Sở Y tế TP Hồ Chí Minh điều chỉnh và hướng dẫn sử dụng thuốc tại nhà cho người F0

Ngày 25/8, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã có hướng dẫn mới về gói chăm sóc y tế tại nhà cho người F0, trong đó đã có những điều chỉnh về sử dụng thuốc.

Theo hướng dẫn của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, các loại thuốc điều trị tại nhà cho F0 bao gồm: thuốc hạ sốt, thuốc nâng cao thể trạng, thuốc kháng virus, thuốc kháng viêm và kháng đông dạng uống trong một số tình huống có chỉ định.

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh hướng dẫn cụ thể toa thuốc điều trị cho F0 tại nhà.

Theo đó, kháng virus dạng uống (Molnupiravir) được chỉ định trong trường hợp F0 có triệu chứng nhẹ. Thuốc này được Bộ Y tế cung cấp trong chương trình can thiệp cộng đồng có kiểm soát. 

Thuốc kháng viêm corticoid và kháng đông dạng uống được chỉ định khi người bệnh có triệu chứng sớm của suy hô hấp nhưng chưa thể liên hệ được với nhân viên y tế để được hướng dẫn, hỗ trợ. Thời gian người F0 uống không quá 3 ngày và trong thời gian này, người bệnh phải tiếp tục liên hệ với bác sĩ để được hỗ trợ. Tùy theo tình trạng sức khỏe của người bệnh, bác sỹ sẽ quyết định tiếp tục cho người bệnh dùng thuốc cho đủ 7 ngày. 

Toa thuốc điều trị tại nhà cho F0 được chia ra làm 3 gói cơ bản ở các mức độ A, B, C. Cụ thể, gói thuốc A là những loại thuốc thông dụng bao gồm thuốc hạ sốt và thuốc nâng cao thể trạng. Gói thuốc này được sử dụng trong vòng 7 ngày.

Gói thuốc B là những thuốc sử dụng hạn chế trong một số tình huống đặc biệt, bao gồm thuốc kháng viêm và thuốc kháng đông. Gói thuốc này được sử dụng trong vòng 3 ngày.

Gói thuốc C gồm những loại thuốc kháng virus được kiểm soát, đặc biệt được chỉ định đối với F0 có triệu chứng nhẹ. Gói thuốc này được dùng trong 5 ngày.

Ngoài điều chỉnh hướng dẫn sử dụng thuốc tại nhà cho người F0, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh còn bổ sung thêm hoạt động của trạm y tế lưu động và điều kiện cách ly tại nhà đối với F0.

Người F0 được cách ly, chăm sóc tại nhà khi có các dấu hiệu như thở hụt hơi, thở nhanh hơn 30 lần/phút, li bì, lừ đừ tím tái, SpO2 dưới 95% thì phải gọi ngay đến tổng đài 115 hoặc đến số điện thoại của Trạm y tế lưu động, tổ phản ứng nhanh của các xã/phường để được cấp cứu kịp thời.

Theo thống kê của ngành y tế, hiện TP Hồ Chí Minh đang có khoảng  là 45.206 F0 được cách ly, theo dõi tại nhà; trong đó có 23.197 trường hợp F0 cách ly tại nhà ngay từ đầu và 22.009 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà. 

Tin, ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức
 Biện pháp bảo vệ những người sống cùng khi F0 điều trị tại nhà
Biện pháp bảo vệ những người sống cùng khi F0 điều trị tại nhà

Để bảo vệ người thân, F0 điều trị tại nhà cần giữ khoảng cách với người khác, ở trong phòng riêng (nếu có thể), thông thoáng khí. Nếu không có phòng riêng, F0 hãy giữ khoảng cách tối thiểu 2m với những người khác sống trong nhà.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN