Theo các chuyên gia, mặc dù số ca mắc sốt xuất huyết giảm, nhưng với điều kiện môi trường sau bão lũ tại các tỉnh phía Bắc, mưa bão ở miền Trung và mùa mưa ở miền Nam, nguy cơ gia tăng các ca mắc sốt xuất huyết là hiện hữu.
Hiện tại Thái Bình đang là giai đoạn cao điểm của dịch sốt xuất huyết. Tổng số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn từ đầu năm 2024 đến nay là 688 ca, chưa ghi nhận trường hợp tử vong.
Trên địa bàn đã xuất hiện một số ổ dịch có chùm ca bệnh và ca bệnh thứ phát tại phường Tiền Phong, Bồ Xuyên, Phú Xuân, Kỳ Bá (thành phố Thái Bình) và xã Tân Hòa, Bách Thuận (huyện Vũ Thư). Với mật độ dân cư cao, hiện, thành phố Thái Bình là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết, ca nội sinh cao nhất toàn tỉnh. Đến ngày 26/9, thành phố đã ghi nhận 227 ca mắc, trong đó 209 ca nội sinh.
Tại Hà Nội, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cho biết, cộng dồn từ đầu năm 2024 đến cuối tháng 9/2024, thành phố ghi nhận gần 3.000 trường hợp sốt xuất huyết (giảm hơn 71% so với cùng kỳ năm 2023) và chưa có ca tử vong. Cộng dồn từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 142 ổ dịch sốt xuất huyết. Hiện còn 18 ổ dịch đang hoạt động.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội nhận định, dịch sốt xuất huyết hiện đã bắt đầu bước vào giai đoạn cao điểm của dịch hằng năm (diễn ra từ tháng 9 đến tháng 11). Với điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường kết hợp mưa nhiều như hiện nay tạo điều kiện thuận lợi cho sự sinh sản và phát triển của muỗi truyền bệnh.
Kết quả giám sát tại một số ổ dịch tuần qua vẫn ghi nhận chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ. Do đó, dự báo số ca mắc sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Cơ quan y tế khuyến cáo, khi phát hiện dấu hiệu của bệnh như: sốt, đau đầu, đau hốc mắt, đau nhức các khớp, cơ, buồn nôn, nổi mẩn đỏ hoặc phát ban, chảy máu ở nhiều vị trí với mức độ tăng dần, người dân không tự ý điều trị tại nhà mà cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và tư vấn kịp thời.
Liên quan đến dịch bệnh sốt xuất huyết, trước các ý kiến cho rằng, ở chung cư cao tầng không có muỗi nên ngủ không cần mắc màn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế) đánh giá, đây là sự chủ quan khiến nhiều người có thể mắc bệnh sốt xuất huyết do bị muỗi đốt.
Theo chuyên gia, cho dù ở chung cư tầng cao sẽ ít muỗi hơn so với ở nhà mặt đất nhưng đối với sốt xuất huyết, dù ở nhà mặt đất hay ở chung cư cao tầng đều có nguy cơ mắc bệnh, nếu bị muỗi mang mầm bệnh đốt. Bởi thực tế, muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết là loại sống trong nhà, có thể bay được trong bán kính 200 mét. Kể cả ở chung cư, muỗi cũng có thể bay từ tầng thấp lên tầng cao, bay từ nhà này sang nhà khác. Có thể muỗi theo người vào thang máy, rồi lên các tầng.
Bên cạnh đó, do người dân ở các căn hộ ở chung cư thường có thói quen làm bể cá trong nhà, trồng hoa, trồng rau trong thùng xốp, khay nhựa và có để các dụng cụ chứa nước đọng như đồ chứa nước thải điều hòa, nước thải máy lọc nước..., đây chính là điều kiện để muỗi sinh sản và phát triển ngay tại căn hộ của gia đình.
“Thông thường, khi có ánh sáng muỗi sẽ lẩn trốn ở những góc khuất, tối..., khi tắt điện, muỗi sẽ ra ngoài và nếu ngủ không mắc màn sẽ bị đốt. Như vậy, nguy cơ bị muỗi mang mầm bệnh sốt xuất huyết truyền sang là rất lớn”, vị chuyên gia thông tin.
Vì thế, việc ngủ mắc màn không chỉ giúp phòng được muỗi đốt, mà còn tránh được các loại côn trùng khác nếu có. Bởi vậy, dù ở đâu cũng nên tạo thói quen mắc màn trước khi đi ngủ.
Ngoài việc ngủ phải mắc màn, những người ở chung cư nói riêng và toàn bộ người dân nói chung cần phải vệ sinh nơi ở gọn gàng, sạch sẽ.
Đối với trẻ em nên mặc quần áo sáng màu, dùng thuốc xua muỗi. Dùng các sản phẩm xua muỗi có hương sả tự nhiên, an toàn khi sinh hoạt ngoài trời, đặc biệt vào buổi tối.
Lật úp các dụng cụ chứa nước xung quanh nơi ở, thay nước ở lọ hoa, diệt loăng quăng/bọ gậy để phòng, chống sốt xuất huyết…