Gia tăng số trẻ mắc bệnh
Một tháng trở lại đây, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An và một số khoa nhi các bệnh viện khác trên địa bàn tỉnh ghi nhận số bệnh nhi nhập viện gia tăng. Nguyên nhân bởi giai đoạn chuyển mùa là điều kiện thuận lợi để các loại virus, vi khuẩn gây bệnh liên quan đến hô hấp và tiêu hóa phát triển.
Bác sỹ Chuyên khoa II Vương Thị Minh Nguyệt - Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết: Khoảng 3 tuần trở lại đây, thời tiết thay đổi khiến số bệnh nhi đến khám và nhập viện tăng cao so với thời điểm đầu tháng 8. Trung bình mỗi ngày, Khoa Khám bệnh tiếp nhận 500 - 700 bệnh nhi đến khám, trong đó 50 - 60% trẻ có bệnh lý cấp tính về virus và vi khuẩn. Tình trạng trẻ nhập viện do tiêu chảy cấp, viêm phổi, viêm tiểu phế quản co thắt, cúm A và số trẻ sơ sinh nhiễm virus hợp bào hô hấp gây bệnh viêm phế quản tăng cao. Đây là những bệnh điều trị kéo dài từ 10 - 12 ngày, khiến giường bệnh điều trị tại các khoa, phòng luôn chật kín.
Lý giải nguyên nhân gia tăng trẻ nhập viện, bác sỹ Nguyệt cho biết, giai đoạn chuyển mùa khiến trẻ em, nhất là trẻ dưới 3 tuổi có hệ miễn dịch chưa phát triển, sức khỏe yếu, dễ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, đường tiêu hóa. Khi thấy con có triệu chứng như ho, chảy nước mũi, sốt nhẹ hoặc sốt tăng dần, cha mẹ nên cho trẻ ở nhà, vệ sinh sạch sẽ, uống nước ấm để trẻ được thông thoáng đường thở; cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi trẻ sốt hơn 38,5 độ; không tự ý cho trẻ uống kháng sinh khi không có chỉ định của bác sỹ. Khi trẻ có triệu chứng bệnh tăng lên, như: ho tăng, sốt cao, dùng thuốc hạ sốt không giảm và triệu chứng khò khè tăng, gia đình nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, chỉ định thuốc điều trị. Ngoài vệ sinh sạch sẽ, cha mẹ nên bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, tăng sức đề kháng cho trẻ nhỏ.
Bên cạnh các bệnh lý về hô hấp và tiêu hóa, trong gần 1 tháng qua, ở thành phố Vinh nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung xuất hiện dịch bệnh đau mắt đỏ. Bệnh nhân gia tăng đột biến, trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp nhận từ 30 - 40 trẻ mắc bệnh đến khám, điều trị.
Thạc sỹ, bác sỹ Phạm Thị Vân, Phó Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết: Một tháng qua, Bệnh viện khám, điều trị cho trên 1.000 trẻ bị mắc bệnh đau mắt đỏ. Trong đó, rất nhiều trẻ em trong độ tuổi Mầm non bị mắc đau mắt đỏ. Đại đa số trẻ đến Bệnh viện khám điều trị được phát hiện bệnh sớm nên quá trình điều trị đều diễn ra an toàn, hiệu quả tốt. Tuy nhiên, một số ít trẻ bị biến chứng vào giác mạc do bố mẹ tự ý mua thuốc điều trị không đúng cách khiến quá trình điều trị gặp khó khăn, lâu khỏi, có thể để lại hậu quả xấu làm suy giảm thị lực.
Thạc sỹ, bác sỹ Phạm Thị Vân khuyến cáo: Khi có các dấu hiệu đau mắt đỏ, người bệnh cần tới khám và điều trị tại các cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị, tránh những tai biến đáng tiếc. Người dân tuyệt đối không sử dụng thuốc theo mách bảo hoặc dùng đơn thuốc của người này điều trị cho người khác, đặc biệt là những thuốc có Corticosteroid khi không có chỉ định của bác sỹ. Không nên điều trị theo các kinh nghiệm dân gian: xông mắt bằng các loại thuốc, lá cây để tránh làm bệnh nặng thêm và nguy cơ bội nhiễm. Các trường học, gia đình phát hiện trẻ mắc bệnh đau mắt đỏ cần cho trẻ nghỉ ở nhà tránh sự lây lan rộng.
Ca sốt, ổ dịch xuất huyết gia tăng
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An, từ ngày 8-15/9, trên địa bàn tỉnh ghi nhận thêm 58 ca sốt xuất huyết mới (tăng 21 ca so với tuần trước đó). Trong đó, các huyện Anh Sơn, Quỳnh Lưu, Diễn Châu thành phố Vinh... ghi nhận nhiều bệnh nhân. Toàn tỉnh có thêm 10 ổ dịch sốt xuất huyết mới, nâng tổng số lên thành 15 ổ dịch.
Thống kê từ đầu năm 2023 đến nay, Nghệ An đã có 328 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó ngoại lai 159 ca và nội tại 169 ca, không có ca tử vong. Số ca mắc tuy có giảm hơn so với năm trước (năm 2022 tỉnh này ghi nhận 2.670 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 2 trường hợp tử vong) nhưng thời gian tới, số ca mắc mới sốt xuất huyết có thể tiếp tục gia tăng và xuất hiện thêm ổ dịch, đặc biệt tại các khu vực ổ dịch cũ, xã, phường có diễn biến dịch các năm phức tạp.
Qua giám sát cho thấy, chỉ số bọ gậy tại một số khu vực đang tăng cao. Dựa vào chỉ số bọ gậy, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đánh giá mức độ nguy cơ các vùng có thể bùng phát và trở thành ổ dịch sốt xuất huyết. Hai tháng 9 và 10 thường là thời gian đỉnh điểm của dịch sốt xuất huyết tại Nghệ An.
Tiến sỹ Chu Trọng Trang, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nhận định: Thời tiết nóng ẩm, mưa bão thất thường hiện này chính là điều kiện thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển. Trong khi đó, ý thức của một bộ phận người dân vẫn chưa tốt, còn lơ là trong các hoạt động phòng, chống dịch, đặc biệt là chưa thực hiện triệt để việc vệ sinh môi trường. Các hoạt động triển khai đáp ứng dịch tại một số địa phương chưa được giám sát, đánh giá kết quả thực hiện một các triệt để...
Để phòng bệnh sốt xuất huyết, tỉnh Nghệ An chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp huyện, thành phố, thị xã triển khai mạnh mẽ hơn nữa hoạt động diệt loăng quăng/bọ gậy trên địa bàn và duy trì hoạt động 1 tuần một lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần một lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, loăng quăng/bọ gậy cao và 1 tháng một lần tại các khu vực còn lại.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Thương, Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết: Ngành Y tế đã chỉ đạo các Trung tâm Y tế nơi có ổ dịch tích cực phối hợp với địa phương rà soát, cập nhật danh sách các điểm nguy cơ gây dịch bệnh sốt xuất huyết, xây dựng kế hoạch giám sát và xử lý đối với từng loại hình điểm nguy cơ. Các đơn vị triển khai đồng bộ các biện pháp xử lý, không để ổ dịch kéo dài; đánh giá hiệu quả các biện pháp đáp ứng xử lý dịch tại các ổ dịch sốt xuất huyết, đảm bảo các hoạt động được điều chỉnh sát với diễn biến ổ dịch... Các Trung tâm Y tế cần chủ động tăng cường công tác rà soát, phát hiện các trường hợp mắc hoặc nghi mắc sốt xuất huyết trên địa bàn để có phương án xử lý sớm.
Cùng với đó, ngành đã chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong, đặc biệt tại cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân. Điều này giúp tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời; đồng thời giúp tỉnh có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện; đảm bảo đủ thuốc, thiết bị, vật tư y tế để phục vụ công tác khám, chữa bệnh.