Lễ diễu hành nhân Tháng hành động Quốc gia về Dân số và Ngày Dân số Việt Nam. |
Một trong những nổi dung nổi bật của Tháng hành động là tích cực triển khai tầm soát, sàng lọc dị tật thai nhi trước và sơ sinh. Theo đó, Việt Nam phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh đạt 70%, phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến, 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh phổ biến.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết: Hiện nay số trẻ bị dị tật bẩm sinh đang chiếm từ 1,5- 2%, hiện có khoảng 22.000- 30.000 trẻ em có bệnh tật bẩm sinh. Vì thế việc tầm soát, chẩn đoán các bệnh bẩm sinh trước và sơ sinh là rất cần thiết.
Tổng cục dân số, Bộ Y tế đang triển khai Đề án tầm soát, chẩn đoán bệnh tật trước sinh và sơ sinh trên 63/63 tỉnh, thành trên cả nước. Tại Trung ương, người dân có thể đến 6 trung tâm sàng lọc là: Bệnh viện Nhi Trung ương; Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội), Bệnh viện Từ Dũ TP. HCM, trường Đại học Y Dược Huế, Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ; Trung tâm sàng lọc trước sinh và sơ sinh tỉnh Nghệ An.
Tại các tuyến quận, huyện, thai phụ có thể đến Trung tâm Dân số- Kế hoạch hoá gia đình để được tư vấn, khám sàng lọc, phát hiện sớm những bất thường hay dị tật thai nhi.
Bên cạnh tuyên truyền, phổ biến việc tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh, trọng tâm công tác dân số thời gian tới còn tập trung vào: Duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm tốc độ mất cân bằng giới tính; tăng cường chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi tại cộng đồng; tăng số lượng người sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại...
Tại Lễ phát động còn diễn ra hoạt động diễu hành, tuyên truyền tại địa bàn để hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về Dân số và Ngày Dân số Việt Nam.