Phát triển y tế cơ sở ở Hà Nội - Bài 1: Chuyển mình để hút bệnh nhân

Hệ thống trạm y tế ở Hà Nội đang chuyển mình đổi mới để thu hút người dân, góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.

Chú thích ảnh
Hà Nội triển khai thí điểm khám sức khỏe và lập hồ sơ điện tử quản lý sức khỏe cá nhân cho người dân tại phường Phúc Đồng, quận Long Biên. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Đầu tư cho chăm sóc sức khỏe ban đầu hiệu quả hơn gấp nhiều lần so với việc đầu tư cho kỹ thuật cao ở tuyến trên là kinh nghiệm đã được nhiều nước trên thế giới đúc kết và huy động các nguồn lực tài chính khác nhau để đầu tư. Ở Việt Nam, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã xác định y tế cơ sở là nền tảng và định hướng xây dựng hệ thống y tế công bằng, hiệu quả và phát triển. Thời gian qua, thành phố Hà Nội và ngành Y tế đã cụ thể hóa Nghị quyết trên bằng nhiều giải pháp nâng cao năng lực cho y tế cơ sở.

Xu thế tất yếu

Mô hình trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình được chú trọng phát triển tại nhiều quốc gia trên thế giới và được người dân tin tưởng lựa chọn. Vai trò của y tế cơ sở rất quan trọng, được coi là nền tảng, xương sống của hệ thống y tế; đồng thời là tuyến đầu, “người gác cổng” của hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Mặt khác, y tế cơ sở là nơi người dân được tiếp cận với chi phí thấp, từ đó thu hút bệnh nhân đến khám chữa bệnh, góp phần giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên. Chính vì thế, việc triển khai trạm y tế xã, phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình với 6 nguyên tắc: Liên tục - toàn diện - lồng ghép - phối hợp - dự phòng - gia đình - cộng đồng là xu thế tất yếu giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân một cách hiệu quả.

Để đổi mới hoạt động của trạm y tế, từ năm 2018, Bộ Y tế đã khảo sát, lựa chọn 26 xã, phường, thị trấn thuộc 8 tỉnh, thành phố triển khai mô hình trạm y tế điểm hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, trong đó có 4 trạm y tế của Hà Nội gồm trạm y tế phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông), phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm), xã Tân Hội (huyện Đan Phượng) và xã Minh Châu (huyện Ba Vì).  

Theo đó, các trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình sẽ tập trung truyền thông giáo dục, nâng cao sức khỏe; lập và quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân để từng bước phấn đấu thực hiện mục tiêu mọi người đều được theo dõi, tư vấn, khám sức khỏe ít nhất 1 lần/năm, phấn đấu đạt mục tiêu 90% dân số vào năm 2020 và 100% dân số vào năm 2025 được quản lý sức khỏe.

Các trạm cũng thực hiện quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm, trước mắt là các bệnh huyết áp, đái tháo đường, tim mạch tại trung tâm y tế xã, chăm sóc sức khỏe trẻ em, người cao tuổi; công tác dân số; phòng bệnh, tập trung triển khai tốt công tác tiêm chủng, thực hiện các dự án, hoạt động của chương trình mục tiêu y tế - dân số, khám, sàng lọc, phát hiện sớm bệnh tật… Về dược và y dược cổ truyền, tập trung xây dựng danh mục thuốc sử dụng tại trạm y tế phù hợp với trình độ, khả năng chuyên môn và cung cấp đầy đủ thuốc theo danh mục để trạm y tế xã có thuốc phục vụ người bệnh.

Các trạm y tế điểm được nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị, tăng cường nhân lực, được phê duyệt danh mục kỹ thuật theo gói dịch vụ y tế cơ bản theo quy định. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, tại các trạm y tế được lựa chọn thí điểm đã có các bác sĩ của 4 bệnh viện tuyến Trung ương về hỗ trợ công tác chuyên môn. Mặt khác, Sở Y tế đã giao cho từng bệnh viện tuyến huyện hỗ trợ các trạm y tế. Sau khi các trạm y tế điểm được chọn thí điểm triển khai hoạt động, tại mỗi quận, huyện sẽ lựa chọn 2 trạm y tế tiếp tục nhân rộng.

Trạm y tế điểm hút bệnh nhân

Chú thích ảnh
Điểm cân, đo và cho trẻ uống Vitammin A trạm y tế phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Sau hơn nửa năm triển khai mô hình trạm y tế điểm, với sự hỗ trợ chuyên môn từ các bệnh viện tuyến trên, các trạm y tế đã tích cực nâng cao chất lượng khám chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình, phòng chống dịch bệnh và thực hiện tốt các chương trình y tế, thu hút người dân đến khám chữa bệnh… 

Cơ sở vật chất các trạm y tế điểm khang trang, hiện đại, huy động nhiều bệnh nhân đến khám chữa bệnh. Các phòng chức năng được bố trí khoa học, trang bị đầy đủ các thiết bị sơ cấp cứu ban đầu và khám chữa bệnh như: Máy siêu âm, điện tim, máy xét nghiệm nước tiểu, đường huyết...

Xã Minh Châu (huyện Ba Vì) ở xa trung tâm Thủ đô, sau khi được đầu tư trang thiết bị và được các bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội tập huấn khám sàng lọc tăng huyết áp và Bệnh viện Châm cứu Trung ương cử bác sĩ đến khám chữa bệnh tại trạm mỗi tuần/lần, công tác khám chữa bệnh tại trạm đã phát huy hiệu quả.

Sau hơn nửa năm thực hiện mô hình điểm, trạm y tế xã đã thực hiện được gần 2.000 lượt thủ thuật điện châm, thủy châm, xoa bóp, bấm huyệt; quản lý bệnh tăng huyết áp cho 223 bệnh nhân; lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho 5.845/6.153 người dân; đã lập dự trù và mua thuốc theo Thông tư 39/2018/TT - BYT của Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp.
 
Cơ sở vật chất khang trang, sạch sẽ, đông bệnh nhân đến khám là ấn tượng đầu tiên khi đến các trạm y tế điểm. Tại Trạm y tế xã Tân Hội, ông Nguyễn Hữu Tiến, cụm 7, xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, cho biết ông vốn công tác tại trạm xá này từ năm 1975, khi đó trạm chỉ có 3 - 4 gian nhà lợp ngói và vài cán bộ, nhân viên y tế. 

“Dân số đông, nông thôn phát triển, giờ đây trạm xá đã thay đổi nhiều, hiện đại, khang trang hơn hẳn xưa. Cán bộ, nhân viên y tế thì nhiệt tình. Gia đình và hàng xóm của tôi đều đăng ký bảo hiểm y tế ở đây cả. Hàng tháng tôi đều đến trạm khám bệnh, lấy thuốc. Đối với những bệnh ở trạm không chữa được tôi mới phải lên tuyến trên”, ông Tiến chia sẻ. 

Bà Nguyễn Thị Chinh (70 tuổi, ở xã Tân Hội, huyện Đan Phượng) cũng thường xuyên đến Trạm y tế xã Tân Hội để khám bệnh và lấy thuốc huyết áp. Bà Chinh cho biết, trước đây mỗi khi ốm đau tôi thường đến bệnh viện vì lo ngại về trình độ y, bác sĩ cũng như trang thiết bị ở trạm y tế không tốt. Nhưng nay trạm y tế xã được đầu tư khang trang lại được các bác sĩ trung ương về hỗ trợ chuyên môn nên tôi cũng yên tâm khi đến đây khám bệnh.

Theo bà Trần Thị Hoa, Trạm trưởng Trạm y tế phường Tây Mỗ, huyện Từ Liêm, người dân phấn khởi khi đến trạm y tế được các bác sĩ của bệnh viện tuyến trung ương, thành phố trực tiếp khám bệnh. Bên cạnh đó, họ cũng nhận thấy rõ lợi ích của công tác quản lý bệnh không lây nhiễm theo mô hình bác sĩ gia đình. Khi mệt mỏi, người dân có thể ra ngay trạm y tế thăm khám, phát hiện và điều trị bệnh sớm mà không phải chờ đợi như đến các bệnh viện tuyến trên. 

Với sự đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như hỗ trợ chuyên môn từ các bệnh viện tuyến, các trạm y tế điểm ở Hà Nội bước đầu đã tạo được lòng tin, thu hút người dân địa phương đến khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Theo thống kê sơ bộ của Sở Y tế Hà Nội, sau khi triển khai mô hình điểm, 4 trạm y tế điểm trên địa bàn Thủ đô đã thu hút lượng bệnh nhân tăng từ 40% đến 50% so với trước. Tuy nhiên, để nâng cao năng lực cho các trạm y tế, khó khăn nhất hiện nay của các trạm y tế là vấn đề nhân lực và chất lượng nguồn nhân lực, đòi hỏi ngành y tế phải sớm có giải pháp tháo gỡ để người dân yên tâm khi đến trạm y tế xã.

Bài cuối: Giải bài toán nguồn nhân lực

Tuyết Mai (TTXVN)
Nâng cao hơn nữa chất lượng y tế cơ sở, giảm quá tải cho tuyến trên
Nâng cao hơn nữa chất lượng y tế cơ sở, giảm quá tải cho tuyến trên

Ngày 8/7, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu, đã làm việc tại tỉnh Ninh Bình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN