Tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), bệnh nhân nam, 27 tuổi được chuyển đến từ bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh đang trong tình trạng nguy kịch, thở máy, nổi tím khắp người, nhiều ban xuất huyết hoại tử rải rác toàn thân.
Theo lời người nhà bệnh nhân kể lại, cách lúc vào viện 4 ngày, bệnh nhân có ăn tiết canh lợn ngoài quán. Sau khi về nhà, thì xuất hiện mệt mỏi, đau mỏi người. Đêm hôm đó, bệnh nhân xuất hiện sốt rét run.
Sau đó, người nhà phát hiện bệnh nhân trong tình trạng hôn mê, gọi hỏi không đáp ứng, tím tái toàn thân nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu. Bệnh nhân được đặt ống nội khí quản thở máy và chuyển Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Tại khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhân được chẩn đoán: Nhiễm khuẩn huyết – Viêm màng não theo dõi do liên cầu lợn.
Ths. BS Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng khoa Hồi sưc tích cực, Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: Hiện tại bệnh nhân đang được điều trị tích cực bởi biến chứng suy đa tạng, rối loạn đông máu nặng, được lọc máu liên tục, truyền các chế phẩm của máu.
Cảnh báo việc ăn tiết canh, Ths. BS Phạm Văn Phúc chia sẻ: Đến giờ vẫn có người quan niệm rằng ăn tiết canh đầu tháng (có màu đỏ) để lấy may mắn. Điều này rất đáng ngại vì nó có thể gây hại cho sức khỏe con người. Thường ở ngoài hàng quán, tiết canh được lấy từ tiết động vật tươi sống. Đây là một trong các nguyên nhân chính khiến nhiều bệnh nhân bị nhiễm giun sán. Nếu ăn phải tiết canh của lợn đang mắc bệnh thì người ăn có nguy cơ mắc liên cầu lợn, bệnh đường tiêu hóa...
Theo BS. Phạm Văn Phúc, liên cầu khuẩn lợn (tên khoa học Streptoccocus suis) là tác nhân gây bệnh như: Viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm khớp ở lợn... Tuy nhiên vi khuẩn có thể cư trú ở đường hô hấp trên (mũi, họng), đường sinh dục và tiêu hóa của lợn khỏe mạnh. Ở người liên cầu khuẩn lợn gây bệnh cảnh nhiễm trùng nặng, đe dọa tính mạng như: viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm khớp, viêm nội tâm mạc …
Vi khuẩn liên cầu lợn lây từ lợn sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp với lợn mang vi khuẩn (lợn lành, hoặc lợn bị bệnh) thông qua những vết thương nhỏ, hoặc trầy xước trên da trong quá trình giết mổ lợn, chế biến thịt lợn, hay ăn tiết canh, thịt lợn chưa chế biến kỹ.
Thời gian ủ bệnh ngắn từ vài giờ, cho đến 2-3 ngày (tuy nhiên có trường hợp ủ bệnh có thể đến vài tuần). Người bị viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn nếu chẩn đoán điều trị muộn di chứng nặng nề như: Điếc 1 bên hay 2 bên vĩnh viễn, không hồi phục; một số bệnh nhân phải điều trị dai dẳng, tái phát nhiều đợt. Nhiễm trùng liên cầu khuẩn lợn mặc dù được điều trị, tỷ lệ tử vong chung cho các thể bệnh là 17%. Trường hợp bệnh nhân đã có biểu hiện sốc nhiễm khuẩn, tỷ lệ tử vong rất cao lên đến 60- 80%.
Vì vậy, để phòng tránh bệnh liên cầu lợn, BS. Phạm Văn Phúc khuyến cáo: Người dân nên chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y; tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Khi ăn cần nấu chín thịt lợn, đây là điều rất quan trọng.
Đặc biệt, người dân lưu ý, không ăn thịt lợn chết, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn. Những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống. Phải giữ các dụng cụ chế biến ở nơi sạch sẽ, rửa sạch tay và các dụng cụ chế biến sau khi tiếp xúc, chế biến thịt lợn. Cần dùng riêng các dụng cụ chế biến thịt sống và thịt chín để tránh nhiễm bệnh từ mầm bệnh có trong thịt lợn...