Mục tiêu của việc hợp tác nhằm thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng y học chính xác trong chẩn đoán và điều trị tim mạch, ung thư, tiểu đường…
10 đối tác quốc tế mới ký kết hợp tác với VinBigData đều là những tên tuổi hàng đầu thế giới trong lĩnh vực Y khoa, Sinh học phân tử, Khoa học máy tính và Tin sinh học, gồm: Trung tâm khoa học dữ liệu ứng dụng, Đại học Chicago (Mỹ); Phòng Thí nghiệm nghiên cứu hệ gen ung thư - Trung tâm ung thư MD Anderson (Mỹ); Trung tâm Nghiên cứu khối phổ NIH, Đại học California (San Diego, Mỹ); Phòng Thí nghiệm nghiên cứu ung thư McArdle, Đại học Wisconsin (Madison, Mỹ); Phòng thí nghiệm Dịch tễ học Phân tử và Di truyền Ung thư, Trung tâm Ung thư UPMC Hillman, Đại học Pittsburgh (Mỹ); Phòng Dịch tễ học và Thống kê sinh học, Viện nghiên cứu Karolinska (Thụy Điển); Phòng Thí nghiệm Khoa học dữ liệu Y sinh, Đại học Wellington Victoria (New Zealand); Tổ chức nghiên cứu hàng đầu châu Á về di truyền quần thể Genome Asia 100K; Trường Y khoa Lee Kong Chian, Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore); Trung tâm Di truyền Y học, Đại học Mahidol (Thái Lan).
Trước đó, VinBigdata đã ký kết với 5 đơn vị quốc tế và 6 đơn vị trong nước, nâng tổng số đối tác lên tới 21. Việc hợp tác sẽ được triển khai toàn diện trong lĩnh vực y học chính xác, trên cả 3 khía cạnh: Nghiên cứu; Trao đổi học thuật và Đào tạo, nhằm tìm ra phác đồ điều trị chuẩn xác, đảm bảo hiệu quả điều trị và tối ưu chi phí cho các nhóm bệnh phổ biến là tim mạch, ung thư, tiểu đường và ngăn chặn nguy cơ kháng kháng sinh…
Cụ thể, VinBigdata và các đối tác sẽ cùng thực hiện các hoạt động nghiên cứu; trao đổi giảng viên, nhà khoa học, nghiên cứu sinh; trao đổi tài nguyên, công trình khoa học; phối hợp tổ chức các buổi hội thảo, chia sẻ tri thức… Thông qua các hợp tác toàn diện, VinBigdata hướng tới xây dựng mạng lưới nghiên cứu tri thức toàn cầu, làm cầu nối giữa các nhà khoa học Việt Nam với các chuyên gia đầu ngành trên thế giới trong lĩnh vực y sinh. Đặc biệt, VinBigdata và các đối tác quốc tế sẽ phối hợp triển khai thực hiện các dự án xây dựng hệ gen tham chiếu cho người Việt, phát triển hệ thống quản lý phân tích dữ liệu gen quy mô lớn, nghiên cứu các giải pháp dự đoán nguy cơ bệnh và đáp ứng thuốc dựa trên hệ gen, nghiên cứu về đặc điểm di truyền quần thể người Việt… nhằm đẩy nhanh tốc độ ứng dụng các giải pháp mới hướng Y học chính xác tại Việt Nam.
Phát biểu tại sự kiện, GS. Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBigdata cho biết: “Vingroup kì vọng sự cộng tác với các đối tác hàng đầu thế giới, tận dụng những đột phá công nghệ toàn cầu sẽ thúc đẩy các dự án nghiên cứu và phát triển, mang lại lợi ích thiết thực cho người Việt. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh các nghiên cứu y học chính xác sử dụng dữ liệu lớn còn mới và thiếu các chuyên gia có kinh nghiệm tại Việt Nam.”
Phó Giáo sư Michael Winther – Trường Y khoa Lee Kong Chian, Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) – đại diện cho các đối tác quốc tế cũng chia sẻ “Quần thể người Đông Nam Á có tần suất xuất hiện thấp trong các cơ sở dữ liệu lớn công khai, khoảng trống này cần được lấp đầy qua các sáng kiến quốc gia về hệ gen như dự án giải mã 1000 hệ gen người Việt do VinBigdata khởi xướng. Có thể nói, sự hợp tác này là rất cần thiết cho tiến bộ của y học di truyền trong khu vực, bởi chỉ khi hiểu được những đặc điểm chung và riêng của từng quần thể, chúng ta mới có thể khai thác hết tiềm năng của y học di truyền.”
Cũng tại sự kiện, VinBigdata chính thức ra mắt Hệ thống phân tích và quản lý dữ liệu Y sinh lớn nhất Việt Nam (https://genome.vinbigdata.org). Phát triển từ tháng 6/2019, hiện hệ thống đang lưu trữ hơn 1200 TeraByte dữ liệu và gần 5000 mẫu sinh học liên quan đến dự án 1000 hệ gen người Việt và các dự án ứng dụng khác theo chuẩn tiêu chuẩn của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH). Thiết kế của hệ thống đảm bảo bảo mật thông tin theo Quy định chung về bảo mật thông tin (GDPR) của Châu Âu.
Dự kiến đến cuối năm 2021, hệ thống sẽ cập nhật các bộ dữ liệu từ các dự án nghiên cứu ứng dụng về nguy cơ bệnh và tác dụng phụ của thuốc do VinBigdata thực hiện để cộng đồng nghiên cứu khoa học dễ dàng tra cứu phục vụ cho mục đích nghiên cứu. Hệ thống có thể lưu trữ, xử lý hàng trăm PetaByte dữ liệu và có khả năng phân tích toàn hệ gen trong thời gian chưa đầy 30 phút, giúp các bên dễ dàng truy cập, tìm kiếm thông tin, phân tích và chia sẻ dữ liệu, giúp tối ưu thời gian nghiên cứu. Trong tương lai, công trình sẽ trở thành cổng thông tin tham chiếu có giá trị và đáng tin cậy cho người Việt và cộng đồng nghiên cứu y sinh thế giới.
Bằng những bước đi tiên phong và bài bản trong hợp tác quốc tế với các đối tác hàng đầu thế giới, cùng sự đầu tư nghiêm túc và mạnh mẽ, Tập đoàn Vingroup đang hướng tới mục tiêu trở thành một Tập đoàn Công nghệ hàng đầu khu vực trong vòng 10 năm tới./.