Nạn nhân là ông N.V.N (nam, sinh năm 1953, ngụ tại Cần Thơ) nhập viện khuya 23/8 trong tình trạng bị chó cắn mất toàn bộ cánh mũi phải. Được biết, khuya 23/8, ông N vừa mở cửa nhà mình thì bị chó hàng xóm tấn công. Ngay sau đó, người nhà đã chuyển ông N đến bệnh viện cấp cứu.
Ê-kíp các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ đã sơ cứu vết thương, tiêm ngừa dại cho nạn nhân. Sau khi khám lâm sàng kết hợp cận lâm sàng, bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng nhận định, nạn nhân bị mất hoàn toàn phần cánh mũi phải, vết thương hở phức tạp. Trường hợp này cần phải khắc phục lại cấu trúc dáng mũi, nếu để lâu sẽ dẫn đến co kéo biến dạng nặng, cũng như nhiễm trùng lan rộng gây mất thẩm mỹ vùng mặt và có thể biến chứng nặng.
Sau khi hội chẩn, ê-kíp phẫu thuật quyết định dùng sụn vách ngăn và sụn tai của nạn nhân để tái tạo sụn cánh mũi. Để tạo vạt phù hợp, các bác sĩ phải tính toán chi tiết kỹ độ dài, rộng cánh mũi mất; đồng thời, xoay vạt da mũi má tái tạo da 2 mặt cánh mũi, khâu tạo hình lại đường viền lỗ mũi. Ca phẫu thuật tạo hình kéo dài 180 phút. Sau hậu phẫu 4 ngày, sức khỏe nạn nhân hiện đã ổn định, vạt da hồng hào, đảm bảo chức năng và tính thẩm mỹ.
Qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo, khi bản thân hoặc người thân bị chó cắn, việc đầu tiên cần làm là bình tĩnh, sát trùng vết thương, sau đó chuyển ngay đến các cơ sở y tế có chuyên môn để được sơ cấp cứu, đến các bệnh viện để được can thiệp kịp thời. Vết thương do chó cắn dễ bị nhiễm các loại tạp khuẩn, nhiễm virus bệnh dại từ nước bọt của chó và nhiễm uốn ván từ móng vuốt chó…
Việc điều trị vết thương do chó gây ra thường rất phức tạp, tốn kém, thường để lại những di chứng ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ và chức năng khuôn mặt. Vì vậy, khi rơi vào tình huống bị chó tấn công, người dân cần biết tự bảo vệ vùng đầu mặt của mình bằng động tác như: Cuộn tròn người lại như trái bóng, hai tay ôm chặt lấy đầu và mặt.