Ngăn chặn vấn nạn thuốc giả: Cần tăng mức hình phạt để răn đe

“Dù Việt Nam đã xây dựng hệ thống quản lý dược tương đối đầy đủ từ tiền kiểm đến hậu kiểm, song, công tác phòng, chống thuốc giả vẫn còn nhiều lỗ hổng. Hệ lụy do thuốc giả gây ra là rất nghiêm trọng, không chỉ đe dọa sức khỏe người bệnh mà còn làm mất niềm tin vào hệ thống y tế, làm suy yếu ngành công nghiệp dược, vì thế cần có chế tài xử phạt nghiêm khắc, mang tính răn đe”.

Trên đây là ý kiến được đưa ra tại Hội thảo “Thuốc giả - hệ lụy thật: Làm cách nào để ngăn chặn?” do Báo Tiền phong phối hợp với Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) và Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 26/5.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội thảo “Thuốc giả - hệ lụy thật: Làm cách nào để ngăn chặn?”.

Nhức nhối tình trạng thuốc giả

Tại hội thảo, ông Phùng Công Sưởng, Tổng Biên tập Báo Tiền phong thông tin, theo thống kê từ cơ quan chức năng trong năm 2023, Việt Nam đã phát hiện hơn 160 vụ việc liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc giả, xử lý hành chính và truy cứu hình sự nhiều đối tượng. Năm 2024 đã có 27 loại thuốc bị đình chỉ lưu hành do không đạt tiêu chuẩn chất lượng, trong đó có 8 loại bị xác định là thuốc giả.

Đáng chú ý, thuốc giả ngày nay không chỉ là những viên nén nhái bao bì mà ngày càng trở nên tinh vi hơn khi sử dụng công nghệ in ấn hiện đại, giả mã QR, giả bao bì chống hàng giả, khiến ngay cả người trong ngành cũng khó phân biệt. Trong khi đó, hệ thống giám sát hậu kiểm hiện nay vẫn còn phân tán, năng lực kiểm tra tại cơ sở nhiều nơi còn thiếu… Ngoài ra, lỗ hổng pháp lý cũng là một nguyên nhân khiến cho việc kiểm soát thuốc giả còn gặp khó khăn. Hiện nay, chế tài đối với hành vi sản xuất và buôn bán thuốc giả dù đã được quy định tại Điều 194, Bộ luật Hình sự, song trên thực tế, việc xử lý hành vi này vẫn chưa đủ sức răn đe. Trong khi đó, các đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả hoạt động có tổ chức, quy mô và tinh vi nên rất khó nhận diện và phát hiện.

Chú thích ảnh
Ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, phát biểu khai mạc Hội thảo.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ, thuốc là mặt hàng đặc biệt, liên quan trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe con người. Tuy nhiên thực tế thời gian qua, tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng, đặc biệt là thuốc y học cổ truyền, thuốc không rõ nguồn gốc bán tràn lan trên mạng xã hội vẫn diễn biến phức tạp. Lợi dụng lòng tin của người bệnh, sự nhẹ dạ của người dân, không ít đối tượng đã sử dụng mạng xã hội, người nổi tiếng, thậm chí cả danh xưng của bác sĩ để quảng cáo thuốc giả như “thần dược”. Cơ quan điều tra đã phát hiện nhiều vụ việc nghiêm trọng, điển hình như vụ thuốc giả Tetracyclin, Clorocid tại Thanh Hóa, Hà Nam…

“Bất kỳ hành vi sản xuất, buôn bán, lưu hành thuốc giả nào dù chỉ là một viên thuốc cũng là hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật, vi phạm đạo đức xã hội và cần bị lên án, xử lý nghiêm minh”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhìn nhận.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết: “Quan điểm của Bộ Y tế về vấn đề này rất rõ ràng và nhất quán, phải đấu tranh quyết liệt, xử lý nghiêm khắc, không có vùng cấm, không có ngoại lệ; đồng thời, phải xử lý cả hành vi bao che, tiếp tay, thiếu trách nhiệm trong quản lý để thuốc giả tồn tại và len lỏi vào hệ thống phân phối thuốc”.

Thủ đoạn tinh vi, hậu quả nặng nề

Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh nêu rõ,  riêng năm 2024 và 5 tháng đầu của năm 2025, Chi cục đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc liên quan đến nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền. Các hành vi vi phạm phổ biến bị phát hiện là kinh doanh hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, niêm yết giá không đúng quy định, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu… Qua tổng hợp, rà soát lại các vụ việc đã kiểm tra và các vụ việc bị phát hiện gần đây, Chi cục Quản lý thị trường Thành phố nhận thấy, những phương thức, thủ đoạn của các đối tượng thường xuyên sử dụng là sử dụng thông tin "hàng xách tay" để hợp thức hóa các loại thuốc, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không rõ thông tin chất lượng.

Đáng nói, một thủ đoạn mới và đặc biệt nguy hiểm là việc trộn lẫn thuốc thật với thuốc giả trước khi bán ra thị trường. Cách làm này nhằm đánh lừa cơ quan chức năng trong quá trình kiểm tra ngẫu nhiên và xây dựng lòng tin ban đầu nơi người tiêu dùng. Các đối tượng thậm chí còn tự đặt tên thuốc và tên công ty sản xuất, phần lớn có trụ sở ảo ở nước ngoài như Malaysia, Singapore; sau đó quảng cáo là "hàng xách tay" thông qua mạng xã hội, dưới vỏ bọc là nhân viên, dược sĩ của các công ty dược. Việc trộn lẫn sản phẩm thật với hàng giả là một hành vi đặc biệt nguy hiểm và khiến việc phát hiện trở nên khó khăn hơn trong các cuộc kiểm tra tại chỗ.

Tiến sĩ, dược sĩ Nguyễn Quốc Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng, thuốc giả, thuốc kém chất lượng chắc chắn không đủ về liều lượng, nghĩa là người dùng thuốc không đạt được nồng độ trị liệu. Từ những nghiên cứu, lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy nhấn mạnh, ba nguy hại lớn nhất khi dùng thuốc giả, thuốc kém chất lượng là: Bỏ phí mất "thời gian vàng" để điều trị bệnh; nguy cơ đưa thêm chất lạ, chất độc hại vào cơ thể; làm tăng tương tác thuốc, làm cho các cơ quan thải độc của cơ thể (gan, thận…) phải tăng công suất và tăng chi phí điều trị.

Chú thích ảnh
Ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) nêu thực trạng và đề xuất giải pháp ngăn chặn thuốc giả.

Theo Tiến sĩ Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý (Bộ Y tế), các đối tượng làm giả thuốc ngày càng tinh vi, có thể sản xuất chui mà không cần nhà xưởng cố định, chia nhỏ quy trình để tránh bị phát hiện và dùng mạng xã hội làm kênh tiêu thụ. Trong khi đó, một bộ phận nhà thuốc bán lẻ chưa tuân thủ nghiêm ngặt quy định, bán thuốc không hóa đơn, không truy xuất được nguồn gốc, tạo điều kiện cho thuốc giả thâm nhập hệ thống chính thống.

Tiến sĩ Tạ Mạnh Hùng đề xuất cần tăng mức phạt và bổ sung các quy định kiểm soát bán thuốc online, công khai thông tin đơn vị phân phối và áp dụng truy xuất nguồn gốc bằng mã QR. Bên cạnh đó, việc thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dược cần được siết chặt; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là kinh doanh trên mạng xã hội. Cuộc chiến chống thuốc giả là nhiệm vụ khó khăn và lâu dài, cần cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng với sự tỉnh táo và hợp tác của người dân.

Tin, ảnh: Đinh Hằng (TTXVN)
Bộ Y tế truy tìm nguồn gốc thuốc giả NEXIUM® 40mg
Bộ Y tế truy tìm nguồn gốc thuốc giả NEXIUM® 40mg

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có văn bản gửi các sở y tế về việc kiểm tra, xử lý, truy tìm nguồn gốc thuốc giả NEXIUM® 40mg.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN