Những người điều dưỡng đã ‘xả thân’ đóng góp chống dịch COVID-19

Các cán bộ điều dưỡng đã có những công lao không nhỏ giúp Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh khi "xả thân" với các nhiệm vụ chăm sóc người bệnh, kiểm soát nhiễm khuẩn...

Chú thích ảnh
Bộ Y tế tôn vinh các cán bộ điều dưỡng có thành tích xuất sắc. Ảnh: LH

Tại Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hội điều dưỡng Việt Nam tổ chức ngày 17/12, Ths. Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam đánh giá: "Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 thời gian qua, vai trò của các điều dưỡng đã được khẳng định. Trong cuộc chiến này, hàng ngàn điều dưỡng của Việt Nam đã can đảm và chuyên nghiệp sẵn sàng đối đầu với dịch bệnh. Đặc biệt, Việt Nam đã có gần 40 cán bộ y tế nhiễm COVID-19, trong đó có nhiều điều dưỡng. Trong đại dịch COVID-19 cũng là lúc thấy được rõ sự đóng góp của các điều dưỡng với vai trò là những “chiến sĩ” tuyến đầu khi họ sẵn sàng dấn thân vào nơi nguy hiểm, phối hợp với các thầy thuốc, trong sàng lọc người bệnh, tổ chức cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, theo dõi, chăm sóc và là chỗ dựa về tinh thần cho người bệnh COVID-19".

Thực tế cho thấy, các cán bộ điều dưỡng đã có những đóng góp công lao không nhỏ giúp Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh. Đặc biệt là họ đã làm tốt nhiệm vụ theo dõi, chăm sóc cho những người bệnh COVID-19 nặng, người bệnh nguy kịch trong các phòng bệnh cách ly; cùng các thầy thuốc giành giật lại sự sống cho những ca bệnh nặng.

Phát huy vai trò của người điều dưỡng, suốt 30 năm qua, Hội Điều dưỡng Việt Nam đã trở thành một tổ chức đại diện cho tiếng nói của hội viên cả nước và đang vững bước trên con đường thực hiện sứ mệnh: Bên cạnh công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo liên tục, Hội đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế ban hành những chính sách, quy chuẩn về điều dưỡng; mở rộng hợp tác quốc tế; xây dựng mạng lưới trên 120.000 hội viên trên cả nước.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, hiện nay không ít người vẫn chưa có nhận thức đúng về vị trí, vai trò của ngành điều dưỡng trong y học và y tế. Vẫn còn quan niệm điều dưỡng là người hỗ trợ kỹ thuật đơn thuần cho bác sĩ hay chỉ thực hiện y lệnh của bác sĩ. Khi nói tới điều dưỡng một số người vẫn gọi là y tá. Vì vậy, vị thế nghề nghiệp của người làm công việc chăm sóc người bệnh chưa được đánh giá đúng so với vị thế của người bác sĩ. Bên cạnh đó về mặt đào tạo, mặc dù đã có các khoa, các trường đào tạo điều dưỡng cao đẳng, đại học và sau đại học nhưng do thiếu đội ngũ trí thức điều dưỡng được đào tạo ở trình độ cao nên việc đào tạo vẫn mang dáng dấp của đào tạo bác sĩ; đa số giảng viên dạy điều dưỡng là bác sĩ dẫn đến kiến thức và kỹ năng truyền đạt là kiến thức và kỹ năng của bác sĩ… Bộ Y tế thấy rằng đã đến lúc y tế Việt Nam cần đổi mới một cách căn bản và toàn diện về công tác điều dưỡng chăm sóc người bệnh.

 

Tạ Nguyên/báo Tin tức
Bác sỹ, điều dưỡng Thừa Thiên - Huế tình nguyện chi viện cho Đà Nẵng
Bác sỹ, điều dưỡng Thừa Thiên - Huế tình nguyện chi viện cho Đà Nẵng

Chiều 10/8, thành phố Huế, Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức Lễ ra quân bác sỹ, điều dưỡng tình nguyện chi viện thành phố Đà Nẵng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN