Siết chặt phòng dịch, tăng cường xét nghiệm để giữ vững bệnh viện trong dịch bệnh

Theo các chuyên gia, để giữ vững bệnh viện- thành trì cuối cùng khi sống chung với dịch bệnh, cần tăng cường khâu sàng lọc, xét nghiệm; người dân tuyệt đối không chủ quan, đảm bảo tuân thủ 5K mọi lúc, mọi nơi.

Chú thích ảnh
Bệnh viện Việt Đức phong toả vì ghi nhận chùm ca nhiễm SARS-CoV-2. Ảnh: TTXVN

Tiềm ẩn nguy cơ tại các bệnh viện

Sau 5 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới SARS-CoV-2 trong cộng đồng, từ ngày 30/9, Hà Nội lại ghi nhận liên tiếp các ca F0 trong cộng đồng, nhiều ca phát hiện do đi xét nghiệm sàng lọc. Hiện chùm ca bệnh liên quan đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đang khá phức tạp; tính đến chiều 2/10, riêng Hà Nội đã ghi nhận 23 ca mắc; cùng với nhiều ca liên quan tại một số tỉnh, thành phố khác.

Nhận định về tình hình dịch bệnh của Hà Nội khi phát sinh ổ dịch tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sau nhiều ngày Hà Nội không có ca mắc trong cộng đồng, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đánh giá: “Trong điều kiện hiện nay, việc phát hiện ra các ca cộng đồng là bình thường. Chúng ta không còn theo đuổi mục tiêu “sạch bóng” virus trong cộng đồng nên sẽ phải chấp nhận xuất hiện các ca lây nhiễm. Trước tình hình đó, các bệnh viện cũng đứng trước nguy cơ dễ xuất hiện các ca nhiễm SARS-CoV-2 từ cộng đồng”.

Về chùm ca bệnh tại Bệnh viện Việt Đức, theo chuyên gia, có thể sẽ có thêm nhiều người dương tính trong bệnh viện, kể cả nhân viên y tế nếu không đảm bảo phòng chống dịch, vẫn có thể lây nhiễm. Điều cần quan tâm hiện nay là những người được xác định dương tính với SARS-CoV-2 có triệu chứng gì không hay chỉ có kết quả xét nghiệm ra dương tính.

“Cần phải xác định rõ, trong số các ca nhiễm có bao nhiêu phần trăm là bệnh nhân COVID-19 thực sự có triệu chứng bệnh, bị nặng; bao nhiêu người chỉ có kết quả dương tính mà sức khoẻ vẫn bình thường, không có biểu hiện bệnh. Hiện nay, tại Hà Nội, nhiều người đã được tiêm vaccine phòng COVID-19, vì vậy, nếu người dân chỉ dương tính mà không có biểu hiện bệnh nặng thì không có gì đáng lo ngại. Bởi vì hiện nay chúng ta đã xác định sống chung với dịch, có thể vẫn xảy ra lây nhiễm trong cộng đồng nhưng không bị nặng. Chúng ta chỉ cần quan tâm đến những người có triệu chứng nặng, phải nhập viện, những người có nguy cơ tử vong; đồng thời giám sát các ca không triệu chứng để tránh lây lan”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho biết. 

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cũng cho rằng: “Việc xuất hiện các ca mắc trong cộng đồng tại Hà Nội như vừa qua vẫn nằm trong dự báo từ trước; vì chúng ta đã xác định không thể trở về trạng thái “zero COVID-19” được. Đặc biệt, các trường hợp mới được phát hiện đều là những người có lịch sử đi lại nhiều, là những nhóm đối tượng có nguy cơ cao như: Trong bệnh viện, nhân viên giao nhận hàng, chăm sóc khách hàng… Hiện ngoài cộng đồng vẫn có thể tiềm ẩn nhiều ca nhiễm; đặc biệt, khối bệnh viện cũng là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi vẫn còn tình trạng người dân đi lại, chăm sóc người bệnh”.

Theo đó, bệnh viện là nơi có các yếu tố dễ làm lây lan dịch bệnh như: Môi trường khép kín, dùng điều hoà nhiệt độ, người bệnh tiếp xúc với nhau cả ngày, tiếp xúc lâu dài với nhau trong điều kiện chật hẹp; đặc biệt nhà vệ sinh sử dụng chung cũng rất dễ lây lan virus vì khi vào nhà vệ sinh, nhiều người sẽ bỏ khẩu trang, ho, hắt hơi, khạc nhổ… làm phát tán virus ra xung quanh.

Vaccine và tuân thủ 5K để an toàn

Về phòng dịch tại các bệnh viện, theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, các bệnh viện cần tăng cường phân luồng, sàng lọc theo đúng quy định của Bộ Y tế; tăng cường xét nghiệm luồng bệnh nhân vào bệnh viện. Khi bệnh nhân vào viện cần phải tiến hành xét nghiệm ngay; hoặc nếu chưa xét nghiệm được ngay thì ít nhất ngày hôm sau cũng phải khẩn trương xét nghiệm. Đặc biệt các bệnh viện cũng phải định kỳ xét nghiệm trong quá trình người bệnh nằm viện hay những người có dâu nghi ngờ cũng phải xét nghiệm.

“Các bệnh viện cần có quy định không cho người nhà vào trong bệnh viện, tổ chức chăm sóc trọn gói cho bệnh nhân trong bệnh viện. Bệnh viện phải bao quát được hết khâu chăm sóc, điều trị người bệnh, có đội ngũ chăm sóc chuyên nghiệp, đã tiêm đủ mũi vaccine để người nhà không phải vào bên trong. Tuy việc áp dụng điều này vẫn còn khó khăn nhưng chúng ta vẫn phải cố gắng làm để giữ cho bệnh viện an toàn. Hiện nay, nhiều bệnh viện cũng đã thực hiện việc không cho người nhà bệnh nhân vào bệnh viện. Bệnh viện là thành trì cuối cùng cần phải giữ vững, thực hiện đúng các quy định để hạn chế dịch phát sinh, lây lan. Vì vậy, không có cách nào khác là mỗi người trong bệnh viện phải thực hiện tốt, tuân thủ 5K ở mọi lúc, mọi nơi, đeo khẩu trang và rửa tay xà phòng thường xuyên để phòng bệnh”, PGS. TS Nguyễn Huy Nga khuyến cáo.

Theo đó, trong lúc này người dân không nên hoảng loạn, cần bình tĩnh đối mặt và tuân thủ phòng dịch. Nhất là khi người dân Hà Nội đã được tiêm vaccine với tỷ lệ cao.

Cho rằng trong bối cảnh hiện nay, việc tuân thủ phòng dịch rất quan trọng; tâm lý chủ quan khi đã được tiêm vaccine là hết sức nguy hiểm, PGS. TS Trần Đắc Phu khẳng định: “Việc tiêm chủng không giảm triệt để sự lây nhiễm SARS-CoV-2. Bởi người đã tiêm vaccine vẫn có thể bị nhiễm virus và truyền bệnh cho người khác. Tuy vậy, đa số người được tiêm vaccine  khi bị nhiễm thường không có hoặc có triệu chứng nhưng thường nhẹ và tránh được tử vong”.

Theo đó, vaccine không giảm lây nhiễm, chưa kể những người mới chỉ được tiêm 1 mũi vaccine cũng chưa đủ miễn dịch; thậm chí, dù có tiêm đủ 2 mũi, người dân vẫn có thể nhiễm virus và lây cho người khác.

“Trước diễn biến dịch bệnh như hiện nay, mỗi người dân cần phải cảnh giác; tuân thủ tốt 5K ở mọi nơi để giữ cho chính bản thân mình và những người chưa được tiêm chủng khỏi mắc bệnh, trong đó có số lượng lớn trẻ em”, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo.

Chú thích ảnh
Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Người dân tiếp tế cho người thân trong khu vực phong tỏa BV Việt Đức
Người dân tiếp tế cho người thân trong khu vực phong tỏa BV Việt Đức

Bệnh viện hữu nghị Việt Đức và đường Phủ Doãn(Hoàn Kiếm, Hà Nội) bị phong tỏa từ chiều 30/9/2021 do liên quan đến các ca mắc COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN