Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 08/TT-BYT bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có Thông tư số 14/2020/ TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập.
Trước đó, có những vấn đề được cho là vướng mắc với các cơ sở y tế trong Thông tư 14 là về nội dung liên quan đến giá gói thầu.
Cụ thể, hướng dẫn của Thông tư 14 về giá gói thầu được xây dựng trên cơ sở tổng mức đầu tư hoặc dự toán đối với dự án, giá gói thầu là tổng giá trị của gói thầu được tính đúng, tính đủ toàn bộ chi phí để thực hiện gói thầu, kể cả chi phí dự phòng, phí, lệ phí và thuế. Trường hợp gói thầu chia làm nhiều phần, thì ngoài việc ghi tổng giá trị của gói thầu, mỗi phần đều phải ghi rõ danh mục, số lượng, đơn vị, đơn giá và tổng giá trị của phần đó theo quy định tại Khoản 1 Điều này.
Đặc biệt, khi lập dự toán giá gói thầu, cơ sở y tế phải tham khảo giá trang thiết bị y tế trúng thầu trong vòng 12 tháng trước đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và Bộ Y tế để làm cơ sở xây dựng đơn giá của từng trang thiết bị y tế.
Cụ thể, giá kế hoạch của trang thiết bị y tế không được cao hơn giá trúng thầu của trang thiết bị y tế đó đã thực hiện hoặc giá trúng thầu đã công bố. Trường hợp giá cao hơn phải giải trình, thuyết minh cụ thể. Đối với những trang thiết bị y tế chưa có giá trúng thầu được đăng tải, khi lập và xác định giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu, cần căn cứ theo các tài liệu hướng dẫn của Luật đấu thầu số 43/2013/QH13, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn đấu thầu có liên quan về xây dựng giá gói thầu bảo đảm phù hợp với giá trang thiết bị y tế đó trên thị trường tại thời điểm lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Đây được coi là vướng mắc trong quá trình đấu thầu, mua sắm trang thiết bị khi khó có thể lựa chọn được nhà thầu có giá trúng phù hợp với hướng dẫn.
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: Trước đó, việc mua sắm vật tư của bệnh viện hết sức khó khăn bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có những quy định trong Thông tư 14 của ngành Y tế. Nhất là quy định phải dựa vào các báo giá gần nhất trong 12 tháng trúng thầu. Thực tế, trong vòng 12 tháng qua, thậm chí hơn 2 năm qua, vật tư thiết bị y tế chủ yếu phục vụ chống dịch, hợp đồng trúng thầu trong 12 tháng gần nhất là vô cùng khó khăn, khiến các bệnh viện không thể tìm được hợp đồng trúng thầu.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng thừa nhận, điều này là không phù hợp với quy luật kinh tế thị trường.
Thời gian qua, các cơ sở y tế, các bệnh viện đã phải đối mặt với khó khăn trong việc mua sắm trang thiết bị, dẫn tới tình trạng thiếu trang thiết bị y tế, nhiều dịch vụ y tế không triển khai được, người bệnh phải chịu rất nhiều thiệt thòi.
Theo các chuyên gia, việc bãi bỏ những quy định không còn phù hợp là cần thiết để gỡ vướng cho các cơ sở y tế hiện nay. Trước những khó khăn của các cơ sở y tế về mua sắm trang thiết bị, thời gian qua, Bộ Y tế đã nỗ lực gỡ các nút thắt, tạo cơ chế thông thoáng để giải quyết những vướng mắc trước mắt.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành tham mưu để giải quyết triệt để vấn đề thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế; nỗ lực tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn; chỉ đạo đẩy mạnh việc thực hiện mua sắm, cung ứng đủ thuốc, trang thiết bị y tế; đặc biệt tập trung tháo gỡ những khó khăn về mặt pháp lý.
Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2003/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế, Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 4/3/2023 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế, được coi là những giải pháp cấp bách tạm thời khiến các bệnh viện rất phấn khởi.
Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, khi Nghị quyết 30 ra đời, tuy là giải pháp tạm thời nhưng với các quy định hết sức cần thiết, thuận lợi cho việc tổ chức mua sắm đấu thầu, nhất là quy định về báo giá đã rất rõ ràng để các bệnh viện thực hiện, khắc phục những khó khăn trước đó. Khắc phục khó khăn trong mua sắm trang thiết bị y tế, các đơn vị y tế cũng đề nghị cần khẩn trương sửa đổi Luật Đấu thầu để giải quyết căn cơ vấn đề thiếu thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị y tế.
Cụ thể, cần có những quy định riêng dành cho thuốc và trang thiết bị y tế với sự tham gia của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… Bộ Y tế cho biết, bộ đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành sửa Luật Đấu thầu theo hướng được phép mua sắm trang thiết bị theo phân nhóm các nước sản xuất.
Đặc biệt, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi cũng đã quy định về nội dung bệnh viện được sử dụng máy mượn, khắc phục tình trạng khoảng trống về pháp lý. Bộ Y tế cũng đang xây dựng Thông tư hướng dẫn xây dựng giá gói thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các bệnh viện, cơ sở y tế.