Trước đó ngày 22/10, bé L.Q.T được sinh ra trong tình trạng bình thường, cân nặng 3,2 kg, bú được. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, người nhà phát hiện bé không có lỗ hậu môn và đã đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.
Qua kiểm tra, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi L.Q.T bị dị tật bẩm sinh, không có lỗ hậu môn nên được chỉ định phẫu thuật tái tạo lỗ hậu môn mới cho bé. Tiến hành phẫu thuật, các bác sĩ đã đặt hậu môn mới vào đúng cơ thắt của hậu môn, sau đó, dùng máy kích thích thần kinh ngoại biên tìm cơ vòng, trực tràng. Sau khi tìm được, các bác sĩ đưa trực tràng vào đúng tâm cơ thắt và thực hiện khâu nối giữa da hậu môn, cơ và trực tràng.
Bác sĩ Vũ Công Tầm, Trưởng khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, cái khó nhất của ca này là bệnh nhi không có hậu môn bên ngoài nên ruột, trực tràng cũng mất luôn khiến cho các đường tiêu hóa thông với các đường bài tiết khác như bàng quang, niệu đạo, âm đạo… Bệnh nhi L.Q.T không có hậu môn nhưng may mắn có một lỗ dò kích thước bằng cái đầu bút bi, nên bé vẫn rỉ ra được chút hơi và phân nên chưa có những triệu chứng như chướng bụng, tiểu ra phân.
Trường hợp này nếu bệnh nhi không được phẫu thuật tạo hình hậu môn, khi trẻ ăn thức ăn và hít không khí không có đường thoát, để lâu trẻ sẽ bị chướng bụng, thức ăn tích tụ ở đường ruột gây ra tình trạng tắc ruột, vỡ ruột, từ đó phân sẽ tràn ra ổ bụng gây nhiễm trùng nặng và nguy cơ tử vong cao.
Bác sĩ Vũ Công Tầm cho biết, dị tật thiếu hậu môn là bệnh hiếm gặp, chỉ xảy ra với tỷ lệ 1/5.000 trẻ sơ sinh. Hiện nay, y học thế giới vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể gây ra dị tật này.
Các bác sĩ khuyến cáo, đối với những trẻ không may mắc phải dị tật này, khi đã được tái tạo hậu môn cho trẻ, người nhà phải thường xuyên thực hiện những thao tác nong hậu môn cho trẻ tới khi 3 tuổi theo hướng dẫn của bác sĩ. Vì đã có nhiều trường hợp gia đình không thực hiện nong hậu môn cho trẻ nên đã bị bít dần lại.