Nhiều địa phương ở Bến Tre thiếu bác sĩ- Bài 1: Nỗi lo hiện hữu

Hiện nay, với bình quân 9,39 bác sĩ/vạn dân, đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, so với mặt bằng chung, Bến Tre có số lượng bác sĩ xếp thứ 4 trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đáp ứng công việc hiện tại chỉ đạt 80% nhu cầu.

Chú thích ảnh
Những ngày không có bác sĩ tăng cường, y sĩ Trần Hải Dương, Phó Trạm trưởng trạm y tế Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm phụ trách khám bệnh cho người dân. 

Ngành Y tế tỉnh đã và đang xây dựng các giải pháp để tăng cường số lượng và chất lượng nguồn nhân lực này.

Bài 1: Nỗi lo hiện hữu

Bến Tre hiện có 1.120 bác sĩ, trong đó có 157 bác sĩ tuyến xã. Hiện nay, tỉnh có 26 trạm y tế xã không có bác sĩ cơ hữu và các trung tâm y tế huyện đều thiếu bác sĩ. Hầu hết các huyện đều có nhu cầu thêm bác sĩ nhưng việc thu hút, tuyển dụng gặp nhiều khó khăn.

Thiếu nhân lực, thừa thiết bị

Huyện Giồng Trôm có 21 xã, thị trấn, nhưng có 8 trạm y tế chưa có bác sĩ cơ hữu. Tất cả các trạm y tế tuyến xã đều không có cử nhân xét nghiệm để vận hành các thiết bị máy móc như máy kiểm tra đường huyết, máy siêu âm… Hiện nay, chỉ có Trung tâm Y tế huyện Giồng Trôm mới có hai nhân viên có bằng cử nhân xét nghiệm, đáp ứng đủ chứng chỉ hành nghề.

Hơn một năm trước, Phòng khám Đa khoa khu vực Tân Hào, xã Tân Hào được đầu tư máy xét nghiệm đường huyết, máy siêu âm. Vì không có kỹ thuật viên có chứng chỉ hành nghề để sử dụng nên đến nay, máy móc vẫn còn trong thùng. "Các thiết bị để trong thùng không sử dụng được, lại còn tốn tiền điện để bật máy điều hòa bảo quản máy", một nhân viên Phòng khám Đa khoa khu vực Tân Hào cho biết.

Hiện nay, trung bình mỗi ngày, Phòng khám Đa khoa Khu vực Tân Hào tiếp nhận khoảng 20 lượt bệnh nhân, chủ yếu khám bệnh thông thường hoặc xin giấy chuyển tuyến.

Theo bác sĩ Ngô Văn Chinh, Trưởng phòng khám Đa khoa khu vực Tân Hào, hiện Phòng khám chỉ khám chữa bệnh thông thường, không thực hiện các chuyên khoa khác vì vướng quy định từ Bảo hiểm xã hội.

Thời gian qua, người dân trong khu vực phải lên Trung tâm Y tế huyện để siêu âm, xét nghiệm. Nếu có nhân viên đủ chứng chỉ sử dụng máy móc, bệnh nhân sẽ nhiều hơn; người dân đỡ vất vả và đỡ tốn kém chi phí hơn. Đồng thời, Trung tâm Y tế huyện sẽ đỡ quá tải.

Bác sĩ Chinh cũng cho biết, hiện phòng khám có một y sĩ đang học Cử nhân xét nghiệm ở Vĩnh Long, hơn một năm nữa mới có chứng chỉ hành nghề. Nhưng khả năng khi tốt nghiệp sẽ được điều động về hỗ trợ Trung tâm Y tế huyện.

Hiện nay, trang thiết bị y tế phục vụ xét nghiệm, siêu âm tại các trạm y tế tuyến xã của huyện Giồng Trôm được trang bị đầy đủ, có nơi dư nhưng lại thiếu người có trình độ chuyên môn để sử dụng.

Chú thích ảnh
Trung tâm y tế huyện Giồng Trôm hiện vẫn còn thiếu 10 bác sĩ trong khám, chữa bệnh. 

Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Giồng Trôm Phạm Công Luận nêu ví dụ: Trạm Y tế xã Châu Hòa có máy sinh hóa, máy điện tim, máy khám nha, máy test đường huyết...; Phòng khám Đa khoa khu vực Phước Long và Tân Hào đã được trang bị máy X-Quang, điện tim... từ nhiều năm nay, nhưng nhân sự không đủ chuẩn để vận hành dẫn đến lãng phí.

"Trung tâm Y tế huyện mong muốn tiếp nhận các thiết bị máy móc ở các trạm về Trung tâm để có nhân viên y tế đủ chuyên môn vận hành, phục vụ người dân, nhưng các trạm y tế xã không đồng ý", ông Luận cho biết.

Ông Đặng Hữu Thọ, Trưởng phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ, Trung tâm Y tế huyện Giồng Trôm cho biết thêm, trước đây chưa có quy định chứng chỉ hành nghề nên các trạm y tế được đầu tư đầy đủ máy siêu âm, máy xét nghiệm sinh hóa, chuyên nha, máy test đường huyết... Sau khi các trạm y tế có trang thiết bị đầy đủ mới có quy định yêu cầu những người tham gia xét nghiệm phải có chứng chỉ hành nghề. Trong khi đó, theo quy định nhân sự bố trí về các trạm y tế tuyến xã không có kỹ thuật viên xét nghiệm, do đó không phát huy được hiệu quả của các trang thiết bị được đầu tư.

Theo bác sĩ Võ Phạm Trọng Nhân, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre), các thiết bị máy móc y tế có kinh phí cao nhưng rất nhanh lỗi thời, nếu không được sử dụng rất lãng phí, hư hỏng. Hiện nay, hầu hết các trạm y tế xã đều được trang bị máy siêu âm, giá khoảng 500 triệu đồng. Nếu số tiền đầu tư cho 100 trạm y tế (ước khoảng 50 tỷ đồng) dành đầu tư cho bệnh viện lớn máy chuẩn đoán hình ảnh, X-Quang sẽ phát huy được hiệu quả vì có kỹ thuật viên sử dụng.

Bác sĩ Nhân cho rằng, việc đầu tư trang thiết bị y tế cho các trạm y tế tuyến xã là cần thiết, nhưng lại không "trang bị" con người để sử dụng thì các thiết bị này cũng vô dụng.

Tuyển khó, giữ chân càng khó hơn

Gần 10 năm qua, một số vị trí việc làm ở Bệnh viện Đa khoa khu vực Cù Lao Minh (huyện Mỏ Cày Bắc) cần tuyển để tạo nguồn kế thừa nhưng không có người dự tuyển, nhất là những vị trí có trình độ như: Bác sĩ, bác sĩ chuyên khoa, thạc sĩ bác sĩ. Trong khi đó, tình trạng bác sĩ xin nghỉ và xin chuyển công tác vẫn xảy ra.

Theo Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Cù Lao Minh Phan Văn Tăng, trong những năm qua, Bệnh viện luôn xảy ra tình trạng thiếu nhân lực y tế (đặc biệt là đội ngũ bác sĩ). Biên chế được giao trong các năm qua chỉ có 350 biên chế, trong khi đó giường kế hoạch là 410 giường, đến năm 2020 là 500 giường. Theo Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV ngày 5/6/2007 của Bộ Y tế - Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn định mức biên chế/giường bệnh trong các cơ sở y tế nhà nước, số biên chế của bệnh viện là 575.

Ông Phan Văn Tăng cho biết thêm, từ năm 2019-2020, Bệnh viện tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn về nguồn nhân lực có trình độ là bác sĩ chuyên khoa vì có đến 11 bác sĩ có trình độ chuyên khoa nghỉ hưu, trong khi nguồn nhân lực kế thừa không có. Thực trạng thiếu bác sĩ kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến công tác khám, chữa bệnh ở Bệnh viện. Hiện nay, các khoa phòng của Bệnh viện còn thiếu khoảng 30 bác sĩ mới đáp ứng nhu cầu phát triển Bệnh viện.

Chú thích ảnh
 Các thiết bị phục vụ xét nghiệm ở Phòng khám đa khoa khu vực Tân Hào, huyện Giồng Trôm vẫn còn nằm trong thùng hơn một năm qua. 

Trong thời gian tới, việc tuyển dụng đủ chỉ tiêu bác sĩ theo nhu cầu phát triển của Bệnh viện là rất khó, vì thời gian qua, việc tuyển dụng bác sĩ chủ yếu dựa vào nguồn phân bổ của Sở Y tế từ nguồn đào tạo theo địa chỉ của tỉnh và nguồn của Bệnh viện đưa đi liên thông từ y sĩ lên bác sĩ.

"Trong những năm qua, đội ngũ bác sĩ hiện hữu của Bệnh viện chỉ có thể đáp ứng cơ bản được nhu cầu khám, chữa bệnh tại Bệnh viện. Tuy nhiên, việc thiếu nguồn nhân lực bác sĩ đã ảnh hưởng đến định hướng phát triển của Bệnh viện vì có một số dịch vụ kỹ thuật cao không thể triển khai. Mặt khác, có những lúc lượng bệnh nhân tăng đột biến gây quá tải cho bác sĩ ở một số khoa (quá tải cục bộ) và bị hụt hẫng đội ngũ bác sĩ chuyên khoa sâu", ông Tăng cho biết.

Tuyển mới không được, nhân lực được đào tạo lại "ra đi", đó là tình trạng chung của nhiều địa phương ở Bến Tre. Từ năm 2009 đến nay, Trung tâm Y tế huyện Mỏ Cày Bắc có 5 bác sĩ được cử đi đào tạo chuyên khoa (bác sĩ chuyên khoa I, bác sĩ cận lâm sàng, bác sĩ chuẩn đoán hình ảnh), nhưng sau đó tất cả đều chuyển đi nơi khác.

Theo ông Hồ Văn Thái, Giám đốc Trung Y tế huyện Mỏ Cày Bắc, hiện nay Trung tâm Y tế huyện chưa chuyển qua đa chức năng nên hoạt động chính vẫn là y tế dự phòng. Do đó, khi các bác sĩ được đào tạo chuyên khoa trở về không có "đất" nên xin chuyển đi nơi khác. Ngoài ra, Trung tâm không có cơ sở để làm việc, không có điều kiện để các bác sĩ nâng cao tay nghề, không có hệ thống khám chữa bệnh, nên thời gian qua không tuyển dụng thêm được bác sĩ nào.

Từ năm 2008 đến nay, Sở Y tế đã trình UBND tỉnh Bến Tre cử đi đào tạo 523 bác sĩ và 38 dược sĩ đại học. Tuy nhiên, sau khi được đào tạo có 52 người (trong đó có 44 bác sĩ, 7 dược sĩ và một cử nhân) bồi hoàn kinh phí để đi làm việc nơi khác. Nguyên nhân được xác định là mức lương quá thấp. Hiện nay, mức lương của các bác sĩ ở các cơ sở y tế công lập khoảng 4-5 triệu đồng/người, nhưng nếu làm việc ở các cơ sở y tế tư nhân, phòng khám tư thì thu nhập có thể gấp 7-10 lần. Vì vậy, các bác sĩ ở Bệnh viện công luôn có hướng chuyển đi nơi khác.

Theo ông Ngô Văn Tán, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bến Tre, năm 2010, tỉnh có 5,4 bác sĩ/vạn dân, đến năm 2015 Bến Tre có 7,6 bác sĩ/vạn dân. Hiện nay, tỉnh có 9,39 bác sĩ/vạn dân (đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra). So với mặt bằng chung, Bến Tre có số lượng bác sĩ xếp vị trí thứ 4 trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; đáp ứng công việc hiện tại chỉ đạt 80% nhu cầu. Vì vậy, tình trạng thiếu nhân lực luôn luôn xảy ra.

Bài cuối: Tháo gỡ khó khăn

Bài và ảnh: Trần Thị Thu Hiền (TTXVN)
Thêm 60 bác sĩ chuyên khoa I về công tác tại vùng khó khăn
Thêm 60 bác sĩ chuyên khoa I về công tác tại vùng khó khăn

Ngày 4/12, tại Trường Đại học Y Dược Hải Phòng, Bộ Y tế tổ chức lễ bàn giao 60 bác sĩ trẻ, trong đó có 57 bác sĩ người dân tộc thiểu số vừa tốt nghiệp đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I khóa 9 và khóa 13 tại trường này về công tác ở vùng khó khăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN