Đây là một sáng kiến toàn cầu của USAID nhằm tăng cường năng lực và chất lượng của hệ thống y tế tại các quốc gia.
Mục tiêu của dự án là hỗ trợ các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình chuyển giao từ nền y tế phụ thuộc vào nguồn tài trợ quốc tế sang hệ thống y tế sử dụng nguồn lực bền vững trong nước, để đạt được mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Thông qua hoạt động của dự án, USAID sẽ giúp tăng cường năng lực của Chính phủ Việt Nam trong công tác quản lý bền vững chương trình HIV/AIDS và lao, thúc đẩy Việt Nam đạt được cam kết về chấm dứt dịch bệnh AIDS và lao vào năm 2030. Với các hoạt động huy động nguồn lực trong nước và xây dựng cơ chế tài chính bền vững, dự án sẽ hỗ trợ Việt Nam trên tiến trình hướng tới tự lực trong lĩnh vực y tế, tự chủ về tài chính, hành chính và chuyên môn trong các nỗ lực phòng, chống HIV/AIDS và lao.
Chúc mừng Chính phủ Việt Nam và Bộ Y tế đã chuyển giao thành công chương trình phòng, chống HIV từ nguồn tài trợ quốc tế sang nguồn lực trong nước, trong đó Bảo hiểm xã hội là cơ chế tài chính chính, Giám đốc USAID Việt Nam Ann Marie Yastishock cho biết, Việt Nam hiện có trên 90% bệnh nhân HIV đã tham gia bảo hiểm y tế và các cơ sở điều trị hiện tại có thể thanh toán bảo hiểm y tế cho các dịch vụ HIV và quan trọng nhất, quỹ bảo hiểm y tế hiện đang được sử dụng để mua thuốc kháng virus – thành phần đắt nhất trong công tác phòng, chống HIV. Năm 2018, Bộ Y tế đã mua thuốc ARV cho 1/3 tổng số bệnh nhân HIV đang điều trị và năm 2020, bảo hiểm y tế đang tiếp tục mua ARV cho hơn 2/3 tổng số bệnh nhân.
“Đây là một quỹ đạo thành công đáng chú ý, một quỹ đạo mà tất cả chúng ta đều tự hào chia sẻ với Việt Nam. USAID thông qua PEPFAR đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam cập nhật các chính sách cho xây dựng hệ thống hỗ trợ chuyển đổi này”, bà Ann Marie Yastishock đánh giá.
Tuy nhiên, theo Giám đốc USAID tại Việt Nam, vẫn còn một số việc phải làm. Chi phí dự phòng HIV chủ yếu vẫn do các nhà tài trợ nước ngoài tài trợ, các dịch vụ dự phòng HIV chính vẫn chưa được bảo hiểm y tế chi trả, cơ chế mua sắm thuốc tập trung và cơ chế thanh toán tập trung cần được hỗ trợ liên tục, đảm bảo cung ứng thuốc ARV và lao được bảo hiểm y tế chi trả không bị gián đoạn. Việc chuyển giao điều trị lao và thuốc chống lao sang chương trình bảo hiểm y tế chưa hoàn tất. Đó chính là lý do mà USAID hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện. Dự án sẽ hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để giải quyết những thiếu hụt này.
Trước đó, USAID và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ nhằm chính thức hóa quan hệ hợp tác giữa hai cơ quan. Theo đó, dự án Phát triển hệ thống y tế bền vững do USAID tài trợ sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam để tăng cường thực hiện chính sách bảo hiểm y tế trong 4 năm tới. Dự án cũng sẽ hỗ trợ quá trình Việt Nam chuyển sang tự chủ tài chính hoàn toàn cho chương trình phòng chống HIV và lao…
Bà Ann Marie Yastishock khẳng định, USAID và dự án sẽ hợp tác với các cơ quan liên quan để đẩy mạnh hơn nữa tiến độ của Việt Nam trên hành trình tự lực cánh sinh và hướng tới chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Phát biểu tại buổi Lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, từ năm 2014 – 2020, Bộ Y tế đã hợp tác chặt chẽ với USAID để triển khai hai dự án về tài chính y tế là dự án quản trị và tài chính y tế (HFG) và dự án tài chính bền vững cho chương trình HIV (SFA). Đây là hai dự án do USAID tài trợ nhằm hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực tài chính y tế cho chương trình HIV, đặc biệt trong giai đoạn chuyển giao từ nguồn viện trợ quốc tế sang nguồn lực trong nước, trong đó bảo hiểm y tế được xác định là cơ chế tài chính bền vững cho chương trình HIV nhằm đảm bảo người nhiễm HIV được tiếp cận các dịch vụ xét nghiệm, chăm sóc và điều trị HIV liên tục, được đảm bảo quyền lợi khám, chữa bệnh khi tham gia bảo hiểm y tế.
Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, hai dự án về tài chính, y tế của USAID đã tham gia hỗ trợ rất hiệu quả dự án sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế, hiện đang triển khai quy trình để trình Quốc hội Việt Nam xem xét, quyết định. Đồng thời, các cơ sở điều trị HIV đang được kiện toàn để đủ các điều kiện cung cấp các dịch vụ khám, chữa bệnh HIV sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, tăng bao phủ bảo hiểm y tế trong nhóm bệnh nhân nhiễm HIV. Dự án cũng hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình vận động và xây dựng chính sách, hướng dẫn về mua sắm và thanh toán tập trung cấp quốc gia thuốc ARV sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, hỗ trợ kinh phí cùng chi trả thuốc ARV và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong những năm đầu triển khai mua sắm, thanh toán tập trung và cung ứng thuốc ARV từ nguồn bảo hiểm y tế. Hai dự án của USAID cũng hỗ trợ quá trình đăng ký và đưa thuốc TLD vào danh mục thuốc thuộc phạm vi chi trả của quỹ bảo hiểm y tế, giúp cho người bệnh có cơ hội được tiếp cận với thuốc điều trị tối ưu.
Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị dự án Phát triển hệ thống y tế bền vững do USAID tài trợ tiếp tục hợp tác và hỗ trợ Bộ Y tế trong các hoạt động như sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế; đổi mới cơ chế tài chính trong lĩnh vực y tế, huy động nguồn lực trong nước để tăng ngân sách cho y tế dự phòng, đảm bảo ngân sách cho chương trình phòng, chống lao và HIV; mua sắm và cung ứng thuốc điều trị bệnh lao sử dụng quỹ bảo hiểm y tế; phát triển hệ thống quản lý, theo dõi và cung ứng điện tử trong quản lý thuốc mua sắm tập trung.
Trong khuôn khổ buổi Lễ đã diễn ra tọa đàm “Huy động nguồn lực trong nước cho y tế - cơ hội, thách thức và vai trò của các bên liên quan”, với sự tham gia của các vị khách mời từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Y tế.
Ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho rằng việc chuyển đổi từ nguồn tài trợ sang quỹ bảo hiểm y tế để khám, chữa bệnh đối với bệnh nhân HIV/AIDS thời gian qua đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Thông qua bảo hiểm y tế,người nhiễm HIV không những được quan tâm trong tiếp cận với thẻ bảo hiểm y tế mà tiếp cận với các cơ sở khám, chữa bệnh các tuyến. Đây là bài học kinh nghiệm tốt cho thực hiện chuyển đổi từ ngân sách nhà nước sang quỹ bảo hiểm y tế cho chương trình phòng, chống lao. Tuy nhiên, cũng cần phải tính toán cụ thể, bởi, với nguồn lực của quỹ bảo hiểm y tế hiện nay, có thể dẫn đến mất cân đối quỹ. Làm sao để chi tiêu hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế là một thách thức và Bảo hiểm xã hội Việt Nam rất quan tâm.