Số ca sốt xuất huyết Hà Nội đã giảm mạnh, nhưng không nên chủ quan

Thời tiết lạnh sâu nên những tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội giảm mạnh; tuy nhiên, người dân vẫn cần cảnh giác khi có các triệu chứng của sốt xuất huyết.

Chú thích ảnh
Điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN.

Số ca mắc mới giảm sâu

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, trong tuần trước (từ ngày 30/12/2022 đến ngày 6/1/2023), trên địa bàn Thành phố ghi nhận 92 ca mắc sốt xuất huyết, giảm tới 74,8% so với tuần trước đó. Các ca mắc được ghi nhận tại 14/30 quận, huyện, thị xã. Trong tuần qua, Hà Nội cũng không ghi nhận thêm ổ dịch sốt xuất huyết mới.

Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 cho đến nay, Hà Nội đã có 19.670 ca mắc sốt xuất huyết (số ca mắc tăng gấp 5,8 lần so với cùng kỳ năm 2021). Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 567/579 xã, phường, thị trấn.

Theo đó, tuýp virus Dengue lưu hành tại Hà Nội đã xác định được là các tuýp: DENV1 và DENV2, DENV4.

Như vậy, những tuần gần đây, dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội đã giảm mạnh. Nếu giai đoạn cao điểm tháng 11 và đầu tháng 12/2022, trung bình mỗi tuần Hà Nội ghi nhận từ 1.300- 1.400 ca sốt xuất huyết/tuần thì hiện đã ghi nhận dưới 100 ca/tuần.

Theo dự báo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong thời gian tới vẫn sẽ còn tiếp tục ghi nhận bệnh nhân sốt xuất huyết tại các quận, huyện, thị xã. Do đó, người dân không được chủ quan mà cần tiếp tục nâng cao ý thức của bản thân đối với cộng đồng; vẫn phải chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

Để hạn chế số ca mắc mới, Hà Nội cũng kêu gọi người dân phối hợp diệt muỗi, diệt bọ gậy, loăng quăng, loại bỏ các dụng cụ chứa nước đọng, tích cực vệ sinh môi trường, không cho muỗi truyền bệnh sinh sôi, phát triển.

Trong thời gian tới, Hà Nội cũng tiếp tục duy trì các hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết theo phân cấp tại từng tuyến. Trong đó, thực hiện việc giám sát ca bệnh tại các cơ sở y tế hàng ngày; lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển mẫu xét nghiệm đạt yêu cầu về kỹ thuật, đáp ứng chẩn đoán sớm ca bệnh, ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát.

Về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trong thời gian tới, CDC Hà Nội cho rằng, thành phố cần tiếp tục chủ động giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao, từ đó triển khai các hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời.

Bên cạnh đó, tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy tại các khu vực ổ dịch một cách triệt để, bảo đảm các chỉ số côn trùng dưới ngưỡng (BI<20) mới được coi là đạt và được phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành, bảo đảm tỷ lệ phun đạt yêu cầu theo quy định của Bộ Y tế. Mặt khác, duy trì công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định phòng, chống dịch, đặc biệt xử lý nghiêm tình trạng chủ quan, lơ là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

Tại Kế hoạch phòng, chống dịch ngành Y tế năm 2023 của Sở Y tế Hà Nội mới ban hành, Sở Y tế Hà Nội đánh giá, bên cạnh dịch COVID-19, dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội hiện đã được kiểm soát. Để kiểm soát các dịch bệnh, trong đó có sốt xuất huyết, Hà Nội cần tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực của hệ thống giám sát dịch bệnh trong thời gian tới; tăng cường năng lực xét nghiệm chẩn đoán tác nhân gây bệnh tại các tuyến; trang bị phương tiện phục vụ hoạt động giám sát dịch từ thành phố đến cơ sở với mục tiêu phát hiện sớm, điều tra, khoanh vùng và xử lý kịp thời dịch bệnh, không để dịch lan rộng.

Đặc biệt, mạng lưới y tế cơ sở, y tế tư nhân, y tế cơ quan, trường học, mạng lưới cộng tác viên y tế - dân số cũng có vai trò quan trọng trong việc phát hiện, thông tin, báo cáo kịp thời ca bệnh, để tổ chức xử lý dịch triệt để và huy động hiệu quả sự tham gia của cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, nhằm phát hiện sớm, áp dụng kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp ngay từ ban đầu, hạn chế tối đa dịch phát tán ra cộng đồng.

Người dân chưa thể lơ là

Theo các chuyên gia, người dân cần tiếp tục nâng cao ý thức của bản thân đối với cộng đồng; chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Để hạn chế số ca mắc mới, người dân phối hợp diệt muỗi, diệt bọ gậy, loăng quăng, loại bỏ các dụng cụ chứa nước đọng, tích cực vệ sinh môi trường, không cho muỗi truyền bệnh sinh sôi, phát triển.

Đặc biệt, các bác sĩ cũng khuyến cáo, sốt xuất huyết có biểu hiện giống như sốt do các virus khác, có thể khiến nhiều người chủ quan, không đi khám hoặc tự điều trị tại nhà; thậm chí, có trường hợp tự ý truyền dịch và dùng kháng sinh, điều này có thể nguy hiểm đến tính mạng... Vừa qua tại các cơ sở y tế đã ghi nhận nhiều ca sốt xuất huyết nguy kịch vì đến bệnh viện muộn khi đã biến chứng rất nặng.

Theo BS. Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, thông thường, sốt xuất huyết có thể tự khỏi trong vòng 7 ngày. Tuy nhiên, có khoảng 5% bệnh nhân có biểu hiện nặng như: Chảy máu, thoát huyết tương gây sốc nặng… nếu không chữa trị kịp thời sẽ có nguy cơ tử vong. Do đó, người bệnh khi thấy các triệu chứng sốt cao đột ngột liên tục 39-40 độ C, kéo dài 2-7 ngày, đau đầu, đau người kèm các dấu hiệu như: Phát ban, nổi hạch, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng... thì nên đến bệnh viện khám để xác định sớm và điều trị kịp thời.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cũng khuyến cáo: Với bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, trong những ngày đầu vẫn có thể chăm sóc tại nhà, người dân có thể cặp nhiệt độ hoặc theo dõi các dấu hiệu toàn thân khác. Nếu đau mỏi người, sốt cao cần được hạ sốt, giảm đau nhưng nên tránh dùng nhóm thuốc như: Aspirin, ibuprofen vì thuốc có thể gây chảy máu; không dùng kháng sinh, không tự ý truyền dịch như: đạm, albumin, truyền máu hay dung dịch cao phân tử, cần sự theo dõi chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa. Bệnh nhân có thể uống nhiều nước, như: Nước hoa quả hoặc oresol, bù nước đầy đủ, ăn uống nghỉ ngơi. Sau ngày thứ 5 có thể sẽ hết sốt.

Tuy nhiên người bệnh cần theo dõi, nếu có biểu hiện thoát dịch hoặc cô đặc máu sẽ dẫn đến hiện tượng như: Tụt huyết áp, đau bụng vùng gan, mệt mỏi, tay chân lạnh, nôn, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, đi ngoài ra máu, phụ nữ có thể rong kinh, rong huyết… đây là những dấu hiệu cảnh báo cần phải nhập viện ngay để điều trị kịp thời.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Cả nước ghi nhận trên 354.200 ca mắc, 133 ca tử vong do sốt xuất huyết
Cả nước ghi nhận trên 354.200 ca mắc, 133 ca tử vong do sốt xuất huyết

Từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 354.280 trường hợp mắc, 133 ca tử vong do sốt xuất huyết. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc tăng 5 lần, tử vong tăng 107 trường hợp. Thời gian qua, số ca mắc sốt xuất huyết có giảm, tuy nhiên các chuyên gia vẫn cảnh báo người dân không được không chủ quan, lơ là với sốt xuất huyết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN