Khó khăn cần tháo gỡ
Theo Sở Y tế Hà Nội, khó khăn nhất hiện nay là chưa có chính sách thu hút bác sĩ về công tác tại tuyến y tế cơ sở. Do vậy, nhiều năm nay, Hà Nội rất khó khăn trong việc tuyển bác sĩ về công tác tại các trạm y tế.
Các trạm y tế hầu như không tuyển được bác sĩ, nếu tuyển được thì chủ yếu là bác sĩ y học cổ truyền. Tỉ lệ quỹ bảo hiểm y tế chi cho khám chữa bệnh tại y tế cơ sở rất thấp, chỉ chiếm khoảng 5% quỹ bảo hiểm y tế, trong khi khám chữa bệnh tại y tế cơ sở khoảng 30% tổng số lượt bệnh nhân khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, việc đầu tư cơ sở vật chất cho các trạm y tế để duy trì tiêu chuẩn quốc gia y tế xã ở nhiều tuyến ngoại thành Hà Nội còn khó khăn.
Để nâng cao năng lực cho y tế xã, Sở Y tế đề xuất cần có cơ chế chung khuyến khích hoặc luân phiên bác sĩ công tác tại mạng lưới y tế cơ sở theo kỳ hạn, đặc biệt là tại trạm y tế; đồng thời quy định về số lượng cán bộ tại trạm y tế theo tỉ lệ dân cư trên địa bàn; tăng tỉ lệ đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến y tế cơ sở.
Ngay tại các trạm y tế điểm cũng gặp khó khăn trong vấn đề nhân lực. Bà Trần Thị Mai Hương, Trạm trưởng Trạm y tế xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, cho biết việc ứng dụng công nghệ thông tin nhằm giảm bớt các thủ tục hành chính, dồn nhân lực phục vụ khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Nhưng thực tế hiện nay, các trạm y tế phải chạy “3 phần mềm”, các phần mềm này lại chưa liên thông với nhau. Trạm có 7 y, bác sĩ thì mất 3 người phải trực máy, nên những lúc đông bệnh nhân, cán bộ y tế phải gồng mình mới giải quyết xong công việc. Mặt khác, việc quản lý theo mô hình bác sĩ gia đình phải liên tục, nhưng do phần mềm chưa liên thông nên cũng khó thực hiện. Bệnh nhân lên tuyến trên khám chữa bệnh thì trạm y tế cũng không nhận được phản hồi từ tuyến trên về. Đây là khó khăn của trạm y tế khi hoạt động theo nguyên lý bác sĩ gia đình.
Tăng cường nhân lực cho trạm y tế
Để tháo gỡ khó khăn về nhân lực cho y tế cơ sở, thời gian qua, Bộ Y tế đã tổ chức nhiều chương trình đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở. Đồng thời, Bộ Y tế cũng đưa giảng viên về các huyện đào tạo cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở thay vì phải lên tuyến trên với nhiều chương trình đào tạo khác nhau; thực hiện việc luân chuyển để đưa cán bộ y tế cơ sở vào bệnh viện tuyến trên, qua đó nâng cao kỹ năng lâm sàng và năng lực thực hành.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã ban hành các Thông tư 16/2014 hướng dẫn thí điểm về bác sĩ gia đình và phòng khám bác sĩ gia đình; Thông tư 39/2017 quy định gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến y tế cơ sở với 76 danh mục, nhằm giảm tải cho tuyến trên.
Những năm qua, với sự hỗ trợ của Liên minh Châu Âu và Ngân hàng Thế giới trong mở rộng việc đào tạo nhân lực cho tuyến y tế cơ sở tại các tỉnh khó khăn thông qua dự án “Giáo dục và đào tạo nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế” - dự án HPET, dự án đã tổ chức đào tạo nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe ban đầu theo nguyên lý y học gia đình cho 26 trạm y tế mô hình điểm trên địa bàn toàn quốc, trong đó có 4 trạm y tế điểm của Hà Nội về lập hồ sơ quản lý sức khỏe toàn dân theo nguyên lý y học gia đình và hàng nghìn trạm y tế xã khác trên toàn quốc.
Tại đây, cán bộ y tế được đào tạo chăm sóc sức khỏe ban đầu theo nguyên lý y học gia đình để quản lý các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng như: Tăng huyết áp, đái tháo đường và thực hiện lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho người dân.Qua thực tiễn triển khai đào tạo của dự án HPET cho thấy vẫn còn bất cập, trong đó cần sớm có hướng tháo gỡ về việc cấp chứng chỉ hành nghề lĩnh vực y học gia đình cho các bác sĩ đã học xong chương trình định hướng y học gia đình 3 tháng; bổ sung đối tượng đào tạo là cán bộ đang làm việc tại trạm y tế để phục vụ công tác luân chuyển cán bộ và chỉ đạo điều hành; bổ sung thêm đào tạo phục hồi chức năng tại trạm y tế trong chương trình đào tạo.
Bộ Y tế cũng xây dựng đề án “Tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực chuyên môn cho y tế xã, phường giai đoạn 2019 - 2025”. Trong đó, đề án có nội dung cử cán bộ chuyên môn chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các trạm y tế xã, phường, nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho nhân viên y tế xã, phường.
Để tăng cường nhân lực và chất lượng nguồn nhân lực cho trạm y tế, ngành Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với Trường Đại học Y Hà Nội đào tạo liên thông cho bác sĩ y học dự phòng. Từ năm 2013 đến năm 2018 đã đào tạo cho 180 bác sĩ. Ngoài ra, từ năm 2014 đến hết năm 2018 cũng đã cử 403 bác sĩ đa khoa đi học chứng chỉ về bác sĩ gia đình, phủ kín toàn bộ 403 trạm y tế trên địa bàn có bác sĩ đa khoa được học chứng chỉ bác sĩ gia đình. Cùng với đào tạo bác sĩ, ngành Y tế tiếp tục chú trọng đào tạo y sĩ y học cổ truyền để người dân được khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe tốt hơn bằng phương pháp y học hiện đại kết hợp với y học cổ truyền ngay tại trạm y tế.
Tại đợt kiểm tra 4 trạm y tế điểm của Thủ đô mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ghi nhận những kết quả bước đầu mà các trạm đã đạt được. Bộ trưởng cho biết, kinh nghiệm các nước và thực tiễn cho thấy có khoảng 80% - 90% số người dân bị bệnh nhẹ đều có thể được khám, điều trị tại tuyến y tế cơ sở. Đây là tuyến chăm sóc hiệu quả cho người mắc các bệnh mãn tính và những bệnh nhẹ, vừa giảm chi phí, vừa tránh được tình trạng bị bệnh nặng mới đi chữa trị. Chính vì vậy, ngành Y tế phải quyết tâm nhân rộng mô hình trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình. Trong 10 năm tới sẽ phải hình thành mạng lưới y tế cơ sở phủ khắp toàn quốc. Để làm được điều đó, Sở Y tế các địa phương cần phải đưa nhân lực, nhất là các bác sĩ giỏi xuống trạm y tế.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, mô hình này cũng sẽ được nhân rộng và thu hút ngày càng nhiều người dân đến khám, chữa bệnh, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Ngành Y tế Thủ đô sẽ tiếp tục cử các bác sĩ tuyến thành phố luân phiên về hỗ trợ, “cầm tay chỉ việc” tại trạm y tế, đồng thời thường xuyên tổ chức tập huấn, đào tạo nhân lực tuyến y tế cơ sở. Đặc biệt, Sở Y tế Hà Nội sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp, tạo môi trường làm việc tốt để bác sĩ yên tâm công tác, gắn bó và đóng góp nhiều hơn nữa cho các trạm y tế.