Nỗi lo gánh nặng bệnh tật
Thống kê của Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho thấy, hiện tại Việt Nam, trung bình một người trên 60 tuổi mắc tới 3-4 bệnh, người trên 80 tuổi có thể mắc đến 7 bệnh. Các bệnh người già hay mắc chủ yếu là bệnh về hô hấp, chuyển hóa, sa sút trí tuệ…
Hiện tuổi thọ bình quân của người Việt Nam tăng, nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước. Đây là vấn đề đáng quan tâm khi dự kiến 15 năm nữa, Việt Nam bước vào giai đoạn dân số già, vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người già dễ trở thành gánh nặng lớn.
GS. Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Dân số và các vấn đề xã hội cho rằng: “Khi xã hội đa số là người già, sẽ có nhiều người phải bỏ thời gian, công sức chăm sóc, nuôi dưỡng người già. Xã hội sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động, tăng chi nguồn lực và nhân lực cho việc chăm sóc người già. Trong khi đó, ở nước ta, đa số người cao tuổi sinh sống ở các khu vực nông thôn, không có thu nhập ổn định. Số lượng người cao tuổi tăng nhanh, tuổi thọ tăng cao, nhưng chất lượng đời sống của người cao tuổi Việt Nam còn thấp”.
Theo GS. Nguyễn Đình Cử, chưa kể nhiều người già không có con cái hoặc ít con, con cái đi làm ăn xa, con cái còn nghèo… không được chăm sóc tốt dẫn tới bệnh tật nhiều, sức khỏe yếu... Do vậy, khi có mạng lưới an sinh xã hội tốt, có hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi sẽ nâng cao được chất lượng sống, giảm gánh nặng bệnh tật cho xã hội.
Theo Dữ liệu dân cư quốc gia, cả nước hiện có khoảng 16,1 triệu người cao tuổi (chiếm trên 16% dân số); có 10,3 triệu người cao tuổi sống ở nông thôn (chiếm 64%). Tuổi thọ bình quân chung hiện nay là 73,6 tuổi (nam là 71; nữ là 76,4), nhưng tuổi thọ khỏe mạnh chỉ đến 66 tuổi.
Nhiều giải pháp nâng cao tuổi khỏe mạnh cho người già
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhận định: Tuổi thọ tăng và xuất hiện xu thế mức sinh xuống thấp, dự báo Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới và sớm trở thành quốc gia dân số già vào năm 2038. Như vậy, Việt Nam chỉ còn khoảng 15 năm để bước vào giai đoạn dân số già. Già hoá dân số là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế xã hội nói chung và chăm sóc sức khỏe nói riêng. Tuy nhiên, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh, đặt ra những thách thức lớn cho hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, giao thông, vui chơi giải trí… đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở nước ta.
Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi, đã ban hành, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều chủ chương, chính sách, chiến lược, chương trình, đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều Chương trình, Đề án về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Vừa qua, Bộ Y tế đã phối hợp với Hội Người cao tuổi Việt Nam triển khai nhiều hoạt động trong Chương trình phối hợp hoạt động về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Có nhiều mô hình hiệu quả trong công tác khám chữa bệnh cho người cao tuổi đang được triển khai. Bộ Y tế đã chỉ đạo tổ chức, đào tạo, xây dựng bộ máy, cơ sở khám chữa bệnh, đội ngũ cán bộ, thầy thuốc chuyên khoa chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh, theo dõi sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi; nhất là trong các dịp tháng Hành động vì người cao tuổi, ngày Quốc tế người cao tuổi…
Các chương trình rèn luyện thể dục, thể thao, dưỡng sinh, chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh được triển khai rộng rãi ở nhiều địa phương. Đến nay, cả nước có khoảng 80.000 câu lạc bộ, thu hút khoảng 3 triệu người cao tuổi tham gia. Đặc biệt là việc xây dựng, triển khai được gần 7.000 Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau với các hoạt động theo dõi, thăm khám, phòng ngừa, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Các tình nguyện viên tham gia giúp đỡ người cao tuổi ốm đau, sức khỏe yếu tại cộng đồng rất hiệu quả.
Hiện nay, một số cơ sở y tế cũng tích cực tham gia công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi như: Nâng cao chuyên môn cho cơ sở y tế chuyên khoa người cao tuổi, Bệnh viện Lão khoa Trung ương tăng cường năng lực, tổ chức công tác khám, chữa bệnh, tổ chức các Chương trình truyền thông, tập huấn cho người bệnh cao tuổi…
Trước thực trạng dân số già hóa nhanh, gánh nặng bệnh tật ở người già lớn, trong quá trình lấy ý kiến xây dựng Luật Dân số, Bộ Y tế đã đề xuất xây dựng các giải pháp thích ứng quá trình già hóa dân số, dân số già; đáp ứng nhu cầu cơ bản về chăm sóc người cao tuổi và một số nhu cầu cơ bản của người cao tuổi ngày càng tăng nhanh.
Cụ thể, Bộ Y tế đã đề xuất xây dựng quy trình, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về chăm sóc sức khoẻ, chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi; xây dựng các gói dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi. Xây dựng hệ thống chăm sóc dài hạn người cao tuổi phù hợp với đặc điểm về giới, độ tuổi, học vấn, văn hóa, kinh tế, xã hội, phù hợp các vùng miền, địa phương; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực về chăm sóc dài hạn người cao tuổi..
Vừa qua, Bộ Y tế đã ký kết với Hội Người cao tuổi Việt Nam về Chương trình phối hợp hoạt động về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi giai đoạn 2024-2028, nhằm tăng cường phối hợp triển khai các chủ trương, chính sách, pháp luật; các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về chăm sóc và nâng cao sức khỏe người cao tuổi, thích ứng với già hóa dân số nhanh ở nước ta. Đồng thời, đảm bảo người cao tuổi được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng; phát huy vai trò, chủ động tham gia các hoạt động chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Theo các chuyên gia, người cao tuổi được chăm sóc, đảm bảo sức khỏe tốt vẫn có thể đóng góp cho xã hội. Nhiều người cao tuổi có sức khỏe tốt thậm chí còn đóng góp rất tốt, vì họ có nhiều năm kinh nghiệm, có trình độ cao, có uy tín…