Kiến thức, kỹ năng còn hạn chế
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) Nguyễn Thị Ngọc Lan, mặc dù các cấp, các ngành đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền, giáo dục, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên, nhưng hiện nay kiến thức, kỹ năng về vấn đề này của vị thành niên, thanh niên vẫn còn hạn chế. Giáo dục về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục chưa tiếp cận được ở diện rộng. Việc cung cấp thông tin, dịch vụ thân thiện về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của vị thành niên, thanh niên. Tình trạng quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục không an toàn, mang thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn, nguy cơ lây nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục… của vị thành niên, thanh niên vẫn chưa được cải thiện đáng kể, đặc biệt là ở 4 khu vực: nông thôn, vùng sâu, các khu công nghiệp tập trung và nhóm vị thành niên, thanh niên yếu thế (dân tộc thiểu số, khuyết tật, đồng giới nam…).
Kết quả điều tra Quốc gia về Sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục của thanh, thiếu niên Việt Nam độ tuổi 10-24 do Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) thực hiện cho thấy, tuổi trung bình khi quan hệ tình dục lần đầu của những người được điều tra là 18,7 tuổi. Trong tổng số nữ trong độ tuổi 15-24, tỷ lệ đang sử dụng biện pháp tránh thai là 60% và tỷ lệ đang sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại là 50,5%. Nhu cầu chưa được đáp ứng về biện pháp tránh thai hiện đại trung bình khoảng 30%, thậm chí lên tới 48,4% đối với nữ chưa từng kết hôn ở độ tuổi 15-24. Trong tổng số thanh thiếu niên tham gia nghiên cứu, 83% đã từng nghe nói về bao cao su nam, 63,4% hiểu đúng mục đích của việc dùng bao cao su. Tuy nhiên, chỉ có 26% trong số họ biết cách sử dụng bao cao su đúng cách. Rào cản phổ biến nhất để mua bao cao su là xấu hổ (76%) và có cảm giác đang làm điều sai trái khi mua bao cao su (18%).
Theo số liệu của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, có tới 20 - 30% các ca phá thai là phụ nữ chưa kết hôn và 60 - 70% là sinh viên, học sinh. Đây là con số được báo cáo chính thức, theo thống kê từ các cơ sở y tế được cấp phép. Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn rất nhiều do có tỷ lệ không nhỏ trẻ vị thành niên, thanh niên sợ bị phát hiện hoặc không có nhiều tiền nên không đến bệnh viện, tới các phòng khám tư nhân để nạo hút thai hoặc tự mua thuốc, tự lên mạng tìm cách để phá thai. Những hành động nguy hiểm này đã dẫn tới việc có không ít trường hợp phải vào viện cấp cứu do biến chứng từ việc nạo hút thai không đảm bảo an toàn.
Thách thức lớn trong thực hiện
Theo Tổng cục trưởng Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Nguyễn Doãn Tú, mặc dù tỉ lệ phá thai ở Việt Nam trong 10 năm trở lại đây giảm nhưng tỉ lệ phá thai ở trẻ vị thành niên, thanh niên lại có dấu hiệu gia tăng; đồng thời tỷ lệ mang thai ở vị thành niên vẫn ở mức cao và rất đáng lo ngại. Nguyên nhân chính là do các bạn trẻ có kiến thức chưa đầy đủ và thực hành chưa đúng về các vấn đề sức khỏe sinh sản, quan hệ tình dục trước hôn nhân.
Kết quả rà soát việc thực hiện chính sách và chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục của vị thành niên, thanh niên hơn 10 năm qua cho thấy đang tồn tại những nguyên nhân khác nhau về điều hành, nhân lực, tài chính, hệ thống thông tin và cung cấp dịch vụ gây ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục của vị thành niên, thanh niên. Trong đó, có thể kể tới việc các nội dung chính sách về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên hiện đang có những thiếu hụt nhất định như chưa xây dựng chiến lược, kế hoạch riêng biệt và toàn diện; chưa bao trùm đối tượng một cách toàn diện, cụ thể là chưa bao phủ tới các nhóm vị thành niên, thanh niên thiệt thòi (nhóm độ tuổi từ 10 - 14, dân tộc thiểu số, khuyết tật, di cư…); chưa có quy định giáo dục sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục toàn diện cho vị thành niên, thanh niên là yêu cầu bắt buộc cần triển khai đồng bộ, toàn diện trong nhà trường…
Hiện nay, nguồn kinh phí dành cho công tác dân số ngày càng giảm, dẫn đến nguồn kinh phí dành cho chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vị thành niên, thanh niên cũng hạn hẹp, trong khi công tác này chưa có dòng ngân sách riêng tạo ra những thách thức lớn trong việc thực hiện các mục tiêu của chương trình.
Việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục đảm bảo chất lượng của vị thành niên, thanh niên hiện nay vẫn gặp phải nhiều khó khăn, một phần do các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình tập trung chủ yếu vào những người đã kết hôn. Công tác giáo dục sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên hiện được nhiều trường tăng cường triển khai, tuy nhiên các chương trình giáo dục không nhất quán giữa các tỉnh và không nằm trong nội dung giám sát của Sở Giáo dục - Đào tạo hay Sở Y tế, phụ thuộc vào sự tự nguyện của từng trường.
Các hoạt động truyền thông cung cấp thông tin, tư vấn về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên tới các đối tượng vị thành niên, thanh niên ngoài nhà trường cũng đã được thực hiện nhưng tổ chức rời rạc, thiếu tính đồng bộ và quy mô. Việc tuyên truyền về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên trong cộng đồng, tới các bậc cha mẹ cũng chỉ là các bước ban đầu.
Cần trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản cho giới trẻ
Vị thành niên, thanh niên Việt Nam ngày nay đã có sự thay đổi về tập quán, văn hóa, như lập gia đình ở độ tuổi muộn hơn và gia tăng quan hệ tình dục trước hôn nhân. Lứa tuổi này cũng dễ gặp phải các nguy cơ mang thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục…
Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Mai Xuân Phương cho rằng, để giáo dục giới trẻ về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, các bậc phụ huynh nên dành thời gian trò chuyện, tâm sự với con. Các trường học nên tổ chức các giờ học ngoại khóa về giới tính… Vấn đề mấu chốt là phải trang bị cho giới trẻ những kiến thức, kỹ năng cơ bản, cụ thể như cách từ chối trước những đòi hỏi tình dục của bạn khác giới; cách chăm sóc, giữ gìn thân thể; cách thoát hiểm, ứng xử trong mọi tình huống để tránh những nguy cơ xấu, phòng tránh bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS, tránh mang thai ngoài ý muốn... Đây chính là chìa khóa giúp con biết cách tự vệ, giữ gìn bản thân ở mọi hoàn cảnh, khi người khác có cái nhìn khiếm nhã, có động tác đụng chạm, người lạ rủ đi chơi, dụ cho ăn uống, cho quà...
Bên cạnh đó, để công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thành niên đạt được nhiều kết quả tốt, cần đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và sự hiểu biết của cộng đồng, các cán bộ y tế cung cấp dịch vụ; cập nhật và triển khai Chương trình giáo dục sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục toàn diện, bao gồm cả giáo dục kỹ năng sống cho học sinh Trung học phổ thông, sinh viên đại học ở một số trường điểm trước khi phổ biến rộng rãi. Các buổi tuyên truyền này sẽ đem đến cho các em những kiến thức để tự bảo vệ bản thân mình.
Sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên được xác định là một trong những yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định đến chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực và tương lai của giống nòi. Do đó, việc chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên là việc làm quan trọng, cần có sự quan tâm, vào cuộc của toàn xã hội, qua đó không chỉ giúp các em phát triển một cách toàn diện về tâm sinh lý, còn góp phần phòng ngừa các tệ nạn, các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra do thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục.