Ra mắt hướng dẫn quy trình theo dõi đường huyết liên tục dành cho nhân viên y tế

Hướng dẫn này được kỳ vọng sẽ góp phần mang lại những thay đổi lớn đối với quản lý bệnh đái tháo đường của Việt Nam.

Chú thích ảnh
Các chuyên gia trao đổi về vấn đề quản lý đái tháo đường ở Việt Nam. 

Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam vừa giới thiệu hướng dẫn quy trình đầu tiên về theo dõi đường huyết liên tục đến các chuyên viên y tế. Hướng dẫn này được kỳ vọng sẽ góp phần mang lại những thay đổi lớn đối với quản lý bệnh đái tháo đường của Việt Nam.

Trước đây, Bộ Y tế đã khuyến nghị theo dõi đường huyết liên tục (continuous glucose monitoring – CGM) đối với những người mắc đái tháo đường tuýp 2 muốn quản lý đường huyết tốt hơn và những người nhập viện cần theo dõi sát đường huyết.

Đây là hướng dẫn chi tiết đầu tiên về theo dõi đường huyết liên tục, trong đó nêu rõ những bước cụ thể để chuyên viên y tế và người mắc đái tháo đường thực hiện theo dõi đường huyết liên tục.

“Nhìn tổng thể, vận dụng công nghệ CGM không chỉ giúp quản lý đái tháo đường hiệu quả hơn, mà còn làm giảm gánh nặng chi phí cho người dân và cả hệ thống y tế. Do đó, việc xây dựng hướng dẫn theo dõi glucose máu liên tục vô cùng quan trọng”, GS.TS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Huế cho biết.

Theo hướng dẫn của VADE, hệ thống CGM sử dụng một cảm biến được đưa vào dưới da để đo lượng đường trong dịch mô kẽ trong một khoảng thời gian nhất định, từ đó thể hiện mức đường huyết ước tính liên tục theo thời gian.

Hướng dẫn này hỗ trợ chuyên viên y tế bằng cách liệt kê các thiết bị CGM và hướng dẫn sử dụng; chỉ định và chống chỉ định; các chỉ số quan trọng, đặc biệt ở người già và phụ nữ mang thai; cũng như các phân tích dữ liệu.

Hướng dẫn cũng giúp người bệnh đái tháo đường hiểu tổng quan về CGM, cách thiết bị hoạt động và cách sử dụng thiết bị CGM.

Dựa trên hướng dẫn này, các chuyên viên y tế sẽ tiếp tục xây dựng quy trình triển khai CGM cho bệnh viện trên toàn quốc, đặc biệt là ở khu vực Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Theo GS.TS Trần Hữu Dàng, tại Việt Nam, số người mắc bệnh đái tháo đường đang ngày một gia tăng, tỷ lệ người bệnh tăng gấp đôi so với 10 năm trước. Trong số đó, hơn một nửa chưa được chẩn đoán, nghĩa là không được điều trị. Trong số những người đã được chẩn đoán và điều trị, chỉ có khoảng 1/3 đạt được mục tiêu điều trị.

Với bệnh nhân đái tháo đường, việc kiểm soát đường huyết ổn định, gần mức bình thường là rất quan trọng để giúp họ phòng tránh được các biến chứng của bệnh.

“CGM cung cấp bức tranh toàn diện về thực trạng đường huyết theo thời gian thực, giúp bác sĩ nắm bắt tình trạng của bệnh nhân để đưa ra quyết định điều trị phù hợp hơn, nâng cao hiệu quả điều trị. Đồng thời, công nghệ này giúp người bệnh hiểu rõ tình trạng đường huyết của bản thân, thay đổi lối sống, từ đó quản lý tình trạng đái tháo đường tốt hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống”, GS.TS Trần Hữu Dàng cho biết.

Một trong những thiết bị CGM được nêu trong hướng dẫn của VADE là FreeStyle Libre, công nghệ theo dõi glucose liên tục được công ty chăm sóc sức khỏe toàn cầu Abbott giới thiệu tại Việt Nam vào tháng 3/2021. Công nghệ này được sử dụng cho cả người lớn và trẻ em từ bốn tuổi trở lên.

Hệ thống FreeStyle Libre giúp theo dõi mức đường huyết mỗi phút thông qua một cảm biến nhỏ đeo ở mặt sau cánh tay với kích thước chỉ bằng một đồng xu. Cảm biến được sử dụng liên tục trong 14 ngày, là thiết bị đo và theo dõi glucose có thời gian sử dụng lâu nhất thế giới hiện nay, theo thông tin do Abbott công bố khi ra mắt FreeStyle Libre tại Việt Nam vào tháng 3/2021.

Công nghệ này đã giúp thay đổi cuộc sống của khoảng 6 triệu người bệnh đái tháo đường ở hơn 60 quốc gia trên thế giới.

PV/Báo Tin tức
Đái tháo đường tuýp 1 ở trẻ em có xu hướng gia tăng
Đái tháo đường tuýp 1 ở trẻ em có xu hướng gia tăng

Chiều 24/6, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức tập huấn theo hình thức trực tuyến cho cán bộ y tế ở cơ sở về triển khai Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh đái tháo đường típ 1 ở trẻ em và thanh thiếu niên vừa được Bộ Y tế ban hành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN