Tại buổi cung cấp thông tin với báo giới về Ngày Thế giới phòng, chống AISD (1/12) và Tháng Hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023 diễn ra chiều 9/11 tại Hà Nội, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) Võ Hải Sơn cho biết: Tháng Hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay với chủ đề: “Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030” sẽ diễn ra từ ngày 10/11 - 10/12/2023 với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng.
Tháng hành động nhằm huy động sự tham gia của các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách, người cung cấp dịch vụ và toàn thể cộng đồng người dân vào công tác phòng chống HIV/AIDS; tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm, điều trị bằng bảo hiểm y tế, tiếp tục mở rộng độ bao phủ các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm; đồng thời giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV, đặc biệt là trong dự phòng lây nhiễm HIV và tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS…
Các sự kiện lớn sẽ diễn ra đợt này gồm: Mít tinh hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, các hội nghị, hội thảo, tọa đàm chuyên đề; các giải chạy, đêm nhạc, cuộc thi vẽ tranh theo chủ đề cũng như các truyền thông trên mạng xã hội… nhằm nâng cao hơn nữa sự hiểu biết của cộng đồng về HIV/AIDS.
Tiến sĩ Eric Dzuiban, Giám đốc quốc gia Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ tại Việt Nam nhận định, chủ đề năm nay của Việt Nam là “Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030” nêu rất rõ nhu cầu hiện nay trong công cuộc ứng phó với HIV ở Việt Nam và trên thế giới, phù hợp với chủ đề của CDC Hoa Kỳ đó là “hãy để cộng đồng dẫn lối”.
Hiện Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong đáp ứng y tế công cộng. Các bài học của Việt Nam đã và đang được các nước khác học hỏi để triển khai. Tuy nhiên, Việt Nam cần lưu ý việc giám sát, triển khai các đáp ứng y tế công cộng với bệnh đậu mùa khỉ (MPOX). Chúng ta cần nhớ lại bài học ban đầu ứng phó với HIV để bảo đảm công tác ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ cũng dựa trên thực tế và khoa học. Đặc biệt, truyền thông cần thận trọng trong đưa tin về ca bệnh, không làm tăng sự kỳ thị của cộng đồng với nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, Tiến sĩ Eric Dzuiban nói.
Theo Thạc sĩ Bùi Hoàng Đức, Phó Trưởng Phòng Giám sát và Xét nghiệm, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, trong 9 tháng năm 2023, cả nước có 10.219 ca nhiễm HIV mới được phát hiện và 1.126 người tử vong. Hiện Việt Nam ước tính có gần 250 nghìn người nhiễm HIV trên toàn quốc, đã đưa vào quản lý được 231 nghìn người. Ca nhiễm phân bổ tập trung ở các tỉnh phía nam, trong đó 60% người nhiễm HIV được phát hiện mới tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, một số địa bàn không được đánh giá là không “trọng điểm” như Bạc Liêu, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long cũng ghi nhận ca nhiễm HIV tăng liên tục từ năm 2020 đến nay.
Tỷ lệ người nhiễm HIV ở nhóm tuổi 16-29 tăng từ năm 2022 đến nay, chiếm gần 50% số người nhiễm HIV được phát hiện. Đặc biệt, tỷ lệ nhiễm HIV tăng trong nhóm nam quan hệ đồng giới (MSM), chiếm 49% tổng số ca nhiễm và ghi nhận tỷ lệ nhiễm HIV cao trong nhóm chuyển giới; tỷ lệ người nghiện chích ma túy nhiễm HIV giảm còn khoảng 6%; vợ/chồng/bạn tình của người nhiễm HIV chiếm 4%.
Một nghiên cứu mới đây cũng cho thấy, tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm người chuyển giới nữ cũng tăng cao. Theo số liệu năm 2022 ở Hà Nội, tỷ lệ này là 5,8%. Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ này là 16,5% vào năm 2020, trong khi trước đó, năm 2004 chỉ có khoảng 6,8%, sau đó tăng lên 18% vào năm 2016.
Thạc sĩ Bùi Hoàng Đức cho biết, sẽ mở rộng quy mô giám sát trọng điểm với nhóm chuyển giới nữ để ngăn chặn gia tăng ca nhiễm.
Trong 9 tháng đầu năm, các chỉ tiêu ngành y tế đặt ra trong giám sát, điều trị, dự phòng cơ bản đều đạt trên 90%, riêng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) đạt trên 100%; có 177,009 người tham gia điều trị ARV, đạt mục tiêu 80% và 98,4% số người có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế…
Theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam đang trong giai đoạn dịch tập trung ở các nhóm có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao như MSM, nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm. Nguy cơ gia tăng dịch HIV vẫn được cảnh báo, đặc biệt người nhiễm HIV có xu hướng trẻ hóa; xu hướng dịch tăng rõ rệt trong nhóm MSM và cảnh báo tăng ở nhóm khác.
Hành vi nguy cơ của các nhóm nguy cơ cao ngày càng phức tạp như sử dụng ma túy tổng hợp, sử dụng chemsex, quan hệ tình dục tập thể… Bên cạnh đó, cộng đồng vẫn còn kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV…