Thanh niên xung kích trong phong trào phòng chống HIV/AIDS

Sáng 1/12, tại thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương đã tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2018 với chủ đề: Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020.

Chú thích ảnh
Diễu hành trên các tuyến đường để tuyên truyền, hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2018. Ảnh: Hiền Anh/TTXVN

Hoạt động này nhằm thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao về dự phòng chăm sóc, điều trị HIV/AIDS nói chung và lợi ích của xét nghiệm HIV sớm nói riêng.

Tính đến ngày 30/9/2018, lũy tích các trường hợp nhiễm HIV là người Hải Dương, phát hiện trên địa bàn tỉnh Hải Dương là 4.680 người, trong đó 3.065 trường hợp chuyển sang giai đoạn AIDS, 1.676 trường hợp đã tử vong do AIDS. Đến nay, 12 huyện, thị xã, thành phố và 98% số xã phường, thị trấn của Hải Dương đều phát hiện có người nhiễm HIV/AIDS. Thực trạng này đòi hỏi các cấp, các ngành, các lực lượng xã hội, đặc biệt là Đoàn Thanh niên phải nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục cho thanh niên để từ đó lan tỏa, tác động đến mọi tầng lớp nhân dân. Phòng chống HIV/AIDS phải được coi là một trong những nhiệm vụ ưu tiên đối với phát triển kinh tế xã hội và có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các tổ chức cùng với mọi cá nhân trong xã hội tham gia.

Để thực hiện thành công công tác phòng chống HIV/AIDS, đảm bảo mục tiêu mọi người dân đều có cơ hội được tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV, những người nhiễm HIV có được cơ hội tiếp cận các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ, điều trị, các cấp, các ngành, các tổ chức cần nỗ lực hơn, đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho mọi người và cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc hỗ trợ và điều trị, lồng ghép hiệu quả chương trình phòng chống HIV/AIDS với các chương trình phòng chống các tệ nạn ma túy, mại dâm.

Tại buổi lễ mít tinh, 12 đội thanh niên xung kích trong phong trào phòng chống HIV/AIDS ở tỉnh Hải Dương đã ra mắt và tổ chức diễu hành trên nhiều tuyến phố ở thành phố Hải Dương để tuyên truyền về công tác phòng chống HIV/AIDS năm 2018.

Cũng trong sáng nay, hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia và Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS (1/12), tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức lễ Mittinh tuyên truyền với sự tham dự đông đảo lực lượng quần chúng, học sinh sinh viên trên địa bàn thành phố Sóc Trăng và một số địa phương trong tỉnh.

Theo lãnh đạo ngành Y tế Sóc Trăng, trong những năm qua, tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS trên các mặt trận truyền thông, ở các chương trình can thiệp giảm thiểu tác hại dự phòng lây nhiễm HIV qua tiêm chích ma túy, mại dâm; giám sát dịch tễ học, an toàn truyền máu, dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con... Công tác phòng, chống HIV/AIDS được đẩy mạnh gắn với công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân; triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS ở vùng đồng bào Khmer, vùng nông thôn sâu, vùng xa…

Nhờ vậy, số lượng người lây nhiễm  đã được hạn chế, số người được phòng nhiễm, sử dụng thuốc điều trị tăng lên. Tính đến cuối tháng 10/2018, toàn tỉnh đã phát hiện được 4.003 người nhiễm HIV, trong đó, số người nhiễm HIV còn sống là 2.458 người, số người nhiễm HIV đã tử vong 1.545 người.

Mặc dù được tuyên truyền rộng rãi và các cấp ngành, địa phương quan tâm nhưng công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Sóc Trăng hiện vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như nguy cơ lan rộng HIV trong cộng đồng; khó khăn về nhân sự, trang thiết bị và phương tiện; kinh phí hoạt động và thuốc điều trị ARV do nguồn tài trợ của các dự án từ nước ngoài ngày càng giảm đi…. Do vậy, rất cần sự nỗ lực lớn của cán bộ, cộng tác viên, tình nguyện viên trực tiếp làm công tác phòng, chống HIV/AIDS và các cấp ngành quan tâm hơn nữa.

Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Sóc Trăng kêu gọi mọi người hãy hành động trước những nguy cơ, tác hại to lớn của đại dịch này; biến sự quan tâm, lo lắng của mình thành những hành động cụ thể để cùng nhau cam kết tham gia tích cực hơn nữa các hoạt động tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS. Các cấp, các ngành tiếp tục hỗ trợ ngày một thiết thực và hiệu quả hơn cho công cuộc phòng, chống HIV/AIDS, góp phần đảm bảo cho sự phát triển ổn định, phồn vinh và hạnh phúc của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và của toàn xã hội; cảm thông, chia sẻ và không kỳ thị, không phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV/AIDS...

Tiến Vĩnh - Trung Hiếu (TTXVN)
Tôn vinh những đóng góp thầm lặng đẩy lùi dịch HIV/ AIDS
Tôn vinh những đóng góp thầm lặng đẩy lùi dịch HIV/ AIDS

Đây là giải thưởng Dải băng đỏ, được tổ chức lần thứ 4 nhằm vinh danh những cá nhân, tổ chức có nhiều đóng góp cho cộng đồng, những người sống với HIV/AIDS tại Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN