Hội nghị nhằm nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị COVID-19 và xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng vaccine COVID-19 cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc.
Chủ trì Hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, thực hiện Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ về việc mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19, từ giữa năm 2020, Bộ Y tế đã khẩn trương, minh bạch thực hiện công tác đàm phán, mua vaccine cũng như chuẩn bị hậu cần để nhanh chóng cung ứng vaccine vào triển khai tiêm chủng.
Việc tiêm vaccine phòng COVID-19 là sự đầu tư rất lớn của Chính phủ để phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, góp phần đạt mục tiêu kép: bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe người dân trên cả nước và bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Để triển khai hiệu quả công tác này, Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện vaccine của AstraZeneca cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19 tại Quyết định số 983/QĐ-BYT ngày 1/2/2021.
Để triển khai công tác tiêm phòng vaccine COVID-19 được an toàn, hiệu quả, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn sàng lọc trước tiêm chủng, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối sau tiêm vaccine COVID-19… Đồng thời, Bộ tổ chức các lớp tập huấn quy trình thực hiện tiêm chủng cho các điểm tiêm chủng trên nguyên tắc: An toàn; Thận trọng; Thực hiện từng bước; Tăng cường tối đa độ bao phủ.
Bên cạnh đó, để đảm bảo việc an toàn hơn nữa đối với công tác tiêm chủng, ngày 15/4/2021, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký Quyết định số 1888/QĐ-BYT thành lập Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng ban; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh làm Phó Trưởng ban thường trực. Các thành viên còn lại là lãnh đạo các Vụ, Cục của Bộ Y tế, các chuyên gia lĩnh vực hồi sức cấp cứu, bệnh truyền nhiễm, dịch tễ… của Bộ Y tế.
Ban Chỉ đạo còn có Tiểu ban Hướng dẫn sàng lọc trước tiêm chủng do Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam làm Trưởng Tiểu ban. Tiểu ban hướng dẫn và tổ chức xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 do Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam làm Trưởng Tiểu ban. Nhóm chuyên gia tư vấn có đại diện của Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc tại Việt Nam.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ cập nhật, sửa đổi, bổ sung hướng dẫn sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19; Xây dựng hướng dẫn xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng vaccine phòng COVID-19; chỉ đạo xử trí cấp cứu sự cố bất lợi sau tiêm chủng; tổ chức đào tạo, tập huấn hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng và xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Đồng thời, Ban Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, phân tích, đánh giá, điều trị các ca bệnh, sự cố bất lợi sau tiêm chủng vaccine phòng COVID-19; tổ chức giám sát, đánh giá, kiểm tra việc thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19; chỉ đạo công tác truyền thông về việc thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, hiện hệ thống đảm bảo an toàn tiêm chủng đã được thiết lập toàn quốc.
“Các thành viên đã tạo một nhóm chuyên môn trên điện thoại, sẵn sàng giải đáp các thắc mắc của các cán bộ y tế về tiêm chủng. Những ca khó sẽ được hội chẩn qua Trung tâm Quản lý, điều hành hỗ trợ chẩn đoán và điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Cục Quản lý khám chữa bệnh”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê cho biết.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, bên cạnh đó nhiệm vụ số 1 hiện nay của các cơ sở khám chữa bệnh là phải thực hiện Bộ tiêu chí An toàn bệnh viện theo Quyết định số 3088/QĐ-BYT; các phòng khám, trạm y tế phải thực hiện Bộ tiêu chí Phòng khám an toàn phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp theo Quyết định 4999/QĐ-BYT. Đồng thời, các cơ sở thực hiện các quy định của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về sàng lọc, phân luồng, cách ly, điều trị kịp thời người nghi nhiễm và bệnh nhân COVID-19.
Cùng với công tác tiêm phòng vaccine, Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế thường xuyên họp, cập nhật hướng dẫn chẩn đoán, điều trị COVID-19 phù hợp với thực tế và kinh nghiệm qua các đợt dịch của Việt Nam và thế giới. Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị COVID-19 phiên bản 5 kèm theo Quyết định số 2008/QĐ-BYT ngày 26/4/2021. Hướng dẫn này có hiệu lực từ ngày 26/4 và thay thế cho Hướng dẫn đã ban hành tháng 7/2020.