Sắp có vaccine COVID-19 nhập về, ưu tiên đối tượng nào tiêm trước?

Vaccine phòng COVID-19 Astra Zeneca của Anh sau khi nhập về sẽ được tiêm cho các đối tượng ưu tiên là những người có nguy cơ cao, sau đó mới tiêm đại trà.

Chú thích ảnh
Việt Nam cũng đang nỗ lực nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng COVID-19. Ảnh: TTXVN.

Bộ Y tế vừa chính thức cấp phép cho vaccine phòng COVID-19 Astra Zeneca của Anh lưu hành tại Việt Nam; đây cũng là vaccine phòng COVID-19 đầu tiên được cấp phép lưu hành tại Việt Nam.

Vaccine này sẽ được Công ty Cổ phần Vaccine Việt Nam (VNVC) tiếp nhận, dự kiến 30 triệu liều trong nửa đầu năm 2021.

Về vấn đề khi nào vaccine này được tiêm đại trà, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng cho biết: “Nguyên tắc là với vaccine trong nước hay nhập ngoại đều phải có kế hoạch triển khai, chứ không phải có vaccine là sẽ tiến hành tiêm đại trà ngay. Trước mắt, quan trọng nhất là phải tiêm cho đối tượng ưu tiên trước như: Nhân viên y tế, bộ đội biên phòng, người trong khu cách ly, người có nguy cơ cao, sau đó là người già, người có bệnh nền... Sau các đối tượng này mới tiến hành tiêm đại trà”.

Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vaccine Việt Nam (VNVC) cho biết: Hiện VNVC đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện tốt nhất để có thể tiếp nhận số lớn vaccine và tiến hành tiêm chủng phục vụ người dân. Theo đó, VNVC cũng sẽ sớm công bố các thông tin chi tiết về kế hoạch triển khai tiêm chủng vaccine này. Đặc biệt giá vaccine này dự kiến sẽ ưu đãi để nhiều người dân có thể được sử dụng.

Vaccine phòng COVID-19 của Astra Zeneca được nghiên cứu bởi Đại học Oxford và công ty sản xuất hỗ trợ Vaccitech. Vaccine này sử dụng vectơ virus mất khả năng sao chép được tạo ra từ chủng virus gây cúm thông thường ở tinh tinh đã được làm suy yếu (adenovirus), chứa vật chất di truyền của protein gai trên bề mặt virus SARS-CoV-2. Sau khi tiêm vắc xin, protein gai bề mặt được sản xuất, kích hoạt hệ thống miễn dịch tấn công virus SARS-CoV-2 nếu cơ thể bị nhiễm virus sau đó.

Vaccine Astra Zeneca được Việt Nam phê duyệt theo phác đồ tiêm 2 liều tiêu chuẩn cho người lớn từ 18 tuổi trở lên, được chứng minh trong các thử nghiệm lâm sàng là được dung nạp tốt và hiệu quả trong việc ngăn ngừa COVID-19 có triệu chứng. Theo kết quả thử nghiệm, không có trường hợp nào phải nhập viện hoặc trường hợp mắc bệnh nghiêm trọng nào được ghi nhận trong số những người đã tiêm liều thứ hai sau 14 ngày.

Hiện, Việt Nam đã mua được vaccine phòng COVID-19, tuy nhiên theo PGS.TS Trần Đắc Phu, kể cả Việt Nam có vaccine tiêm đại trà cho người dân, nhưng công tác phòng chống dịch có được nới lỏng hay không còn phụ thuộc vào miễn dịch cộng đồng. Chúng ta phải đảm bảo 60-70% miễn dịch cộng đồng.

Dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, chính các quốc gia đã tiêm vaccine phòng COVID-19 cũng không dám lơ là phòng dịch, vẫn thực hiện giãn cách, phong toả để chống dịch.

Vì vậy người dân cần chú ý, mặc dù đã có vaccine, nhưng vẫn phải thực hiện nghiệm túc các biện pháp chống dịch như khuyến cáo của Bộ Y tế, không chủ quan, lơ là công tác phòng chống dịch.

PGS.TS Trần Đắc Phu cũng khuyến cáo, quan trọng nhất là người dân luôn tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế, đây là biện pháp quan trọng để ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng.

Tạ Nguyên/báo Tin tức
Thêm nhiều nước cấp phép sử dụng vaccine AstraZeneca/Orford và Sputnik V
Thêm nhiều nước cấp phép sử dụng vaccine AstraZeneca/Orford và Sputnik V

Bộ Y tế Kuwait ngày 29/1 đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 do hãng dược phẩm AstraZeneca (Thụy Điển) và Đại học Oxford (Anh) phối hợp phát triển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN