Cụ thể, chị Đỗ Thị P. (nữ, 38 tuổi, trú tại Hà Nội) là công nhân, bị tai nạn tóc quấn vào máy tạo ren sắt lúc 8h30 ngày 2/11/2019 khiến toàn bộ da đầu bị giật đứt rời. Người bệnh được sơ cứu tại bệnh viện địa phương và chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vào trưa cùng ngày.
Bệnh nhân P. vào viện trong tình trạng mạch nhanh, huyết áp thấp, vùng đầu được băng dày nhiều lớp nhưng vẫn chảy máu nhiều do diện lột da quá lớn, mảnh da đầu bị băm rách nhiều đường đã được bảo quản lạnh. Kíp trực cấp cứu và kíp trực chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ đã nhanh chóng hội chẩn, đánh giá tổn thương và toàn trạng người bệnh. Cùng lúc đó, một phòng mổ cấp cứu vi phẫu đã được kíp gây mê hồi sức chuẩn bị sẵn.
Ca mổ kéo dài gần 12 giờ đồng hồ và kết thúc vào rạng sáng 3/11/2019.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ, cho biết: “Đây có lẽ là trường hợp lột da đầu rộng và dập nát nhất từ trước tới nay. Da lột toàn bộ từ mi mắt hai bên đến gáy, bị giằng xé dập nát, rách thành nhiều đường, chỉ còn nối với nhau bởi các cầu da nhỏ, điều này cản trở nghiêm trọng quá trình tái tưới máu sau khi phục hồi lại mạch. Gặp những tổn thương này, việc sơ cấp cứu ban đầu là rất quan trọng. Việc hồi sức, cầm máu tốt, bảo quản đúng và kịp thời chuyển người bệnh đến cơ sở có đủ khả năng phẫu thuật càng sớm càng tốt sẽ giúp tăng khả năng thành công của phẫu thuật”.
Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Trung Trực, Phó trưởng khoa Khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ, người trực tiếp tham gia ca mổ, cho biết: “Đây là ca phẫu thuật phức tạp, thời gian mổ kéo dài tới gần 12 giờ đồng hồ nên cần phải đủ các yếu tố về nhân lực và vật lực cũng như sự phối hợp nhịp nhàng và đồng đều giữa các chuyên khoa trong bệnh viện. Bên cạnh phần da đầu bị lột rộng thì vết thương còn kéo dài qua má xuống tận cằm, lật toàn bộ một bên mặt gây đứt thần kinh mặt và ống tuyến nước bọt mang tai, tổn thương này làm kéo dài thêm thời gian phẫu thuật vài giờ đồng hồ. Người bệnh được truyền đến hàng chục lít máu, chế phẩm máu và dịch trong ca mổ. Việc phục hồi mạch máu cũng gặp nhiều khó khăn do các mạch máu ở vùng thái dương hai bên bị dập nát. Các bác sĩ đã phải lấy các tĩnh mạch ở mu bàn chân và ngón chân để làm các cầu nối ghép từ vùng trước tai lên đỉnh đầu. Mạch máu nhỏ nhất được ghép nối ở đây là nhánh mạch trên ròng rọc của ổ mắt với kích thước chỉ khoảng 0,7 mm, nhỏ hơn cả đầu que tăm và chỉ khâu siêu vi phẫu 11/0”.
Sau ca mổ 2 tuần, hiện tại người bệnh đi lại ổn định và ăn uống tốt, phần da đầu lột được nối lại và sống tốt, tóc đã bắt đầu mọc trở lại.
Các bác sĩ lưu ý, người lao động nói chung, đặc biệt là những ai có nguy cơ bị quấn tóc hay quần áo vào máy móc, cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn lao động để tránh các tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.