Tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh cuộc chiến phòng, chống lao

Đại dịch COVID-19 khiến tỷ lệ phát hiện bệnh lao giảm mạnh trong 2 năm qua. Nếu không được phát hiện, người mắc bệnh lao sẽ không được điều trị kịp thời; bệnh lao sẽ bùng phát trên diện rộng; mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 sẽ không thực hiện được.

Thông tin trên được Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương Nguyễn Viết Nhung, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia đưa ra tại sự kiện hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống Lao (24/3), do Bộ Y tế, Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình Chống lao Quốc gia tổ chức tại Hà Nội, ngày 24/3.

Chú thích ảnh
Bệnh viện Phổi Trung ương (Bộ Y tế) ở Hà Nội được đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại phục vụ chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân lao. Ảnh tư liệu: Dương Ngọc/TTXVN

Chủ đề của Ngày Thế giới Phòng chống Lao năm nay trên toàn cầu là "Invest to end TB. Save lives" (Tập trung nguồn lực, chấm dứt bệnh lao, cứu sống triệu người). Tại Việt Nam, chọn chủ đề "Giảm thiểu tác động của COVID-19 - Tập trung nguồn lực - Tăng cường phát hiện bệnh lao".

Trước những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến tiến trình thanh toán bệnh lao vào năm 2021, chủ đề trên nhấn mạnh năm 2022 là lúc để giảm thiểu tác động của dịch bệnh; thích ứng an toàn trong bối cảnh mới, đặc biệt là tập trung, huy động mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống lao, trong đó tăng cường, chủ động sàng lọc, phát hiện sớm bệnh lao là bước đi điển hình, đột phá trong bối cảnh hiện nay.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung, trong hơn 2 năm qua, COVID-19 đã ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng tới đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có công cuộc phòng, chống lao. Ước tính đại dịch đã đẩy lùi thành quả công cuộc chống lao lùi xuống 5 năm.

Tỷ lệ phát hiện ca bệnh lao giảm mạnh qua các năm, từ 3% năm 2020, lên đến 23% năm 2021, riêng lao kháng thuốc giảm 30% ca phát hiện. Nếu không được phát hiện, người mắc bệnh lao sẽ không được chữa trị kịp thời, trong khi căn bệnh này không thể tự khỏi. Người mắc lao trở thành nguồn lây trong cộng đồng với cấp số nhân. Bệnh lao sẽ bùng phát trở lại trên diện rộng, từ đó không thể chấm dứt được bệnh lao.

Trong suốt hơn 2 năm nay, cả thế giới cũng như Việt Nam đều tập trung lực lượng y tế vào công cuộc phòng, chống dịch COVID-19. Hầu hết các can thiệp chống lao được áp dụng cho COVID-19 do có những điểm tương đồng. Chính vì vậy, nhiều địa phương đã chuyển công năng Bệnh viện chuyên khoa lao và bệnh phổi sang điều trị COVID-19.

Điều này tác động hết sức nặng nề đến hoạt động chống lao trong cả nước, thậm chí làm gián đoạn, đứt gẫy mạng lưới chống lao các tuyế. Người bệnh lao không biết đến đâu để chẩn đoán, phát hiện, điều trị, làm gia tăng nguồn lây lao trong cộng đồng, tăng số người mắc và tử vong¸ Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung chia sẻ.

Để phát hiện được hết các ca bệnh lao cần có một cơ chế đầu tư, tập trung mọi nguồn lực nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống bệnh lao; Chương trình Chống lao Quốc gia cùng toàn bộ hệ thống mạng lưới cần cung cấp một dịch vụ thân thiện, dễ tiếp cận với tất cả mọi người; huy động cộng đồng chủ động khám, phát hiện lao, COVID 19, hậu COVID-19.

Nếu tất cả người dân cùng khởi động, mỗi một gia đình tự chăm lo cho sức  khỏe của mình, chúng ta có thể phát hiện được bệnh lao rất sớm để điều trị được sớm, cắt đứt nguồn lây. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung nhấn mạnh.

Lao vẫn là một căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao trên thế giới. Mỗi ngày có hơn 4.100 người chết vì bệnh lao và gần 28.000 người mắc bệnh. Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Việt Nam hiện có hơn 172.000 người mắc bệnh và 10.400 người chết vì bệnh lao (báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới - WHO 2020).

Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với chi phí chẩn đoán, điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình. Vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung. Đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững. Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của hơn 10.000 người một năm hiện nay và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao. 

Tại sự kiện hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao, Chương trình Chống lao Quốc gia phát động phong trào "Phụ nữ Việt Nam chiến thắng COVID- chấm dứt bệnh lao" nhằm đề cao vai trò của người phụ nữ trong phòng, chống lao tại gia đình; hướng tới thực hiện mục tiêu có ít nhất 20 triệu phụ nữ trong 20 triệu gia đình Việt Nam có kiến thức và thực hành bảo vệ chính gia đình họ không mắc lao.

Chú thích ảnh
Thiết bị phát hiện và chẩn đoán nhanh bệnh lao do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) trao tặng Việt Nam. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Nhân dịp này, Đại sứ thiện chí phòng, chống lao - Á hậu Thụy Vân kêu gọi người dân tham gia nhắn tin ủng hộ Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao (PASTB) với cú pháp: TB gửi 1402 (20.000/tin nhắn)

Ngày Thế giới Phòng chống Lao diễn ra vào ngày 24/3 hàng năm nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về những ảnh hưởng nghiêm trọng của bệnh lao tới sức khỏe con người, kinh tế và xã hội; đồng thời thúc đẩy nỗ lực chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu.

Minh Huệ (TTXVN)
Ngày Thế giới phòng chống bệnh lao 24/3: Đừng ngại COVID-19 mà không đi sàng lọc lao!
Ngày Thế giới phòng chống bệnh lao 24/3: Đừng ngại COVID-19 mà không đi sàng lọc lao!

Ngày 24/3 hằng năm là Ngày Thế giới phòng chống bệnh lao nhằm nâng cao nhận thức về dịch bệnh lao toàn cầu và nỗ lực loại trừ bệnh lao. Việt Nam hiện vẫn là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao cao trên thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN