Tham dự hội thảo còn có đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế và đại diện Ban Tuyên giáo, Công an, Sở Y tế, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Trung tâm CDC của 31 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Hội thảo đã nghe các tham luận về : nội dung cốt lõi và điểm mới của Chỉ thị số 07 của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030; tổng quan tình hình dịch HIV/AIDS toàn cầu; tình hình dịch HIV, công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam hiện nay và hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030; thực trạng, các giải pháp và kết quả công tác phòng, chống HIV/AIDS tại các bộ, ngành Trung ương, địa phương…
Hội thảo nhằm tổng hợp các ý kiến, chia sẻ những kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế, các bộ, ngành Trung ương và địa phương để công tác chỉ đạo kịp thời và quyết liệt hơn nữa nhằm đạt mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam chậm nhất vào năm 2030.
Theo Giaó sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, thời gian qua, Bộ Y tế đã cùng các bộ, ngành và địa phương trên cả nước triển khai mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo hướng tiếp cận toàn diện và cung cấp dịch vụ từ dự phòng, xét nghiệm đến chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS. Độ bao phủ các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS liên tục được mở rộng và cải thiện về chất lượng. Nhiều mô hình, sáng kiến về cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS được nghiên cứu, áp dụng và triển khai phù hợp với bối cảnh dịch HIV có nhiều thay đổi ở Việt Nam.
Việt Nam cũng đã nỗ lực huy động nguồn lực tài chính trong nước cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, nhất là việc Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả cho các dịch vụ về điều trị HIV/AIDS, các địa phương cũng đã tăng cường bố trí ngân sách cho chương trình này.
Theo ước tính của các tổ chức quốc tế, chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam đã cứu được gần 1 triệu người không bị nhiễm HIV, hơn 200.000 người không bị tử vong liên quan đến HIV/AIDS. Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá cao không chỉ về sự năng động, sáng tạo trong triển khai thực hiện mà còn có sự cam kết chính trị rất mạnh mẽ, kịp thời của lãnh đạo các cấp. Việt Nam cũng được các tổ chức quốc tế đánh giá như là điểm sáng trên bản đồ phòng, chống HIV/AIDS thế giới.
Tuy nhiên, chương trình phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức. Dịch HIV đang phát hiện chủ yếu trong nhóm tuổi trẻ và có xu hướng tiếp tục tăng nhanh trong nhóm này. Trong năm 2022 có tới 50% số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện ở nhóm tuổi từ 15 - 29 tuổi. Nam quan hệ tình dục đồng giới và người chuyển giới nữ là những nhóm đối tượng nhiễm HIV chủ yếu ở Việt Nam hiện nay. Xét trên toàn quốc, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm này chiếm tới xấp xỉ 60% số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện, có những địa phương báo cáo hơn 80% người nhiễm HIV được phát hiện trong năm qua là thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới.
Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá, độ bao phủ của các dịch vụ cũng chưa đáp ứng được các mục tiêu kỳ vọng. Những thách thức này đang đòi hỏi cả hệ thống chính trị cần phải quyết tâm, cùng hành động để vượt qua…
Theo Bộ Y tế, Việt Nam sau một thời gian dài từng bước khống chế, kiểm soát được đại dịch HIV/AIDS, những năm gần đây dịch đã có dấu hiệu gia tăng. Theo báo cáo của các địa phương, dự báo năm 2023 số trường hợp phát hiện mới nhiễm HIV tăng trên 13.000 trường hợp; dịch HIV đã cướp đi sinh mạng của gần 115.000 người kể từ đầu vụ dịch đến nay và mỗi năm có gần 2.000 trường hợp tử vong liên quan đến HIV/AIDS…