Đoàn y bác sỹ khám sàng lọc bệnh lao và lao tiềm ẩn tại cộng đồng gồm có Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Lâm Đồng có các y bác sỹ và kỹ thuật viên xét nghiệm lao. Trung tâm Y tế mỗi huyện có các y bác sỹ, chuyên trách chương trình lao, kỹ thuật viên xét nghiệm. Mỗi Trạm Y tế xã, thị trấn cử một nhóm y bác sỹ tham gia phục vụ khám sàng lọc; các cộng tác viên y tế thôn bản trực tiếp tham gia xây dựng danh sách người nghi mắc bệnh lao, phục vụ công tác khám sàng lọc bệnh lao và truyền thông trực tiếp tại các thôn, bản, cụm dân cư.
Đối tượng khám sàng lọc bệnh lao và lao tiềm ẩn gồm: Người ho khạc kéo dài trên 2 tuần, người tiếp xúc gần với nguồn lây bệnh lao, người bệnh lao cũ, người có triệu chứng nghi lao và người có nguy cơ mắc lao cao như người nhiễm HIV, người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân lao kháng thuốc, bệnh nhân tiểu đường, người có dấu hiệu ho khạc đàm kéo dài…
Đoàn tổ chức 39 địa điểm khám và chụp Xquang tại 4 huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Cát Tiên, dự kiến phỏng vấn sàng lọc bệnh lao và lao tiềm ẩn cho 4.000 người và thực hiện xét nghiệm GeneXpert chẩn đoán bệnh lao cho 800 người dân tại 4 huyện nêu trên.
Trước đó, từ tháng 10/2021, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Sức khỏe, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Kon Tum đã phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện Đắk Tô, Đắk Hà, Kon Rẫy, thành phố Kon Tum, Ngọc Hồi, Đăk Glei và Sa Thầy thực hiện chiến dịch sàng lọc phát hiện chủ động bệnh lao cho người có nguy cơ cao tại cộng đồng. Đối tượng khám sàng lọc bệnh lao gồm những người ho khạc kéo dài trên 2 tuần, người tiếp xúc gần với nguồn lây bệnh lao, người bệnh lao cũ, người có nguy cơ mắc lao cao khác. Có khoảng 7.000 người dân được sàng lọc bệnh lao trong đợt này.
Tại huyện Đăk Nông, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Sức khỏe, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Nông phối hợp với Trung tâm Y tế Thành phố Kon Tum và huyện Đắk Mil cũng tổ chức 13 điểm khám sàng lọc phát hiện chủ động bệnh lao cho người dân có nguy cơ cao tại cộng đồng. Đối tượng khám sàng lọc bệnh lao gồm người tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây, người ho kéo dài trên 2 tuần, người có bệnh nền như đái tháo đường, người suy thận, ghép tạng...
Theo Bộ Y tế, để chấm dứt bệnh lao, vấn đề quan trọng và cốt lõi hiện nay là phải phát hiện sớm bệnh. Nếu được phát hiện sớm bệnh, được điều trị kịp thời thì sẽ có trên 90% người mắc bệnh lao thường sẽ khỏi bệnh, trên 75% người mắc lao kháng thuốc sẽ khỏi bệnh. Việc phòng chống bệnh lao cần phải được phát hiện sớm, điều trị sớm, thậm chí cách ly tương tự như COVID-19, để chấm dứt hoàn toàn bệnh lao ở nước ta.