Đồng thời, UBND Thành phố kêu gọi sự hỗ trợ từ người dân, cộng đồng cùng chung tay với thành phố trong giai đoạn khó khăn này.
Nhiều giải pháp hỗ trợ y tế
Thống kê từ Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, đến sáng 13/8, Thành phố đang điều trị cho 32.917 bệnh nhân, bao gồm bệnh nhân có kết quả xét nghiệm nhanh và xét nghiệm RT-PCR dương tính, trong đó có hơn 2.100 bệnh nhân nặng đang thở máy và 16 bệnh nhân can thiệp ECMO. Đến nay, đã có hơn 65.000 người bệnh được xuất viện. Trong khi đó, đến sáng 13/8 số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà trên địa bàn Thành phố là 35.029 người, trong đó có 11.994 trường hợp F0 mới và 23.035 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà.
Trong công tác điều trị, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, với sự hỗ trợ của Bộ Y tế, Thành phố đã thành lập thêm ba trung tâm hồi sức tích cực tổng quy mô 1.500 giường, trực thuộc sự quản lý của ba bệnh viện tuyến cuối hạng đặc biệt gồm Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Trung ương Huế. Trước đó, từ cuối tháng 6/2021, Thành phố đã chủ động thành lập các bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19. Đến nay, toàn Thành phố đã có 15 bệnh viện dã chiến; 42 bệnh viện, cơ sở điều trị đưa vào hoạt động với quy mô gần 45.000 giường.
Bên cạnh việc thành lập thêm các trung tâm hồi sức tích cực, Thành phố Hồ Chí Minh đã không ngừng nâng cao năng lực của Trung tâm Cấp cứu 115, thành lập 5 cơ sở cấp cứu vệ tinh của Trung tâm Cấp cứu 115; kiện toàn Tổ phản ứng nhanh cấp cứu, bố trí hệ thống xe taxi chuyển đổi công năng phục vụ cấp cứu tại từng phường, xã, thị trấn và hướng dẫn quy trình tiếp nhận, trang thiết bị theo xe, sơ cứu ban đầu; rà soát, bổ sung đầy đủ trang thiết bị cho các cơ sở điều trị…
Cụ thể, thời gian qua, nhằm tiếp cận nhanh nhất thông tin cấp cứu từ người dân để giải quyết kịp thời việc đưa người F0 không triệu chứng khi có triệu chứng được chuyển sang khu điều trị phù hợp, Thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển cơ sở cũ của Trung tâm cấp cứu 115 về Công viên phần mềm Quang Trung, mở rộng đường truyền tiếp nhận thông tin từ 6-8 lên đến 40-55 đường truyền.
Thành phố tiếp nhận 40 xe cấp cứu từ nguồn tài trợ, phân bổ tại 4 khu vực cửa ngõ; bổ sung thêm lượng xe cấp cứu bằng taxi từ sự hỗ trợ của các tập đoàn taxi. Các xe taxi này đều được trang bị đầy đủ thiết bị cấp cứu cần thiết như máy thở, bình oxy, test nhanh… Khi tổng đài tiếp nhận cuộc gọi cấp cứu từ người dân sẽ kịp thời chuyển tới khu điều trị phù hợp, đi cùng có nhân viên y tế để hỗ trợ.
Nhiều mô hình thiết thực hỗ trợ y tế cho người dân như đội phản ứng nhanh, ATM oxy, taxi chuyển bệnh cấp cứu, Tổ y tế lưu động, tiêm vaccine tại nhà, tư vấn COVID-19 trực tuyến... cũng được Thành phố triển khai trên khắp 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức.
Đơn cử tại Quận 10, đã có 14/14 phường của quận thành lập đội phản ứng nhanh ứng cứu cho các trường hợp người mắc COVID-19 điều trị tại nhà khi có dấu hiệu chuyển nặng. Bác sĩ Lê Trung Hiếu, Trạm trưởng Trạm Y tế Phường 12, Quận 10 cho biết: hơn 2 tháng qua, các thành viên tổ phản ứng nhanh luôn túc trực 24/24 tại trạm y tế để kịp thời cấp cứu F0 trở nặng tại nhà. Đến nay, tổ tiếp nhận cấp cứu 50 trường hợp F0 trở nặng. Trong đó, có 11 trường hợp được điều trị khỏi COVID-19 ngay tại nhà.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay Thành phố có số lượng ca tăng cao, việc tầm soát diện rộng trong cộng đồng chuyển sang tầm soát trọng tâm, trọng điểm và tập trung lực lượng cấp cứu, điều trị để hạn chế các F0 diễn tiến nặng, tử vong. Cùng với đó, để giảm tải áp lực cho hệ thống y tế, các F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ được hướng dẫn điều trị tại nhà. Sở Y tế cũng đã có văn bản cập nhật hướng dẫn mới nhất để các lực lượng, địa phương triển khai cho người dân.
Cụ thể, Sở Y tế đã có văn bản cập nhật hướng dẫn chăm sóc người mắc COVID-19 cách ly tại nhà, góp phần giảm tỷ lệ người mắc COVID-19 diễn tiến nặng tại nhà. Ngành y tế yêu cầu các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn thành phố Thủ Đức, quận huyện, các Tổ phản ứng nhanh địa phương dự trù và cung ứng các thuốc điều trị thiết yếu như thuốc hạ sốt, thuốc nâng cao thể trạng, thuốc kháng viêm corticoid dạng uống để cung cấp cho người bệnh khi có chỉ định.
Xem xét lại phân tầng điều trị phù hợp
Từ mô hình điều trị 3 tầng của Bộ Y tế, Thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng và linh hoạt biến đổi thành 5 tầng điều trị, gồm tầng 1 là các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện; tầng 2 là các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19. Tầng này có nhiệm vụ điều trị các trường hợp mắc COVID-19 có triệu chứng và điều trị các bệnh lý nền kèm theo. Tầng 3 là các bệnh viện điều trị COVID-19 cho các trường hợp có triệu chứng trung bình và nặng, có hoặc không kèm nhiều bệnh lý nền. Tầng 4 là các bệnh viện điều trị COVID-19 có bệnh lý đi kèm nặng cần can thiệp điều trị chuyên khoa. Tầng này có nhiệm vụ điều trị điều trị các trường hợp mắc COVID-19 nặng có bệnh lý nền hoặc bệnh lý đi kèm; hồi sức cấp cứu (thở máy, lọc máu liên tục) cho các trường hợp nặng. Tầng 4 này sẽ thu dung khoảng 8% trong tổng số trường hợp F0.
Còn ở tầng 5 là bệnh viện hồi sức COVID-19 và các trung tâm hồi sức tích cực. Ở tầng cao nhất này là những bệnh viện được trang bị đầy đủ các phương tiện hồi sức hiện đại, có nhiệm vụ hồi sức chuyên sâu cho các trường hợp COVID-19 nguy kịch; đảm bảo đầy đủ cơ số thuốc cho điều trị người bệnh COVID-19 có triệu chứng nặng và nguy kịch theo phác đồ của Bộ Y tế.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Phúc, giảng viên Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, hiện công tác tại Bệnh viện Nhi đồng 1 cho rằng mục tiêu cuối cùng của các mô hình điều trị là giảm tỷ lệ tử vong thấp nhất, tăng khả năng tiếp cận y tế và được hỗ trợ của người dân nhanh, cao nhất. “Thực tế cho thấy tỷ lệ tử vong đang tăng dần và người dân còn than phiền rằng họ rất khó khăn để được đến điều trị tại các cơ sở y tế” - Phó Giáo sư Vũ Minh Phúc nhận xét.
Theo Phó Giáo sư Vũ Minh Phúc, trong bối cảnh hiện nay, Thành phố cần thay đổi một số điều trong chiến lược điều trị bệnh nhân COVID-19, trong đó mô hình điều trị nên theo 4 tầng và hoàn toàn dựa trên hệ thống tổ chức y tế sẵn có của Thành phố từ trước dịch. Cụ thể, tầng 1 là tất cả các trạm y tế phường, phòng khám tư nhân, phòng khám đa khoa công lập và tư nhân nên được khuyến khích hoạt động lại và được tập huấn chăm sóc bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng và có triệu chứng nhẹ. Tầng 2 là tất cả các bệnh viện quận, huyện (công lập và tư nhân) đều phải tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 đến khám, cho nhập viện những bệnh nhân cần hỗ trợ hô hấp tối thiểu (thở oxy qua canulla, qua máy thở không xâm lấn) hoặc cần hỗ trợ điều trị bệnh nền. Khi đó các bệnh viện dã chiến mới thành lập sẽ thuộc tầng 2 và chia đều cho các quận, huyện để thu dung bệnh nhân vào nếu bệnh viện quận, huyện quá tải. Các bệnh viện này sẽ chịu sự quản lý của các bệnh viện quận, huyện.
Ở tầng 3 là các bệnh viện thành phố (công lập và tư nhân) đều phải tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 đến khám hoặc được chuyển từ tầng 2 lên, đó là những bệnh nhân cần hỗ trợ hô hấp ở mức cao hơn (thở máy xâm lấn) và điều trị bệnh nền không ổn định. Tầng 4 là các bệnh viện chuyên sâu hồi sức hô hấp, tuần hoàn tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 rất nặng cần hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn cao nhất (thở máy xâm lấn, ECMO, lọc máu).
Để thực hiện được điều này các cơ sở y tế thuộc tầng 1,2,3,4 chỉ cần thiết lập 2 vùng: vùng xanh (dành cho bệnh nhân không phải COVID-19) và vùng đỏ (dành cho bệnh nhân COVID-19). Riêng khu vực phòng khám ngoại trú có thêm vùng vàng dành cho nhóm bệnh nhân nghi ngờ, chờ kết quả xét nghiệm. Kiểu hoạt động này cả châu Âu hiện nay đang thực hiện. Sở Y tế sẽ phân công các bệnh viện thành phố thuộc tầng 3 phụ trách nhận bệnh nhân thuộc quận nào để liên thông giữa tầng 2 và 3.
Phó Giáo sư Vũ Minh Phúc nhìn nhận, nếu thực hiện đúng mô hình này thì người bệnh COVID-19 có thể tiếp cận sớm và nhanh với hệ thống y tế gần nhất để được hướng dẫn, chăm sóc, theo dõi, cả công lập và tư nhân. Bệnh nhân nhẹ sẽ cho về theo dõi tại nhà, bệnh nhân nặng hơn sẽ được cho nhập viện điều trị, khi cần chính bệnh viện sẽ hội chẩn chuyển tuyến trên hoặc xin ý kiến điều trị tiếp như trước đây đã làm đối với các bệnh lý khác. Bệnh nhân sẽ không bị từ chối khi đến bất kỳ cơ sở y tế nào và không tập trung gây quá tải ở một vài chỗ.
Liên quan vấn đề này, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy lại cho rằng, dù là 3 tầng hay 5 tầng trong điều trị COVID-19 thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là quản lý bệnh nhân. Theo bác sĩ Hùng, để đạt được hiệu quả cao nhất, mỗi 1 tầng cần có trang thiết bị và một số lượng nhân viên y tế chuyên ngành điều trị cho phù hợp nhất để mục đích giảm áp lực cho nhân viên y tế, điều trị có hiệu quả nhất, không dàn trải quá mức trang thiết bị lẫn nhân lực.
Bên cạnh việc tiếp tục giảm các ca F0, nhiệm vụ quan trọng nhất được lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh xác định là tập trung nâng cao năng lực điều trị và giảm tử vong. Cùng với đó, những mô hình nhằm tiếp cận hỗ trợ nhanh nhất cho những trường hợp F0 theo dõi, điều trị tại nhà luôn được chú trọng. Đây là một trong những giải pháp giảm áp lực cho các bệnh viện, đồng thời để những người mắc COVID-19 yên tâm khi theo dõi, điều trị tại nhà.
Bài cuối: Cần những chuyển hướng căn cơ