Đây là đề xuất được Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố, Công ty Cổ phần FPT, Tập đoàn VNPT và Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành đưa ra, trong đó ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ các trường hợp F0 cách ly tại nhà qua các kênh hỗ trợ (Tổ phản ứng nhanh phường xã, thị trấn; Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành; Mô hình các thầy thuốc tình nguyện của Đại học Y dược Thành phố…) một cách nhanh chóng và kịp thời.
Các nhóm giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin gồm: sử dụng “Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19” và “Hệ thống khai báo y tế điện tử” của Thành phố để theo dõi, cập nhật dữ liệu các trường hợp F0 cách ly tại nhà; phần mềm để tiếp nhận, xử lý, tư vấn, hỗ trợ các yêu cầu chăm sóc y tế các trường hợp F0 cách ly tại nhà; giải pháp trợ lý ảo (chatbot, callbot) kết hợp với Tổng đài 1022 đáp ứng nhu cầu tư vấn cho người dân.
Cùng với đó, các đơn vị đề xuất thành lập Tổ phản ứng nhanh tại mỗi phường xã, thị trấn gồm: nhân viên y tế thuộc Trạm y tế của phường xã, thị trấn; các nhân viên y tế là tình nguyện viên, Hội Chữ thập đỏ, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Công an… Trang bị các dụng cụ y tế cho Tổ phản ứng nhanh gồm máy đo huyết áp, dụng cụ đo nhiệt độ, thiết bị đo SpO2, bình thở oxy hoặc máy tạo oxy và các loại thuốc theo hướng dẫn của Sở Y tế để hỗ trợ kịp thời cho các trường hợp F0 cách ly tại nhà khi có dấu hiệu chuyển nặng. Đề xuất cung cấp thiết bị y tế giúp theo dõi sức khỏe (nhiệt kế, thiết bị đo độ bão hòa oxy trong máu SpO2), thuốc thiết yếu và thuốc điều trị tại nhà cho các trường hợp nêu trên với sự tham gia của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh trong vận động các đơn vị hỗ trợ gói y tế.
Trước đó, ngày 10/8, Sở Y tế đã cập nhật hướng dẫn chăm sóc người mắc COVID-19 cách ly tại nhà nhằm tăng cường công tác hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe kịp thời cho trường hợp F0 cách ly tại nhà, người tự làm test nhanh tại nhà có kết quả dương tính SARS-CoV-2 và những trường hợp chưa được xác định là F0 nhưng có các dấu hiệu nghi ngờ qua khai báo y tế.
Tính đến ngày 12/8, số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh là 30.988 người, trong đó có 9.963 trường hợp F0 mới và 21.025 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà.
Trong ngày 12/8, UBND Thành phố cũng đã có văn bản chính thức triển khai Tổng đài Trung tâm cấp cứu 115 dã chiến đặt tại Công viên phần mềm Quang Trung (Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh) nhằm hỗ trợ công tác điều phối hoạt động cấp cứu ngoài bệnh viện và phòng, chống dịch COVID-19. Tổng đài Trung tâm cấp cứu 115 hiện hữu tại Quận 10 được chuyển thành tổng đài dự phòng cho Tổng đài dã chiến.
Tổng đài dã chiến có 40 tổng đài viên/ca và có thể mở rộng quy mô khi cần thiết. Thành phố cũng lập 4 trạm điều phối xe cấp cứu vệ tinh tại các khu vực cửa ngõ. UBND Thành phố giao các đơn vị khẩn trương thiết lập hệ thống tổng đài khẩn cấp liên thông 113 - 114 - 115 để phục vụ hoạt động cho Tổng đài Trung tâm cấp cứu 115 dã chiến.
Thực tế, Tổng đài Trung tâm cấp cứu 115 dã chiến đã được khai thác, vận hành từ ngày 28/7 nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thành phố. Hiện Tổng đài có 250 người làm việc theo ca, thực hiện phương châm "3 tại chỗ”.