Việt Nam tiến tới thanh toán đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030

Nhân ngày Thế giới phòng chống AIDS (1/12) và Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2018 (10/11-10/12), phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) về mục tiêu của Việt Nam trong phòng chống HIV/AIDS, tiến tới thanh toán đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.

Chú thích ảnh
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế). Ảnh: http://vaac.gov.vn

Tiếp tục xu hướng giảm

Công tác phòng chống HIV/AIDS trong năm 2018 có điểm gì nổi bật, thưa Cục trưởng?

Trong 9 tháng đầu năm 2018, cả nước phát hiện mới 7.497 trường hợp nhiễm HIV, trong đó có 2.514 bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS, 1.436 trường hợp đã tử vong. Số người nhiễm mới HIV tập trung chủ yếu ở độ tuổi 16 – 29 (38%) và 30 – 39 (36%). Đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (63%) và qua đường máu (23%). Tính đến hết tháng 9/2018, số người nhiễm HIV được báo cáo đang còn sống là 208.750 trường hợp, lũy tích người nhiễm HIV tử vong là 98.519 trường hợp.

 Ước tính trong năm 2018, có khoảng 5.500 người từ 15 tuổi trở lên nhiễm mới HIV và 268 trẻ em nhiễm. Số người lớn nhiễm mới giảm 64% so với năm 2010. Trong số nhiễm mới HIV, có 36% là phụ nữ lây từ chồng, bạn tình bị nhiễm HIV; 24% là người quan hệ tình dục đồng giới và người chuyển giới nữ; 23% là người nghiện chích ma túy; 10% là người mua dâm; 5% là nam giới lây từ vợ, bạn tình bị nhiễm HIV; 2% là phụ nữ bán dâm. 

Theo kết quả Giám sát trọng điểm, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy là 14%, nhóm MSM (đồng tính nam) là 12,2% và phụ nữ bán dâm là 3,7%. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích và túy thay đổi không đáng kể. Tuy nhiên tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nhóm MSM có xu hướng tăng nhanh từ 5,1% năm 2015, lên 7,4% năm 2016 và 12,2% năm 2017.

Như vậy, có thể thấy dịch HIV/AIDS tiếp tục có xu hướng giảm, tuy nhiên, diễn biến dịch vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm HIV cao trong cộng đồng. Sự gia tăng tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm MSM (đồng tính nam) nhất là trong nhóm trẻ tuổi sẽ là nhóm chính nhiễm mới HIV ở Việt Nam.

Lây truyền HIV từ người nhiễm HIV sang những người không thuộc nhóm nguy cơ cao (như vợ, bạn tình của người nghiện chích ma túy) sẽ gây khó khăn trong việc triển khai các biện pháp can thiệp giảm hại do khó xác định nhóm đích để cung cấp dịch vụ can thiệp, tư vấn xét nghiệm HIV sớm. Một số địa bàn vùng sâu, vùng xa cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng do người dân không đủ kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS; tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư cao nhưng chưa được xét nghiệm phát hiện địa bàn trọng điểm về dịch HIV/AIDS. 

Các tỉnh thành phố, khu vực đô thị, nơi có sự giao thương về kinh tế, văn hóa, nơi tập trung các trung tâm đào tạo cần quan tâm truyền thông, can thiệp giảm tác hại, xét nghiệm HIV trong nhóm MSM (đồng tính nam). Các khu vực trung du, miền núi nơi địa bàn có tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư trên 0,5% đối với tuyến xã, có nhiều người nhiễm HIV tử vong do AIDS, tỷ lệ điều trị thấp cần chú trọng công tác xét nghiệm, phát hiện sớm người nhiễm HIV.

Chuyển đổi thành công mô hình điều trị ARV

Vậy trong năm 2018, công tác phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được kết quả như thế nào, thưa ông?

Trong năm 2018, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Trong đó, hệ thống văn bản pháp quy, hướng dẫn chuyên môn về phòng, chống HIV/AIDS luôn được cập nhật, sửa đổi, phát triển mới phù hợp với tình hình thực tiễn. Năm 2018, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành 1 nghị định, 2 thông tư, 2 quyết định liên quan đến HIV/AIDS. Bộ Y tế ban hành 2 chỉ thị về chống kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV trong cơ sở y tế và 1 chỉ thị về tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS tại các tuyến.

Đặc biệt, Việt Nam đã chuyển đổi thành công mô hình điều trị ARV chủ yếu dựa vào viện trợ sang điều trị ARV do bảo hiểm chi trả. Đến nay đã có 89% người nhiễm HIV đang điều trị ARV có thẻ bảo hiểm y tế. Gói thầu cung ứng thuốc ARV từ nguồn bảo hiểm y tế cho 190 cơ sở điều trị HIV/AIDS đã được đấu thầu thành công. Các điều kiện để thực hiện điều trị ARV do quỹ bảo hiểm chi trả từ ngày 1/1/2019 được đảm bảo và chuyển giao dần đến năm 2020.

Các mô hình xét nghiệm HIV được đa dạng hóa. Trong đó, để đảm bảo thực hiện mục tiêu 90% người nhiễm HIV biết tình trạng HIV, trong 3 năm qua Bộ Y tế đã mở rộng các mô hình xét nghiệm HIV tại cộng đồng. Việc mở rộng thêm các loại hình các xét nghiệm tại cộng đồng, tăng cường xét nghiệm HIV trong các cơ sở y tế đã khiến số người nhiễm HIV được phát hiện sớm trong cộng đồng tăng; ngày càng có nhiều người sớm biết tình trạng HIV và tham gia điều trị sớm ARV, góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng. 

Việc mở rộng điều trị Methadone, triển khai mạnh các hoạt động phân phát bơm kim tiêm và bao cao su đã làm thay đổi nhận thức, giảm hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV ở các nhóm nguy cơ cao. Tính đến ngày 30/9/2018, chương trình Methadone đã được triển khai tại 316 cơ sở điều trị của 63 tỉnh/thành phố, điều trị cho 54.255 bệnh nhân. 

Các địa phương đang tích cực triển khai Chỉ thị số 10/CT-BYT của Bộ Y tế về Tăng cường giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS trong cơ sở y tế. Bên cạnh đó, hệ thống thông tin chiến lược phòng, chống HIV/AIDS được hoàn thiện; các cơ quan truyền thông đại chúng được huy động, tích cực  tham gia phòng, chống HIV/AIDS. Các tổ chức cộng đồng đã chủ động huy động nguồn lực, tham gia tích cực vào việc triển khai các hoạt can thiệp giảm hại, xét nghiệm HIV.

Chú thích ảnh
Công nhân lao động tìm hiểu về cách phòng chống tệ nạn xã hội, ma túy, HIV/ADIS tại Khu công nghiệp Quế Võ, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Diệp Trương/TTXVN

Dù đạt được kết quả đáng khích lệ nhưng công tác phòng chống HIV/AIDS có gặp phải thách thức nào không thưa ông?  

Dù dịch HIV/AIDS ở Việt Nam tiếp tục có xu hướng giảm, song vẫn chưa đảm bảo tính bền vững, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát nếu không tiếp tục có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả. Đáng chú ý là có sự đan xen giữa các hành vi của nhóm người nghiện chích ma túy và nhóm phụ nữ bán dâm, nhóm nam có quan hệ tình dục với nam, chuyển giới... trong khi mức độ bao phủ của các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn rất hạn chế.

Mặt khác, sự kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV vẫn còn lớn, do đó những người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV sợ bị kỳ thị, không muốn đi làm xét nghiệm HIV, người nhiễm không muốn bộc lộ bị nhiễm HIV để đến cơ sở y tế để được điều trị ARV sớm. 

Hơn nữa, kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS chủ yếu phụ thuộc vào viện trợ, do đó các địa phương không có dự án viện trợ quốc tế, hoạt động phòng, chống HIV/AIDS gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó là định mức chi cho một số hoạt động khó tạo động lực cho triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng. Nhân lực phòng, chống HIV/AIDS thường xuyên thay đổi trong khi các kỹ năng, phương pháp tiếp cận hiệu quả có tính đặc thù.

Tiếp tục theo đuổi mục tiêu 90-90-90

Việt Nam đang theo đuổi mục tiêu 90-90-90. Vậy hiện giờ Việt Nam đã, đang làm gì để đạt mục tiêu này?

Mục tiêu 90-90-90 nghĩa là 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của mình, 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng HIV (ARV), 90% số người đang được điều trị có tải lượng HIV ở mức thấp. 

Ở mục tiêu 90 thứ nhất: Theo ước tính cả nước đã có khoảng với 80% người nhiễm HIV đã biết tình trạng HIV. Với mục tiêu 90 thứ hai: Tại các cơ sở y tế công hiện đang cung cấp thuốc ARV điều trị cho 131.600 người nhiễm HIV, cộng với số bệnh nhân đang điều trị ARV do tự chi trả hoặc huy động từ các nguồn khác. Như vậy trong số những người đã biết tình trạng HIV có khoảng 70% người nhiễm HIV được điều trị ARV. Trong mục tiêu 90 thứ ba: Theo kết quả xét nghiệm tải lượng virut cho gần 40.000 người đang điều trị ARV thì có 94% có tải lượng virut dưới ngưỡng ức chế.

Để đạt được những mục tiêu trên, Việt Nam tập trung thực hiện các giải pháp: Đẩy mạnh công tác chỉ đạo, lãnh đạo của chính quyền địa phương đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS. Trước mắt, các địa phương cấp xã để xảy ra tình trạng gia tăng người nhiễm mới HIV hoặc người nhiễm HIV tử vong do AIDS sẽ báo cáo Chính phủ xem xét trách nhiệm của người đứng đầu có trách nhiệm từ cấp tỉnh xuống xã.

Bộ Y tế và Sở Y tế các tỉnh, thành khẩn trương triển khai các nội dung Chỉ thị số 1139/CT-BYT ngày 25/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế về tăng cường phòng, chống HIV/AIDS. Đó là: Đẩy mạnh các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV; tăng cường công tác giám sát dịch HIV chủ động và triển khai đa dạng các mô hình cung cấp dịch vụ xét nghiệm phát hiện HIV; mở rộng cơ sở cung cấp dịch vụ điều trị ARV và điều trị sớm ARV ngay khi người nhiễm HIV được phát hiện; tăng cường đầu tư ngân sách địa phương cho công tác phòng, chống, đảm bảo 100% người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế, quản lý tốt và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phòng, chống HIV; duy trì và nâng cao năng lực cán bộ phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh chuyển đổi tổ chức hệ thống y tế dự phòng.

Xét nghiệm HIV là đầu vào cho các mục tiêu 90-90-90. Xin ông cho biết, hiện nay Cục Phòng, chống HIV/AIDS có những biện pháp gì để làm tăng số người xét nghiệm HIV?

Cục đang tích cực truyền thông lợi ích xét nghiệm và điều trị sớm HIV, quảng bá các dịch vụ xét nghiệm HIV để người dân dễ dàng lựa chọn và tiếp cận.

Cùng với đó, việc đa dạng hóa các dịch vụ xét nghiệm sàng lọc HIV cũng được quan tâm với nhiều hình thức xét nghiệm HIV lưu động tại các khu vực trọng điểm về HIV. Đó là xét nghiệm HIV không chuyên - triển khai xét nghiệm do các tổ chức cộng đồng thực hiện, tập huấn và nâng cao năng lực cho tổ chức cộng đồng về kỹ năng tư vấn, thực hiện các kỹ thuật xét nghiệm đơn giản; tự xét nghiệm HIV - cung cấp sinh phẩm tự xét nghiệm HIV bằng nước bọt cho những người trong nhóm nguy cơ cao, hoặc vợ, bạn tình của người nhiễm HIV để họ tự làm xét nghiệm HIV, tiến tới cung cấp thêm dịch vụ tự xét nghiệm HIV qua các quầy thuốc hoặc các siêu thị khi có đủ điều kiện. Ngoài ra còn có xét nghiệm HIV cho bạn tình, bạn chích của người nhiễm HIV; xét nghiệm HIV theo mạng lưới của người nhiễm HIV; tiếp cận người nguy cơ cao qua mạng xã hội, thông qua đó để giới thiệu các dịch vụ xét nghiệm HIV hoặc cung cấp sinh phẩm tự xét nghiệm HIV cho họ tự làm xét nghiệm HIV; tiếp tục tăng cường dịch vụ xét nghiệm HIV trong các cơ sở y tế...

Cục cũng tích cực mở rộng mạng lưới phòng xét nghiệm được phép khẳng định HIV tuyến huyện, trong đó đầu tư trang thiết bị và nâng cao năng lực cán bộ phòng xét nghiệm tuyến huyện để đảm bảo đủ điều kiện thực hiện xét nghiệm khẳng định HIV dương tính. Việc mở rộng phòng xét nghiệm khẳng định tuyến huyện sẽ giúp rút ngắn thời gian trả kết quả xét nghiệm khẳng định, tránh mất dấu người nhiễm HIV sau xét nghiệm HIV dương tính, tăng tỷ lệ kết nối thành công người nhiễm HIV đến cơ sở điều trị ARV.

Xin cảm ơn Cục trưởng!

Mỹ Bình/TTXVN (thực hiện)
Thành lập BQL Dự án 'Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2018-2020'
Thành lập BQL Dự án 'Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2018-2020'

Ngày 1/10, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 5228/QĐ-UBND về việc thành lập Ban quản lý Dự án “Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2018-2020” của thành phố Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN