Nâng cao năng lực y tế cơ sở, sẵn sàng ứng phó các dịch bệnh truyền nhiễm

Ông Huỳnh Minh Phúc, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An cho biết, thay đổi thời tiết do biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh như: đậu mùa khỉ, sốt xuất huyết (không theo chu kỳ), dịch COVID-19 xuất hiện nhiều biến chủng mới. Trước dự báo tình hình dịch năm 2023 tương đối phức tạp, UBND tỉnh đã tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine phòng dịch COVID-19 cho người dân tại Long An. Ảnh tư liệu: Đức Hạnh/TTXVN

UBND tỉnh yêu cầu, các ngành thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể, tăng cường phối hợp liên ngành trong phòng, chống dịch bệnh; huy động các đoàn thể xã hội tham gia công tác này; thành lập và duy trì hoạt động của Hội đồng tư vấn chuyên môn của tỉnh về công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, tiêm vaccine...

Ngành Y tế tăng cường chỉ đạo, giám sát, kiểm tra, đôn đốc và hỗ trợ tuyến dưới; tổ chức đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, thống kê báo cáo, mở rộng triển khai sử dụng hệ thống báo cáo điện tử cho tất cả các tuyến; thường xuyên giám sát các trường hợp mắc COVID-19, giám sát cộng đồng, thực hiện giám sát biến thể của virus SARS-CoV-2. Đồng thời, ngành tổ chức khoanh vùng ổ bệnh, điều tra truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, đánh giá nguy cơ; điều trị toàn diện, triệt để, giảm tử vong; nâng cao năng lực y tế cơ sở, sẵn sàng về trang bị, nhân lực, thuốc điều trị, ô-xy; tăng cường truyền thông, nâng cao cảnh giác của người dân trước các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Đối với các dịch bệnh truyền nhiễm khác, ngành Y tế chủ động theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình hình, kịp thời thông báo, chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp chủ động ứng phó, không để các dịch bệnh bùng phát, hạn chế tỷ lệ mắc, tử vong do bệnh dịch; xét nghiệm phát hiện sớm tác nhân gây bệnh, thực hiện xét nghiệm tại chỗ và triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa chủ động khi chưa có dịch bệnh xảy ra. Ngành cần tăng cường và mở rộng triển khai giám sát dựa vào sự kiện (EBS) lồng ghép với hệ thống giám sát thường xuyên (giám sát dựa vào chỉ số); duy trì tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em và phụ nữ có thai trong Chương trình tiêm chủng mở rộng; giữ vững thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh và giảm tỷ lệ mắc các bệnh có vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng như: bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, viêm não Nhật Bản, viêm gan B...; đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động y tế trường học, thực hiện tốt việc bảo vệ sức khỏe cho học sinh.

Năm 2023, Long An đề ra chỉ tiêu 100% bệnh, dịch bệnh mới phát sinh được phát hiện và xử lý kịp thời; 100% cán bộ làm công tác thống kê, báo cáo bệnh truyền nhiễm được tập huấn về giám sát, công tác báo cáo bệnh truyền nhiễm, nâng cao chất lượng và áp dụng hệ thống báo cáo điện tử; 100% hành khách xuất, nhập cảnh được giám sát, kiểm tra, xử lý y tế theo đúng quy định không để dịch bệnh xâm nhập qua cửa khẩu...

Thanh Bình (TTXVN)
Tháo gỡ vướng mắc cho y tế cơ sở, y tế dự phòng tại Hà Nội 
Tháo gỡ vướng mắc cho y tế cơ sở, y tế dự phòng tại Hà Nội 

Y tế cơ sở và y tế dự phòng đóng vai trò quan trọng, tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hiện nay, trong hai lĩnh vực này đang tồn tại nhiều khó khăn, bất cập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN