Bệnh nhân cúm nặng điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Chưa có bất thường
Thời gian gần đây, tại các cơ sở y tế đã ghi nhận gia tăng số ca mắc cúm; trong đó có nhiều ca nặng, thậm chí nguy kịch.
Trước lo ngại về dịch cúm diễn biến phức tạp hiện nay, theo đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), số trường hợp mắc cúm gia tăng cục bộ từ cuối năm 2024 và trong thời gian dịp Tết Nguyên đán năm 2025. Từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận khoảng 912 trường hợp mắc cúm, không có ca tử vong. Tuy nhiên, không có sự gia tăng đột biến so với số mắc được ghi nhận cùng kỳ hàng năm. Hiện các tác nhân chủ yếu gây ra dịch cúm hiện nay là các chủng: Cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.
So với cùng kỳ năm 2024, số ca mắc cúm giảm 97,4%. Đặc biệt, không ghi nhận thay đổi về độc lực của các chủng cúm gây bệnh hiện nay, chủng cúm đang lưu hành vẫn là cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B.
Trước đó, năm 2024, Việt Nam cũng ghi nhận 289.876 trường hợp mắc cúm mùa, 8 ca tử vong; đặc biệt có 4 trường hợp tử vong do cúm A (H1N1) tại Bình Định, đây là các trường hợp có bệnh nền mãn tính nặng, không ghi nhận biến thể của virus.
Tại TP Hồ Chí Minh, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh cũng khẳng định chưa phát hiện bất thường trong công tác tiếp nhận, điều trị bệnh nhân cúm hiện nay.
Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng cảnh báo, thời điểm hiện nay, đang trong giai đoạn thời tiết mùa đông xuân với điều kiện khí hậu gió mùa, nồm ẩm, thuận lợi cho các mầm bệnh lây truyền qua đường hô hấp phát triển dẫn đến nguy cơ gia tăng số mắc như cúm mùa, sởi... Bên cạnh đó, thời gian này cũng là mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao; thường xuyên xảy ra việc tập trung đông người tại các địa điểm du lịch, vui chơi, giải trí và các khu vực công cộng, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm các bệnh đường hô hấp, trong đó có virus cúm.
Không chủ quan
Hiện nay, Bộ Y tế đã có phác đồ hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh cúm mùa, bệnh đã có thuốc điều trị đặc hiệu và được chỉ định dùng cho những trường hợp cụ thể, phác đồ cũng hướng dẫn các biện pháp điều trị triệu chứng và các trường hợp cúm mùa có biến chứng.
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Bệnh cúm mùa (seasonal flu) đã có từ rất lâu ở hầu hết các nơi trên thế giới, thường gây ra bởi virus cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B, lây trực tiếp từ người sang người qua đường hô hấp. Trên thế giới đã ghi nhận nhiều đại dịch cúm với hàng trăm triệu người mắc và có thể tử vong cướp đi sinh mạng của hàng triệu người. Chưa kể, các chủng cúm như cúm gia cầm A/H5N1 được ghi nhận với tỷ lệ tử vong rất cao, tuy nhiên cúm gia cầm ít lây truyền từ người sang người.
Theo đó, ở trên người khỏe mạnh, có hệ miễn dịch tốt thì các biểu hiện cúm thường nhẹ như: Sổ mũi, ngạt mũi, hắt hơi, ho, đau người, sốt và thường tự khỏi và không phải nhập viện. Tuy nhiên, ở những người có hệ miễn dịch yếu mang bệnh nền, bệnh mạn tính hoặc người cao tuổi, virus sẽ tấn công mạnh vào hệ hô hấp và gây ra những biến chứng như: Viêm phổi, bội nhiễm các vi khuẩn, viêm cơ tim, suy hô hấp nặng, suy đa tạng có thể phải thở máy, lọc máu, nguy cơ tử vong cao.
TS. BS Đặng Thị Thúy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng cảnh báo: "Cúm mùa thường tiến triển lành tính, nhưng bệnh cũng có thể có biến chứng nặng và nguy hiểm thường gặp ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp".
Với người mắc cúm, nhất là trẻ em cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý sử dụng các loại thuốc.
TS. BS Đặng Thị Thúy cũng khuyến cáo, cúm mùa, nhất là cúm A là bệnh rất dễ lây lan, mọi người đều có thể mắc đặc biệt là trẻ nhỏ, người già, phụ nữ có thai.
Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay là tiêm vaccine phòng cúm một cách chủ động. Thời điểm tiêm vaccine thích hợp là trước lúc giao mùa đông xuân (khoảng từ tháng 7 đến tháng 9 hàng năm) để cơ thể kịp sản sinh những kháng thể cần thiết để chống lại virus gây bệnh.
Đặc biệt, virus cúm không ngừng biến đổi, sau một năm tiêm vaccine, kháng thể trong cơ thể cũng dần giảm đi, do vậy người dân nên tiêm phòng nhắc lại hàng năm.
Để nâng cao thể trạng phòng bệnh cúm, trẻ em cần được ăn uống đủ chất, bổ sung vitamin khoáng chất, vitamin tổng hợp theo lứa tuổi…
Đặc biệt, người dân cần giữ gìn vệ sinh cá nhân như: Rửa tay sạch với xà phòng diệt khuẩn hoặc dung dịch sát khuẩn trước khi ăn, khi đi từ ngoài về nhà, sau khi đi vệ sinh; hạn chế đưa tay tiếp xúc vùng mắt, mũi, miệng; thường xuyên vệ sinh không gian sống và vui chơi của trẻ, đặc biệt là môi trường lớp học, các đồ chơi, vật dụng trẻ tiếp xúc hàng ngày…
Bác sĩ cũng lưu ý, trong giai đoạn dễ lây lan dịch cúm, cần tránh đưa trẻ đến tập trung ở nơi đông người, đặc biệt là tránh tiếp xúc với những người có dấu hiệu bị cúm. Người dân cần đeo khẩu trang khi đi ra ngoài để để hạn chế lây nhiễm bệnh.