khám và điều trị theo đúng phác đồ. Đặc biệt, người dân không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà, dễ làm bệnh trở nặng và gặp phải các biến chứng đáng tiếc.