Trong số đó phần lớn là trẻ em mắc cúm A, cúm B và cúm virus hợp bào hô hấp RSV.
Tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh Ninh Bình, 1 tháng trở lại đây, mỗi ngày tại Khoa Khám bệnh tiếp nhận từ 200 đến 250 trẻ đến thăm khám các vấn đề về sốt, viêm đường hô hấp và tiêu hóa, tăng cao so với trước đó gấp 3 lần. Để không xảy ra tình trạng quá tải, bệnh viện bố trí thêm cán bộ y, bác sĩ các khoa nội trú; tích cực khám sàng lọc, phân loại bệnh nhân đối với từng loại và diễn biến bệnh để điều trị ngoại trú, theo dõi tại nhà; tư vấn, hướng dẫn khi người dân có vấn đề về sức khỏe gọi trực tiếp đến bệnh viện để được hỗ trợ kịp thời...
Bác sỹ Vũ Thị Son, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản nhi tỉnh Ninh Bình cho biết, từ đầu tháng 3 đến nay, lượng bệnh nhân liên quan đến đường hô hấp, tiêu hóa, với các triệu chứng nôn, sốt, tiêu chảy, đau họng, ho…là trẻ em tăng nhiều. Khoa đang điều trị cho hơn 50 trẻ, trong đó chủ yếu là trẻ mắc cúm A, cúm B và cúm virus hợp bào hô hấp RSV. Trẻ mắc bệnh phần lớn dưới 5 tuổi, thậm chí có cả ở trẻ sơ sinh.
Nguyên nhân trẻ nhỏ bị cúm tăng đột biến là do khí hậu thay đổi thất thường, độ ẩm không khí tăng cao là điều kiện thuận lợi cho các virus lây truyền qua đường hô hấp phát triển nhanh, trong khi trẻ em dưới 5 tuổi miễn dịch kém. Cùng với đó là cách chăm sóc trẻ em của nhiều gia đình chưa phù hợp, vệ sinh chưa tốt, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm chưa được quan tâm… dẫn đến trẻ bị nhiễm vi khuẩn. Bên cạnh đó, công tác tiêm phòng cho trẻ phòng, chống các bệnh về đường hô hấp chưa được cha mẹ trẻ quan tâm và đạt tỷ lệ chưa cao.
Bệnh cúm nói chung, cúm A nói riêng là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính thường xảy ra vào mùa đông xuân, xuân hè khi chuyển giao giữa hai mùa. Bệnh gây ra bởi các chủng của virus cúm A và lây lan qua đường hô hấp thông qua các hạt bụi, giọt nước li ti dính virus khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc qua tiếp xúc với các đồ vật nhiễm virus rồi đưa lên mắt, mũi, miệng. Các triệu chứng điển hình của bệnh gồm ho, đau đầu; sưng hạch hầu họng, viêm, đau nhức vòm họng; sốt cao trên 38.5 độ và kéo dài; cơ thể mệt mỏi, đau nhức xương, cơ nặng, tê bì chân tay; buồn nôn, nôn mửa (thường thấy ở trẻ em); nhiều khi bệnh nặng sẽ có cảm giác khó thở, viêm phổi... Cúm A là một loại cúm mùa phổ biến với cả người lớn và trẻ nhỏ. Thời điểm giao mùa, thời tiết thất thường và độ ẩm không khí cao như hiện nay đang là môi trường thuận lợi để cúm A phát triển mạnh, thậm chí có nguy cơ bùng thành dịch.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh theo mùa, ngành Y tế tỉnh Ninh Bình đã tăng cường các biện pháp tuyên truyền cho người dân, chủ động tiêm vaccine cho những loại bệnh đã có thuốc dự phòng; tăng cường giám sát phát hiện điểm nguy cơ có thể bùng phát dịch; khuyến cáo, phòng ngừa diễn tiến nặng của bệnh. Khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh cúm cần được đưa đến cơ quan y tế đủ tin cậy để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, tránh trường hợp để bệnh quá nặng hoặc tự mua thuốc kháng sinh điều trị dẫn đến nguy cơ kháng thuốc và không đúng phác đồ điều trị, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.