Phòng chống tác hại của rượu, bia: Đừng chỉ hô hào suông

Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia đã bắt đầu có hiệu lực, đây là sự kiện đáng lưu ý, được nhiều người ủng hộ. Tuy nhiên vấn đề là phải thực hiện thật nghiêm khi “văn hoá rượu bia” đã ăn sâu vào đời sống người dân.

Chú thích ảnh
Kêu gọi người tham gia giao thông “Đã uống rượu bia - không lái xe”. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN.

Sẽ có nhiều khó khăn trong thực thi

Từ 1/1/2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia bắt đầu có hiệu lực sau một thời gian dài Bộ Y tế nỗ lực xây dựng và vận động để Luật được thông qua. Luật gồm 7 chương và 36 điều với nhiều quy định nghiêm khắc, đặc biệt có tới 13 hành vi bị nghiêm cấm. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một Luật đầy đủ, hoàn chỉnh đối với vấn đề phòng, chống tác hại của rượu, bia. Bởi vậy, đây cũng là Luật được nhiều người quan tâm, ủng hộ.

Theo thống kê của Bộ Y tế, lượng rượu bia tiêu thụ của Việt Nam đang tăng lên rất nhanh. Cụ thể sản phẩm bia đang được sử dụng với số lượng rất lớn do được bán tràn lan, giá rẻ. Chỉ năm 2018 đã lên hơn 4,6 tỷ lít, tăng trên 600 triệu lít so với năm 2017. Trung bình mỗi người trưởng thành sử dụng tới 45- 46 lít bia/năm (năm 2015 là 42 lít). Đây là con số đáng báo động khi rượu bia là nguyên nhân của rất nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, các vụ ngộ độc rượu gia tăng mạnh thời gian gần đây, nhất là trong các dịp lễ, Tết; và rất nhiều bệnh nguy hiểm cũng gia tăng có nguyên nhân từ sử dụng quá nhiều rượu, bia…

Nhân dịp Luật Phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực, Đại biểu Quốc hội GS.TS Nguyễn Anh Trí đánh giá: “Đây là sự kiện đáng lưu ý, vì rượu bia đã tồn tại đã từ lâu trong xã hội, được sử dụng trong rất nhiều sự kiện từ các gia đình, làng xã, thôn xóm đến các cấp cao nhất... kể cả ở Việt Nam và trên thế giới. Vì vậy, Luật đã có những quy định hết sức nghiêm khắc, cần thiết để xã hội không phải gánh chịu tác hại của rượu bia như: Ảnh hưởng sức khỏe, gia tăng bệnh tật, giúp ổn định xã hội, giảm thiểu các vụ tai nạn…”

Cũng theo GS. Nguyễn Anh Trí, với những quy định nghiêm ngặt như: Đã uống rượu bia thì không được lái xe; nghiêm cấm kích động, ép uống rượu bia... Luật có tác động vào rất nhiều đối tượng trong xã hội. Vì vậy việc thực thi Luật trên thực tế sẽ gặp không ít khó khăn. Đơn cử như Điều khoản quy định không bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi, trên thế giới đã thực hiện từ lâu nhưng ở Việt Nam vẫn còn khó; bởi lâu nay việc mua bán rượu, bia vẫn thoải mái ở mọi lứa tuổi. Vì vậy cần phải có những quy định để người dân thay đổi nhận thức, từ đó thay đổi hành vi.

Hiện cũng có quá nhiều bằng chứng cụ thể chứng minh sự liên quan giữa việc sử dụng rượu, bia và các vụ tai nạn giao thông đau lòng. Bác sĩ Trần Thị Oanh, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện đa khoa Đức Giang, người từng trực tiếp cấp cứu, điều trị cho nhiều ca ngộ độc rượu, tai nạn giao thông do rượu cho biết: “Không chỉ quy định trong Luật, hơn ai hết, chính người sử dụng rượu, bia cũng cần phải ý thức về những tác hại của rượu với sức khoẻ của chính mình và cộng đồng. Đặc biệt thời gian gần đây chất lượng rượu trên thị trường đang báo động khi tình trạng rượu pha chế từ cồn công nghiệp tràn lan, thậm chí có thể mất mạng nếu uống nhiều rượu kém chất lượng. Chính nhân viên y tế cũng rất xót xa khi chứng kiến nhiều bệnh nhân nhập viện, nguy kịch, hôn mê sâu chỉ vì “quá chén”.

Phải truyền thông mạnh, thực hiện nghiêm

Để Luật phòng chống tác hại của rượu, bia thực sự có hiệu quả trên thực tế, theo các chuyên gia cần đặc biệt quan tâm tới việc phổ biến Luật để người dân hiểu Luật, hiểu tác hại của rượu, bia từ đó thay đổi hành vi.

Theo GS. Nguyễn Anh Trí, phải để người dân ý thức được rằng hiện nay đã có Luật rất nghiêm khắc để xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến sử dụng rượu, bia. Các phương tiện truyền thông đại chúng cũng cần tuyên truyền tích cực về Luật. Các cấp chính quyền ở các địa phương cũng phải cùng vào cuộc, kể cả các cơ quan, đơn vị cũng phải nghiêm túc, phải nghiêm túc ngay từ người thủ trưởng đơn vị. Thậm chí trong từng gia đình, cũng phải hết sức nghiêm túc. Người ông, người bố phải gương mẫu, con cái phải biết nghiêm túc chấp hành. Việc giáo dục sâu rộng cũng phải làm một cách bền bỉ, theo thời gian, chắc chắn sẽ thành công.

Đặc biệt, không chỉ “nhắm” đến đối tượng sử dụng rượu bia là người dân mà thậm chí cả khu vực sản xuất, buôn bán rượu bia cũng phải cần được chú ý.

“Hiện nay nhiều đối tượng đang cố tình đánh tráo khái niệm về việc “uống có trách nhiệm", mục đích là làm nhẹ đi đặc tính gây nghiện, gây hại, gây ngộ độc cấp và mãn tính của rượu, bia. Cụm từ "có trách nhiệm" đã khiến cho không ít người, kể cả những người có trình độ và vị thế xã hội lầm tưởng hoặc có đủ tri thức để hiểu nhưng vì một lý do nào đó cố gắng cho rằng rượu, bia vô hại và chỉ có người uống là có lỗi, hoán đổi hoàn toàn trách nhiệm của ngành công nghiệp rượu, bia sang người uống. Do vậy việc tuyên truyền cũng phải phù hợp”, Bà Trần Thị Trang, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết.

Theo đó, để hạn chế tác hại của rượu, bia không chỉ dừng ở các khẩu hiệu hô hào như: “Uống rượu bia thì không lái xe” mà quan trọng là việc làm sao để kiểm soát, hạn chế tính sẵn có, phổ biến và dễ dãi trong sử dụng rượu, bia của người dân Việt Nam hiện nay. Điều này đặt ra yêu cầu việc thực hiện Luật phòng chống tác hại của rượu bia phải thật sự nghiêm túc để dần dần nâng cao ý thức của người dân.

 

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Xử lý mạnh tay, quyết liệt với lái xe sử dụng rượu bia, ma túy
Xử lý mạnh tay, quyết liệt với lái xe sử dụng rượu bia, ma túy

Với chủ đề Năm An toàn giao thông 2020 “Đã uống rượu bia - Không lái xe”, thời gian tới sẽ xử lý mạnh tay, quyết liệt, tăng cường thanh tra kiểm soát các doanh nghiệp, lái xe sử dụng ma túy, rượu bia khi tham gia giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, mang lại sự yên tâm cho người dân bởi sinh mạng con người là cao quý nhất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN