Ngành y tế TP Hồ Chí Minh tri ân các lực lượng hỗ trợ chống dịch

"Ngành y tế thành phố xin gửi những tình cảm tốt đẹp nhất cùng lời tri ân sâu sắc nhất đến tất cả các đồng nghiệp từ khắp mọi miền của đất nước đã cùng với ngày y tế thành phố vượt khó, dấn thân vì sức khỏe của người dân thành phố", đây là chia sẻ của Phó Giáo sư Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh.

Chú thích ảnh
Đoàn y, bác sỹ, lái xe Trung tâm cấp cứu 115 thành phố Đà Nẵng lên đường chi viện TP Hồ Chí Minh phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh minh họa: Văn Dũng/TTXVN

Trân trọng đóng góp của lực lượng hỗ trợ chống dịch

Theo Phó Giáo sư Tăng Chí Thượng, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh do biến chủng Delta gây ra, bắt đầu từ những ngày cuối tháng 4/2021. Tính đến nay, thành phố  đã có 403.997 ca mắc, hiện còn 20.905 trường hợp đang được cách ly điều trị tại các bệnh viện và 22.257 người đang được cách ly điều trị tại nhà.

Có thể nói, từ trung tuần tháng 7 đến trung tuần tháng 9, cả thành phố đã trải qua những ngày hết sức khó khăn do đỉnh dịch kéo dài hơn 2 tháng. Từ giữa tháng 9 cho đến nay, dưới sự chỉ đạo sâu sát của Ban Chỉ đạo Quốc gia và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố, những tín hiệu lạc quan cho thấy thành phố đã bắt đầu kiểm soát được dịch. Số ca tử vong giảm, số trường hợp mắc mới giảm dần, số trường hợp xuất viện tăng và cao hơn so với số người phải nhập viện nhập viện. 

Trong bối cảnh đó, bên cạnh việc huy động tổng lực nhân viên y tế từ tất cả các cơ sở khám chữa bệnh công lập và tư nhân trên địa bàn, Ngành y tế thành phố đã nhận được sự hỗ trợ rất kịp thời và quý báu về nhân lực đến từ 132 đơn vị, gồm các bệnh viện bộ, ngành, Trung ương, các Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các trường dại học, cao đẳng ở trung ương, tỉnh, thành phố và Học Viện Quân y, các lực lượng chiến sĩ của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các lực lượng khác cùng tham gia các hoạt động phòng, chống dịch, chăm lo an sinh xã hội cho người dân trên đại bàn thành phố....

Tính đến ngày 30/9 có 187.275 người tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn  thành phố, trong đó, lực lượng do các bộ, ngành trung ương, các tỉnh, thành phố là 28.989 người với  2.335 bác sỹ, 5.011 điều dưỡng; giáo viên, sinh viên các trường y khoa là 4.760 người; 6.103 chiến sĩ quân y; 175 cán bộ chiến sĩ y tế đến từ lực lượng y tế thuộc Bộ Công an. 

Bên cạnh đó có 16.637 chiến sĩ, quân y được tăng cường từ Bộ Quốc phòng tham gia các trạm y tế lưu động (chăm sóc F0 tại nhà), lấy mẫu xét nghiệm diện rộng tại thành phố Thủ Đức và các quận, huyện; tham gia phối hợp với Công an Thành phố, Sở Y tế triển khai 236 chốt kiểm soát liên ngành và 452 tổ tuần tra; tham gia tổ công tác đặc biệt tại các phường, xã, thị trấn.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng đã tổ chức thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tại 6 cơ sở của Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Quân dân y Miền Đông, Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5A, 5C, 5D và 5G.

"Trong thời gian lực lượng hỗ trợ lưu lại và tham gia công tác khám, chữa bệnh cho người dân thành phố, chắc chắc rằng ngành y tế thành phố vẫn còn những thiếu sót trong công tác tiếp đón, điều kiện làm việc, chăm lo bữa ăn, nơi nghỉ. Nhân viên ngành y tế thành phố sẽ nhớ mãi những hình ảnh thân thương khi được cùng làm việc chung với các bạn đồng nghiệp trên cả nước vì sức khoẻ của người dân thành phố. Nhân viên ngành y tế thành phố sẽ tiếp tục nỗ lực hết mình để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm được lãnh đạo thành phố giao phó", Phó giáo sư Tăng Chí Thượng, đại diện ngành y tế thành phố, chia sẻ.

Hai mũi giáp công hiệu quả

Cũng theo Phó Giáo sư Tăng Chí Thượng, chính nhờ sự hỗ trợ kịp thời nguồn nhân lực y tế đến từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước, từ Cục Quân Y (Bộ Quốc Phòng), Bộ Công an mà ngành y tế thành phố đã triển khai hiệu quả đồng thời “2 mũi giáp công” trong cuộc chiến chống COVID.

Cụ thể, TP Hồ Chí Minh đã thành công trong việc triển khai "mũi giáp công thứ nhất" khi xây dựng và triển khai hiệu quả mô hình điều trị 3 tầng, tạo sự liên kết thông suốt với nhau, bao gồm: các bệnh viện hồi sức tích cực ở tầng 3, các bệnh viện dã chiến ở tầng 2, các đơn vị thu dung tại tầng 1. Bộ Y tế đã huy động toàn bộ nhân lực tinh nhuệ nhất của các bệnh viện trung ương đầu ngành như: Bạch Mai, Việt Đức, Trung ương Huế, Chợ Rẫy, Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh cùng với các bệnh viện tuyến cuối của Bộ Quốc phòng như Bệnh viện Quân y 175, Quân y 103 và các bệnh viện thuộc Bộ Công an cùng với thành phố gấp rút xây dựng các trung tâm hồi sức tích cực để tăng cường công tác điều trị hồi sức cho các trường hợp nặng, nguy kịch, nhằm giảm tỷ lệ tử vong. 

Song song đó, Bộ Y tế đã giao nhiệm vụ cho các bệnh viện hồi sức ở tầng 3 có trách nhiệm liên kết với bệnh viện ở tầng dưới tạo nên hệ thống bệnh viện “chị em”, thường xuyên hội chẩn các ca bệnh nặng, tổ chức đào tạo, tập huấn và trực tiếp đến chi viện kịp thời nhằm phát hiện trường hợp nặng ở tuyến dưới đưa lên tuyến trên, góp phần giảm tỷ lệ tử vong của bệnh nhân COVID-19.

"Mũi giáp công thứ hai" là tập trung nguồn lực thích hợp cho công tác điều trị ở tuyến cơ sở, chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã xây dựng các hướng dẫn chăm sóc tại nhà cho người F0, liên tục cập nhật theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế và tình hình thực tế. Từ đó, tổ chức xét nghiệm nhanh phát hiện F0 kết hợp với phát túi thuốc điều trị tại nhà, kết hợp với tổ chức tư vấn và hướng dẫn cách tự chăm sóc tại nhà từ xa (telehealth), triển khai khám chữa bệnh, cấp cứu tại nhà.... Mô hình chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà cho người F0 đã phát huy hiệu quả rõ nét, nhờ đó đã giảm tỷ lệ chuyển nặng và tử vong, giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung và các bệnh viện dã chiến.  

Hưởng ứng mũi giáp công này, Hội Y học thành phố, tổ chức Thầy thuốc đồng hành, Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh đã chủ động triển khai nhiều mô hình tưvấn từ xa qua các tổng đài 1022, theo dõi và chăm sóc F0 tại nhà qua các tổ y tế lưu động của các trường y khoa, các tổ chức thiện nguyện cung cấp túi thuốc A-B và cung cấp bình oxy tại nhà cho người dân. Nhờ đó, nhiều F0 tại nhà đã bớt sang chấn tâm lý cho người bệnh, góp phần giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục.

Sẵn sàng ứng phó trong tình hình mới

Theo Phó Giáo sư Tăng Chí Thượng, trong thời gian tới, ngành y tế thành phố tiếp tục tập trung nguồn lực cho công tác tiêm vaccine, hướng đến bao phủ vaccine toàn dân sớm nhất. Ưu tiên tiêm đủ liều cho lực lượng tuyến đầu, người có nguy cơ cao (có bệnh nền, trên 50 tuổi, phụ nữ mang thai), lực lượng sản xuất. Kiến nghị Bộ Y tế cho thành phố thí điểm triển khai tiêm vaccine cho trẻ em khi có nguồn vaccine phù hợp.

TP Hồ Chí Minh cũng thực hiện nghiêm chiến lược xét nghiệm của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và hướng dẫn của Bộ Y tế để chủ động bóc tách nguồn lây nhiễm mạnh tại các khu vực nguy cơ cấp 3 và 4 và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.

Về chăm sóc và quản lý F0 dựa vào cộng đồng, TP Hồ Chí Minh ban hành quy trình phát hiện và xử lý khi có F0 trong cộng đồng và trong khu vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các khu vực khác phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới, vừa đảm bảo an toàn, vừa không làm gián đoạn các hoạt động. Có kế hoạch vận hành hiệu quả mô hình trạm y tế lưu động và tổ chăm sóc người mắc COVID-19 tại cộng đồng trên tất cả địa bàn phường, xã, thị trấn; huy động mọi nguồn lực tham gia công tác chăm sóc F0 tại nhà.

Trong công tác điều trị, TP Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy hiệu quả của mô hình điều trị 3 tầng, hạn chế tối đa số bệnh nhân trở nặng, kéo giảm tỷ lệ tử vong xuống mức thấp nhất có thể; nâng cao năng lực điều trị của hệ thống các bệnh viện, bao gồm cả các bệnh viện tư nhân, chủ động ứng phó với các tình huống diễn biến của dịch bệnh.

Ngành y tế cũng nghiên cứu thành lập “Khoa COVID” tại các bệnh viện chuyên khoa nhiễm và bệnh viện đa khoa; xây dựng hệ thống cảnh báo và xác định ngưỡng năng lực điều trị COVID-19; có lộ trình phục hồi công năng của các bệnh viện đảm bảo thực hiện 2 chức năng trong tình hình mới, vừa sẵn sàng thu dung, điều trị người mắc COVID-19, vừa đảm bảo chức năng khám, chữa bệnh thông thường. Củng cố và phục hồi hệ thống y tế, tái cơ cấu lại hệ thống thu dung điều trị, huy động mọi nguồn lực đảm bảo nguồn nhân lực cho công tác phòng chống dịch và chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Đinh Hằng (TTXVN)
Tri ân các tình nguyện viên tôn giáo hoàn thành thời gian hỗ trợ chống dịch
Tri ân các tình nguyện viên tôn giáo hoàn thành thời gian hỗ trợ chống dịch

Ngày 24/9, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh tổ chức Lễ đón và tri ân 147 tình nguyện viên tôn giáo hoàn thành thời gian hỗ trợ lực lượng y bác sỹ nơi tuyến đầu tại các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn Thành phố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN